Trong báo cáo có nội dung đề cập đến tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam. Báo cáo của EU đánh giá tình hình nhân quyền, dân chủ tại Việt Nam đang bị thu hẹp, đồng thời cáo buộc những lo ngại về quyền của các nhóm thiểu số tôn giáo.
Ngay sau khi bản báo cáo này được công bố, một số báo đài nước ngoài đã cắt ghép nhiều nội dung, liên tục tuyên truyền xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng ở Việt Nam. Điều này tạo cái nhìn phiến diện về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện cho các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc, không ngừng phát tán, chia sẻ thông tin tiêu cực trên không gian mạng để nói xấu, đả phá tình hình trong nước, chế độ xã hội, bôi nhọ Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng là một quyền cơ bản của con người, thể hiện niềm tin của con người thông qua các lễ nghi, phong tục, hệ thống các quan niệm, giáo lý, giáo luật, hoạt động tôn giáo nhằm mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng.
Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị cũng đã khẳng định rằng, tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng là một quyền cơ bản của con người, tồn tại cùng các quyền con người khác như quyền tự do ngôn luận, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được sống, quyền được hạnh phúc…
Tại Việt Nam, các quyền con người được Đảng và Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm ngay từ những buổi đầu lãnh đạo đất nước. Với đặc điểm là một quốc gia có nhiều tín ngưỡng, tôn giáo đa dạng, Việt Nam có khoảng 95% dân số có đời sống tín ngưỡng và tôn giáo (trong hàng nghìn tín ngưỡng thì tín ngưỡng phổ biến là thờ cúng ông bà tổ tiên và tín ngưỡng thờ Mẫu).
Tính đến nay, cả nước có khoảng 45.000 cơ sở tín ngưỡng, trong đó có hơn 2.900 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Hàng năm, Việt Nam có gần 13.000 lễ hội, gồm 5 loại: lễ hội dân gian, lễ hội lịch sử cách mạng, lễ hội tôn giáo, lễ hội du nhập từ nước ngoài, lễ hội văn hóa - thể thao và ngành nghề.
Riêng trong lĩnh vực tôn giáo, Việt Nam có khoảng hơn 26,5 triệu tín đồ (chiếm 27% dân số), 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được nhà nước công nhận hoặc cấp chứng nhận đăng ký hoạt động. Cả nước hiện có hơn 57,4 ngàn chức sắc, trên 147 ngàn chức việc, hơn 29,6 ngàn cơ sở thờ tự. Số lượng tín đồ theo các tôn giáo hiện nay: Phật giáo 15,1 triệu; Công giáo 7,1 triệu; Cao đài 1,1 triệu; Tin lành 1 triệu; Hồi giáo 80.000; Phật giáo Hòa hảo 1,3 triệu, còn lại là các tôn giáo khác (Tịnh độ Cư sỹ Phật hội, Tứ ân Hiếu nghĩa, Bà La môn, Bửu Sơn Kỳ Hương, Minh sư đạo, Minh lý đạo…).
Hoạt động của các thiết chế tôn giáo đã có những đóng góp nhất định trong việc tập hợp và vận động quần chúng theo đạo - một lực lượng quan trọng trong khối đại đoàn kết dân tộc - tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Các ngày lễ trọng, các lễ nghi, lễ hội tôn giáo được tổ chức ngày càng trang nghiêm, quy mô hơn trước và thu hút ngày càng đông đảo tín đồ tham dự. Nhiều sinh hoạt tôn giáo đã trở thành sinh hoạt văn hoá cộng đồng được đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia với tinh thần phấn khởi, yên tâm và tin tưởng. Các lễ hội như lễ Phật đản của Phật giáo, lễ Noel của Công giáo và đạo Tin Lành, lễ kỷ niệm ngày khai đạo của đạo Cao Đài, Phật giáo Hoà Hảo, tháng ăn chay Ramadan của Hồi giáo… được tổ chức trọng thể, trang nghiêm và đảm bảo an ninh trật tự.
