Sputnik cho hay, bất chấp những nỗ lực của EU nhằm giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga sau các lệnh trừng phạt chống Moskva, dữ liệu gần đây cho thấy sự gia tăng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga từ Pháp và Tây Ban Nha. Theo đó, hoạt động nhập khẩu khí LNG trên thực tế vẫn diễn ra bình thường.
Theo dữ liệu Eurostat, xuất khẩu khí LNG của Nga sang Pháp đã tăng lên mức cao nhất trong 14 tháng (từ tháng 11/2022 đến cuối tháng 1/2024), lên tới 293 triệu euro. Tháng 12 năm ngoái, nhập khẩu LNG của Nga từ Pháp ước tính là 244 triệu euro, đánh dấu mức tăng gần 50 triệu euro trong tháng. Trong khi đó, Tây Ban Nha nhập khí LNG từ Nga lên tới 274 triệu euro, cao gấp 1,7 lần so với tháng 12/2023 và là mức cao nhất trong 12 tháng.
Ngoài ra, các nước EU khác như Bỉ, Estonia, Phần Lan, Litva, Hà Lan và Thụy Điển cũng đã mua LNG của Nga. Tính đến cuối tháng 1, các quốc gia EU đã chi tổng cộng 684,3 triệu euro cho LNG của Nga.
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine vào tháng 2/2022, EU tìm cách cắt giảm sự phụ thuộc vào khí đốt và khí LNG của Nga, đồng thời thực hiện các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu đối với Moskva.
Tuy nhiên, bất chấp những lời lẽ chống Nga gay gắt của các quốc gia thành viên EU như Pháp, dữ liệu gần đây của Viện Phân tích Tài chính và Kinh tế Năng lượng (IEEFA) cho thấy nhiều quốc gia châu Âu vẫn phụ thuộc vào nguồn năng lượng này, trong khi một số nước, như Bỉ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trung chuyển LNG.
Tây Ban Nha đứng đầu trong số các nước EU nhập khẩu LNG của Nga, đã mua 5,21 tỷ m3 từ tháng 1 đến tháng 9/2023. Theo sát phía sau là Pháp, với 3,19 tỷ m3 và Bỉ, với 3,14 tỷ m3.
Tính đến cuối năm 2023, Nga đã giao 5,24 tỷ m3 LNG cho Tây Ban Nha, 3,82 tỷ m3 cho Bỉ và 2,1 tỷ m3 cho Hà Lan. Tây Ban Nha nhận được 40% lượng nhập khẩu của châu Âu, trong khi Bỉ chiếm 30%. Điều đáng chú ý là nguồn cung sang Hà Lan tăng 1,9 lần so với năm 2022.
Các nước châu Âu vẫn chưa cấm hoặc hạn chế nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng từ Nga. EU đang có sự chia rẽ giữa 27 thành viên về cách tiếp cận cần năng lượng Nga. Các nhà nhập khẩu LNG lớn của Nga, bao gồm Bỉ, Pháp và Tây Ban Nha, khẳng định rằng việc cắt đứt quan hệ với các nhà cung cấp Nga mà họ có hợp đồng dài hạn sẽ không đơn giản.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần chỉ trích EU thực thi các biện pháp trừng phạt đối với ngành dầu khí Nga vì lý do chính trị. Ông tin rằng quyết định này được đưa ra dưới áp lực từ các đồng minh phương Tây của EU, thay vì dựa trên những cân nhắc về kinh tế.
Bình luận