So với các cô gái cùng trang lứa, Hương thuộc diện xinh xắn không nhất thì cũng thứ nhì của xã Thần Nông - cách trung tâm thành phố gần 30km - nơi đời sống của người nông dân chỉ trông vào cây lúa, củ khoai... Đến tuổi cập kê, vì có sắc đẹp, lại ngoan hiền, không những vậy Hương còn rất chăm làm, nên vừa lớn lên đã có bao chàng trai trong làng, dưới xã, cũng như các xã lân cận tìm tới tán tỉnh với ý muốn rước Hương về làm vợ. Thấy con gái "đắt hàng" vậy nên ông Thà và bà Loan - bố mẹ Hương - đều có ý kén chọn cho Hương một tấm chồng thuộc diện gia đình có kinh tế khá giả. Vừa có sắc đẹp, lại ngoan hiền nên Hương có biết bao chàng trai làng theo đuổi. (Ảnh minh họa).
Ông Thà bảo với vợ:
- Sang năm con Hương đủ 18 tuổi là cho nó đi lấy chồng! Mà có nhiều thằng trai làng, trai thiên hạ lao vào như vậy, nhưng nhất quyết tôi chỉ chọn rể con nhà khá giả, chứ không gả cho mấy thằng nghèo kiết xác...
- Thì tôi cũng nghĩ như ông đấy! - bà Loan đồng ý.
Nhà mình nghèo đã khổ mãi rồi, nay cũng muốn tìm cho con chỗ gia đình nào kha khá chút để cuộc sống nó đỡ khổ, ít nhất là về chuyện cơm áo gạo tiền để con nó không phải lo toan bươn chải...
Ông Thà cắt lời:
- Mà bà nó xem trong số các chàng trai mỗi tối đến tán con Hương có con nhà ai mà bà "chấm" được chưa? Chứ tôi thì tôi chẳng biết đứa nào vào đứa nào...
- Có, tôi thấy thằng cu Thành, năm nay 20 tuổi, con nhà ông bà Năm - Hải trên tổ 4, xóm Đông cùng xã mình, làm nghề xay xát gạo là ưng ý hơn cả. Nó nhìn cũng cao to đẹp trai, nhanh mồm nhanh miệng, lại có công việc lái xe chở vật liệu thu nhập ổn định. Nhà lại con một, kinh tế thuộc diện giàu nhất xóm đó...
- Chỉ nghe vậy mà tôi đã thấy ưng ý rồi đấy! - ông Thà vui ra mặt - Thế tối nào nó tới thì bà nói tôi để tôi xem mặt và tiếp chuyện nó xem như thế nào!
Bố mẹ thì có ý định như vậy, nhưng Hương thì không có cùng suy nghĩ. Trong số các chàng trai tán mình, Hương lại ghét Thành, mà để ý tới Dương - một chàng trai con nhà nghèo ở xã bên - hiện đang là sinh viên Đại học trên thành phố. Hương luôn khao khát một tình yêu đôi lứa không phân biệt giàu nghèo, mà miễn sao được hạnh phúc theo ý mình. Khi biết bố mẹ có ý xe duyên mình cho Thành, Hương kịch liệt phản đối. Cô dứt khoát:
- Thời đại ngày nay là thời đại nào rồi mà bố mẹ bắt ép con lấy chồng theo ý bố mẹ! Con không chấp nhận lấy anh ta đâu, bởi con không thích, không yêu... thế thôi! Phải chăng bố mẹ chỉ nhìn vào nhà cậu ta giàu có hơn người?
Ông Thà trừng mắt quát:
- Mày giỏi thật đấy, chúng tao là cha là mẹ mày, chỉ muốn mày có tấm chồng vào chỗ nhà khá giả để khỏi phải khổ sở. Thử hỏi, nếu như mày lấy phải thằng chồng nhà nghèo kiết xác như cái nhà mình đây liệu có quá khổ không? Khi luôn phải lo toan chạy ăn từng bữa. Bố mẹ đã suy tính rồi, chỉ có đám nhà thằng Thành là hơn cả, nên mày hãy suy nghĩ cho kỹ đi!
Bà Loan vỗ về con gái:
- Con à, bố con nói phải đấy, khi con lấy được tấm chồng nhà giàu có thì không chỉ con sung sướng mà bố mẹ đây cũng mừng lây, không phải thương lo cho con. Khi gia đình các con có điều kiện về kinh tế thì khi con sinh con đẻ cái ra cũng có cái mà lo cho chúng ăn học đến nơi đến chốn... Nghe bố mẹ đi con, sang năm đến tuổi là gia đình nhà người ta sang xin cưới đấy, hôm nọ mẹ Thành đã sang đây nói chuyện với bố mẹ rồi!
Mặc dù vẫn luôn yêu Dương, nhưng do bố mẹ cô luôn phân tích, dỗ dành này nọ, cộng với nhìn thấy thực tế kinh tế gia đình Dương quá nghèo, liệu có đảm bảo được cuộc sống cho cô? Nên nhiều khi Hương cũng phân tâm, đắn đo. Sự phân tâm, đắn đo ấy đã không thể níu kéo được tình yêu từ con tim giữa cô và Dương, để rồi khi gia đình nhà Thành mang cơi trầu sang xin cưới, Hương đã chấp thuận theo ý bố mẹ là lấy Thành làm chồng, dẫu lòng không mấy vui vẻ...
