"Chế độ quân sự đang tiếp tục các hành vi bạo lực, đưa đất nước vào ngõ cụt. Đó là lý do tại sao chúng tôi đang gia tăng áp lực đưa quân đội vào bàn đàm phán", Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói trong cuộc họp với những người đồng cấp các nước EU hôm 19/4.
Các quan chức nằm trong danh sách trừng phạt chủ yếu là thành viên của Hội đồng Hành pháp Nhà nước Myanmar.
Ông Maas nói thêm rằng ngoài các cá nhân, hai tập đoàn Myanmar Economic Holdings Public Company (MEHL) và Myanmar Economic Corporation (MEC) cũng bị trừng phạt.
Theo đó, hai công ty này sẽ bị đóng băng tài sản tại châu Âu và cấm nhập cảnh vào EU. MEHL và MEC thống trị nhiều lĩnh vực ở Myanmar bao gồm thương mại, rượu, thuốc lá và hàng tiêu dùng.
Hồi giữa tháng 3, EU ban hành lệnh trừng phạt Thống tướng Min Aung Hlaing và 10 quan chức quân đội cấp cao khác liên quan tới vụ đảo chính quân sự hôm 1/2.
Các cường quốc phương Tây đang tìm cách gia tăng sức ép chính quyền quân sự Myanmar bằng cách nhắm vào các tập đoàn kinh tế của quân đội.
Các nước Mỹ, Anh trước đó cũng áp lệnh trừng phạt với MEC và MEHL. Washington đưa thêm công ty sản xuất đá quý nhà nước Myanmar vào danh sách trừng phạt.
Myanmar rơi vào hỗn loạn và bạo lực sau khi quân đội bắt giữ các nhà lãnh đạo dân sự ngày 1/2, trong đó có Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi, cáo buộc cuộc bầu cử mà đảng của bà Suu Kyi giành thắng lợi là gian lận.
Các cuộc biểu tình phản đối quân đội bắt đầu nổ ra trên khắp Myanmar, một số dẫn đến đụng độ bạo lực giữa người biểu tình và lực lượng an ninh. Theo một nhóm quan sát các cuộc biểu tình, hơn 700 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị bắt giữ.
Bình luận