Theo nội dung dự kiến, gói trừng phạt thứ 14 của Liên minh châu Âu (EU) không hạn chế quyền tự do đi lại của các nhà ngoại giao Nga tại EU cũng như không cấm nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng, nhiên liệu hạt nhân hoặc nhôm của quốc gia này.
Tuy nhiên, gói trừng phạt trên sẽ nhắm tới 52 công ty đến từ Nga và một số quốc gia khác bị nghi ngờ vận chuyển hàng cấm đến Moskva. Sô hàng hóa bị cấm, bao gồm các thiết bị lắp ráp máy bay không người lái.
Hơn nữa, gói trừng phạt mới đề xuất lệnh cấm các đảng chính trị, tổ chức phi chính phủ và phương tiện truyền thông châu Âu nhận tiền từ tài trợ từ Nga. Phạm vi áp dụng trên toàn các nước EU.
Dự thảo biện pháp trừng phạt mới còn cấm cảng biển thuộc EU tiếp nhận các chuyến hàng khí lỏng của Nga để trung chuyển đến quốc gia ngoài EU, cấm tàu từ cảng của EU hỗ trợ Nga lách lệnh trừng phạt và thắt chặt hạn chế hiện có đối với hàng không Nga, nhập khẩu khí heli và nhiều loại khoáng sản khác.
Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis trước đó cho biết EU đang gặp khó khăn trong việc đàm phán gói trừng phạt thứ 14 đối với Nga, nhấn mạnh gói này không bổ sung thêm hạn chế mới mà chỉ nỗ lực chống lại Nga.
Ngày 23/2, sau khi gói thứ 13 được thông qua, EU bắt đầu xây dựng gói trừng phạt thứ 14 chống lại Moskva. Những hạn chế này ảnh hưởng đến 106 cá nhân và 88 pháp nhân từ Nga cùng một số quốc gia khác, bao gồm, Ấn Độ, Kazakhstan, Trung Quốc, Serbia, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Sri Lanka.
Trong gói trừng phạt thứ 13, EU đưa ra biện pháp tập trung vào mạng lưới hỗ trợ quân đội Nga, đặc biệt là chuỗi cung ứng chế tạo máy bay không người lái. Các công ty châu Âu sẽ không thể bán hàng hóa cho công ty trong danh sách này, hầu hết là công ty Nga và 3 công ty Trung Quốc.
Bình luận