Nói về Thành - chồng Hương - khi lúc đến tán tỉnh cô anh ta luôn tỏ ra là một người ngoan ngoãn, hiền lành. Thế nhưng, khi về sống với nhau, Hương mới phát hiện ra bản chất thật của một con người sinh ra trong gia đình con một, được nuông chiều: nào vũ phu, cộc cằn, thô lỗ... tật xấu nào cũng có. Thành không chỉ nghiện cờ bạc, mà luôn làm bạn với rượu chè say xỉn, mỗi lần say mò về nhà là Hương lại bị ăn đòn nhừ tử nếu như cô lỡ miệng trách chồng. (Ảnh minh họa).
Gần 6 năm sống với nhau, có với nhau 2 đứa con một trai một gái, nhưng chưa bao giờ Hương cảm nhận được sung sướng, khi luôn phải chịu những trận đòn chí mạng của chồng. Không ít lần Hương phải ôm con nhỏ chạy về nhà bố mẹ vài bữa để lánh đòn chồng. Những lần về sống tạm với bố mẹ mình như vậy, thấy thân thể con thâm tím, nước mắt lưng tròng, ông Thà, bà Loan đều rất thương cô nhưng lặng im không nói năng gì bởi lỗi chính là do ông bà gây nên, khi đẩy cô tới với Thành, ham cuộc sống sang giàu của nhà người ta nên mới ra nông nỗi. Hương không hề trách bố mẹ, khi thấy bố mẹ mình dường như đã nhận thấy sai lầm và đau khổ.
Cuộc sống địa ngục của Hương nơi nhà chồng tưởng sẽ kéo dài trong sự cam chịu nhẫn nhục của cô, bởi Hương nghĩ sẽ sống vì các con... nào ngờ đã bắt buộc phải đứt gánh chia tay, khi bố mẹ cô đưa ra quyết định cho Hương làm đơn ra tòa ly hôn chồng, bởi ông bà không muốn con mình phải chết mòn mỏi vì những trận đòn của kẻ vũ phu, đốn mạt.
Hạnh phúc dở dang của Hương quả là một bài học đắt giá cho những bậc làm cha làm mẹ khi có ý định bắt ép con lấy chồng theo ý mình, bởi khi được tự lựa chọn, tự quyết định hạnh phúc tương lai của mình, thì sướng hay khổ người con tự chấp nhận, chứ không trách cứ được ai. Như chuyện của Hương, dẫu cô không trách cứ bố mẹ thật đấy, nhưng từ đáy lòng ông Thà, bà Loan luôn cảm nhận lỗi lầm do mình và tỏ ra ân hận chỉ vì ham cho con vào nhà giàu nên mới làm khổ con.
Các bậc làm cha làm mẹ đừng bảo thủ, bỏ cái tâm lý đám đông lấy ngoại hình và gia cảnh đem ra đánh giá một con người đi. Không lẽ con trai nghèo thì không xứng đáng có tình yêu sao? Với những gia đình bố mẹ không có điều kiện kinh tế, có cô con gái mới lớn nên mục tiêu lớn nhất là cho con lấy được người có điều kiện khá giả, còn mọi thứ khác như sau này sống ra sao, có được hạnh phúc không ít được quan tâm. Gia đình không nên ép buộc con gái mình phải bỏ đi người con yêu thương mà chọn người mà mình nghĩ rằng con sẽ đỡ khổ về cơm áo gạo tiền. Một khi ta dựa vào ai về kinh tế là cũng bị phụ thuộc luôn về mọi mặt, mà đã phụ thuộc, nói gì đến hạnh phúc? (Ảnh minh họa).
Nói đi cũng phải nói lại, người con cũng nên gần gũi với bố mẹ, tâm sự về những trường hợp người phụ nữ không có cuộc sống độc lập, không có công ăn việc làm, trông chờ vào sự cưu mang, nuôi nấng của người chồng bị coi thường ra sao. Bạn có thể lấy ví dụ từ những trường hợp thực tế bạn đã gặp để kể cho bố mẹ nghe, chỉ cho bố mẹ thấy rằng nếu bản thân mình có công ăn việc làm, tự nuôi sống bản thân, khi lấy chồng sẽ không bị coi là người ăn bám. Phải phân tích cho cha mẹ hiểu rằng khi một người đã phụ thuộc vào người khác về kinh tế là cũng bị tước đoạt quyền tự do, tự quyết. Kinh tế và địa vị của anh ấy là của anh ấy, đâu phải của bạn? Không ít người khá giả, nhưng coi vợ là kẻ ăn người ở, quản chặt từng xu, nên người vợ ban đầu tưởng "chuột sa chĩnh gạo", ai ngờ trở thành người giúp việc không công. Hạnh phúc làm sao được khi một người vợ chỉ ăn với ở nhà trông con? Không đi làm và giao tiếp xã hội sẽ khiến cho người phụ nữ trở nên tụt hậu về mọi mặt so với chồng, đó cũng là lý do người chồng không toàn tâm toàn ý với vợ.
Có thể người bạn đang yêu sâu sắc, nhưng chưa có kinh tế, cũng đừng quá lo lắng, ai chẳng bắt đầu từ hai bàn tay trắng. Tuy có vất vả ban đầu, nhưng sau này những gì các bạn có đều là do vợ chồng tạo dựng nên, có phúc cùng hưởng. Thực tế cho thấy những đôi vợ chồng kết hôn và gắn bó với nhau từ thuở hàn vi thường thương yêu và tôn trọng nhau hơn. Một khi ta dựa vào ai về kinh tế là cũng bị phụ thuộc luôn về mọi mặt, mà đã phụ thuộc, nói gì đến hạnh phúc? Người ham tiền sẽ hi sinh tình cảm để có cuộc sống an nhàn, nhưng điều đó chưa chắc chắn. Ngược lại người biết trân trọng tình cảm, không ham xa hoa phú quý nhất định sẽ được đền đáp về sau.
Tâm Giao
Bình luận