Người cao tuổi lần đầu đi cai nghiện
“Gần 70 tuổi còn thế này. Đau lắm cháu ạ”, ông T.C.V tổng kết câu chuyện đời mình.
Phần lớn thời gian cuộc đời của ông V gắn với nghề chăn vịt và chạy xe ôm. Nhưng khi đến tuổi xế chiều, thì ông lại bập vào ma tuý.
Con đường sa ngã bắt đầu từ những căng thẳng tiền bạc. Vợ ông V phải phẫu thuật u não tốn 300 triệu đồng, khiến gia sản chỉ còn lại chiếc xe máy. Ông V cần tiền. Và cách nhanh nhất để kiếm tiền mà ông V biết sau những năm tháng chạy xe ôm là mua bán ma tuý.
“Chú làm xe ôm chở người ta đi cờ bạc, hút chích. Biết chỗ mua bán, rồi thấy lợi nhuận cao thì chú ham. Nhưng mới kiếm lời được 2 triệu thì chú bị bắt”, ông V kể lại ngã rẽ tội lỗi vào năm 2011.
Cái giá phải trả cho 2 triệu tiền lời của ông V là 5 năm, 9 tháng, 10 ngày phải ngồi tù vì mua bán, sử dụng trái phép chất ma tuý.
Ông V ra tù vào năm 2017, rồi có quãng thời gian sống lặng lẽ: ở nhà làm việc vặt, đưa đón cháu đi học, con cái biếu tiền ăn quà.
“Các con xin chú ở nhà, đừng đi lại con đường cũ. Thế nhưng, chú không làm được”, ông V ngậm ngùi.
Ức chế, buồn chán trước sự kỳ thị của làng xã là lý do ông V đưa ra khi lại tìm đến ma tuý vào năm 2023. Bản án năm 2011, tình cảm gia đình, sự ăn năn dằn vặt… không thể ngăn ông V ra chợ đứng bần thần rồi có người dụ dỗ mua ma tuý.
Sau vài tháng nghiện ngập, ông V bị phát hiện sử dụng ma tuý. Tròn một giáp sau lần đi tù, ông V lần đầu đi cai nghiện ma túy.
“Chú quá ân hận. Nghiện ngập làm mình mất đi lý trí. Bây giờ, chú chỉ muốn chuyên tâm cai nghiện để sớm trở về với con cháu”, ông V bày tỏ.
Người cao tuổi nhiều lần đi cai nghiện
“Đây là lần thứ 5 tôi đi cai nghiện”, ông T.V.P cho hay. Người đàn ông gần 60 tuổi cũng không dám chắc tương lai mình có đoạn tuyệt được ma túy hay không.
Ông P đã đi vào con đường nghiện ngập đúng 40 năm, kể từ ngày lên miền núi đào vàng rồi hút thuốc phiện năm 1984. Đến năm 1990, ông P về xuôi làm lao động tự do rồi dính vào ma túy.
Ngoài 5 lần đi cai nghiện, ông P đã có 5 tiền án vì các tội danh mua bán, tàng trữ, sử dụng và tổ chức sử dụng ma túy. Ông P ước tính, bản thân đã trải qua khoảng 10 năm ngồi tù và 10 năm đi cai nghiện.
Sau những lần trở về từ trung tâm cai nghiện, ông P cho biết mình chỉ có thế tránh xa ma túy vài tháng rồi tái nghiện.
“Tôi chẳng biết vì sao mình cứ nghiện. Nói chung là tại mình, không đổ tại cái gì được cả”, ông P nói nhát gừng.
Xuyên suốt cuộc trao đổi, ông P không nhắc đến những từ như “hối hận”, “dằn vặt” hay “giá mà”. Theo lời ông P, vợ và con cháu “đã quen” với việc cứ ít lâu ông lại phải vào trại giam hoặc trung tâm cai nghiện ma túy. Điều tiếc nuối duy nhất ông P nhắc đến là sức khỏe bị tàn phá.
“Mất hết sức khỏe, tôi không còn làm được gì nữa. Nhưng mình gây nên thì mình phải chịu”, ông P nói.
Cai nghiện ma túy cho người cao tuổi như thế nào?
“Khi vào trung tâm cai nghiện thì người cao tuổi cũng như các học viên khác đều trải qua 5 giai đoạn điều trị gồm: tiếp nhận, phân loại; cắt cơn, giải độc; giáo dục thay đổi hành vi nhân cách; lao động trị liệu; chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng”, ông Trần Quang Dũng, Giám đốc Trung tâm cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Phúc cho biết.
Theo đánh giá của ông Dũng, các học viên khi vào trung tâm cai nghiện đều thực hiện 5 giai đoạn điều trị. Bởi lẽ, trung tâm cai nghiện là “môi trường sạch” – không có ma túy và các cám dỗ như bên ngoài. Tuy nhiên, các học viên trẻ tuổi có khả năng đoạn tuyệt với ma túy cao hơn so với các học viên lớn tuổi đã nghiện lâu năm.
“Với những trường hợp nghiện kéo dài, thì ma túy giống như một vết sẹo trong não bộ và dễ tái nghiện hơn những người trẻ đã được điều trị kịp thời”, ông Trần Quang Dũng nói.
Ông Trần Quang Dũng cho rằng: “Người cao tuổi nghiện ma túy vì người ta vẫn cuốn theo những tác động của xã hội. Nếu con người không có bản lĩnh, thì ở độ tuổi nào cũng dễ bị sa ngã. Ngoài ra, có những trường hợp người cao tuổi bị gia đình bỏ rơi, sức khỏe yếu, không thể làm ăn thì lại vướng vào ma túy để tiếp tục đi cai nghiện”.
Ông Trần Quang Dũng chỉ ra thực tế, rất nhiều học viên không thể đứng vững trước tác động tiêu cực khi trở lại cộng đồng và đã tái nghiện khi rời khỏi “môi trường sạch” của trung tâm cai nghiện ma túy.
“Các học viên cai nghiện đều có lý do nhưng không phải ai cũng nói thật. Để phòng chống ma túy, thì chúng ta vẫn cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và quản lý ở các địa phương”, ông Trần Quang Dũng nêu quan điểm.
Bình luận