Lễ hội của mọi tôn giáo đều trở thành hội lễ chung vui của toàn dân tộc như Lễ hội Đền Hùng, lễ Noel, lễ hội La Vang… Đặc biệt lễ Phật đản của Phật giáo đã chính thức được UNESCO công nhận là một trong những lễ hội tôn giáo lớn của thế giới.
Một số lễ hội mang tính thế tục được dư luận quan tâm đánh giá cao, như: Lễ cầu siêu cho những người đã hy sinh trong cuộc kháng chiến do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức năm 2005; Đại hội hành hương La Vang lần thứ 27 kết hợp “Năm Thánh thể” với quy mô lớn do Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức; Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hội thánh do Tổng hội Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) tổ chức năm 2005…
Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, trong 16 năm (2001-2017), số tín đồ của các tổ chức tôn giáo đã được công nhận tăng lên 6% trong dân số. Đó là chưa kể các tôn giáo nhóm nhỏ (chủ yếu là các nhóm Tin lành tư gia) chưa được công nhận và các hiện tượng tôn giáo mới rất khó thống kê số lượng người theo. Số lượng tín đồ các tôn giáo đều tăng lên, trong đó tăng nhanh nhất là tín đồ đạo Tin lành, từ 670.000 người năm 2004 đã tăng lên tới trên 1,2 triệu tín đồ năm 2015, tức là tăng gấp gần 2 lần trong 10 năm. Sự phát triển có tính chất đột biến của đạo Tin lành diễn ra chủ yếu ở khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Đây cũng là hai địa bàn có sự chuyển đổi đức tin tôn giáo diễn ra mạnh mẽ nhất trong thời kỳ đổi mới. Có thể thấy rõ ràng, tôn giáo tại Việt Nam được phát triển tự do và nằm trong chỉnh thể phát triển của đất nước qua từng thời kỳ.
Tuy nhiên, theo Điều 18 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, quyền tự do của cá nhân thể hiện tôn giáo hay tín ngưỡng của mình chỉ phải chịu các giới hạn chẳng hạn như các giới hạn được luật pháp quy định và các giới hạn cần thiết để bảo vệ an toàn, trật tự, sức khỏe xã hội, hay tinh thần hoặc các quyền cơ bản và quyền tự do của những người khác.
Tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng cũng luôn phải chấp hành các quy định của pháp luật về lập hội, nhóm, tổ chức các hoạt động tôn giáo, đảm bảo thuần phong, mỹ tục, phù hợp với đặc điểm và tình hình thực tế tại Việt Nam. Nhằm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, từ Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (năm 1946) và các bản Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau này đều luôn khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong các quyền cơ bản của con người.
Hiến pháp 2013 quy định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của mọi người và mọi người dân đều được tự do hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật cho phép.
Ngày 18/11/2016, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 và phù hợp với đời sống thực tiễn hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam; đồng thời, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Về mặt pháp lý, quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo tại Việt Nam luôn được đảm bảo trong các văn bản quy phạm pháp luật, tuân thủ đúng các nguyên tắc quốc tế, Điều ước, Hiệp định mà Việt Nam tham gia, các tôn giáo đã được tạo điều kiện tối đa để phát triển đáp ứng nhu cầu của các tín đồ.
Từ thực tế trên, có thể khẳng định, Việt Nam đã và đang thực hiện đầy đủ, có trách nhiệm trong việc đảm bảo các quyền con người nói chung và quyền tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng nói riêng của mọi người dân.
Điều này được thể hiện rõ trong quan điểm về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, đã được Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra tại nhiều văn kiện, hoàn thiện, từng bước phát triển, hiện thực hóa trong đời sống xã hội: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân” (Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011); hay “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu” (Văn kiện Đại hội XIII).
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không đưa ra giới hạn nào về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, mà chỉ nghiêm cấm “xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”, được quy định tại Điều 5, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016.
Bình luận