• Zalo

Éo le con đi lấy chồng, mẹ phải... làm dâu

Thời sựChủ Nhật, 30/10/2011 11:03:00 +07:00Google News

Lần nào gọi điện sang thông gia, bà cũng bấm bụng nghe thông gia "nói mát" cứ như thể bà đang đi làm dâu chứ không phải con gái mình.

Nhiều cha mẹ chỉ chú tâm đầu tư cho con gái học hành giỏi giang nhưng lại quên trang bị hành trang tề gia nội trợ tối thiểu cho con trước khi xuất giá, dẫn đến việc dở khóc dở cười khi phải theo con đi làm dâu…

Từ chuyện bọc con trong trứng


Tại phòng khám thai của bệnh viện phụ sản Hà Nội, đứng lẫn giữa các bà bầu bụng to bụng nhỏ đang chen chân chờ khám là một phụ nữ trạc 50 tuổi. Đó là bà Lê Thị V. (Cầu Giấy, Hà Nội). Nếu chị em nào đi khám thai định kỳ thường xuyên thì sẽ không lạ gì bà. Lần nào cũng vậy, bà một tay cầm số thứ tự, một tay cầm sổ khám, thỉnh thoảng lại nóng ruột hỏi xem đến số mấy. Khi cô y tá nhận số rồi đọc tên người cần khám thai, bà Vân nhanh nhẹn đến bàn khai vanh vách các chỉ số cân nặng, tuổi thai...


Bắt gặp cái nhìn dò hỏi, bà cười bảo đó là khai hộ cho con gái đang ngồi đằng kia. Khi cần lấy nước tiểu, bà nhanh nhẹn cầm lấy ống nghiệm đến chỗ cô con gái mang bầu 5 tháng đang ngồi chờ. Sau khi vào nhà vệ sinh cùng con, bà quay lại với ống mẫu và kiên nhẫn đợi lấy kết quả. Cứ thế suốt buổi khám thai nếu cần làm bất cứ thủ tục gì liên quan, bà đều xăng xái đi làm hộ con. Những ai chứng kiến đều nhìn nhau lắc đầu: Chỉ có mỗi việc đẻ là bà không thể làm thay con thôi!


Ảnh minh họa 

Bà V. thanh minh: “Từ nhỏ đến lớn nó chỉ biết có mỗi việc học. Nghĩ con quá vất vả với bài vở nên tôi chẳng để cho nó mó tay vào việc nhà. Cơm thì đã có giúp việc nấu, quần áo thay ra có người giặt gấp sẵn vào tủ, giày dép đi bẩn cũng có người đánh xi hộ. Thậm chí đến băng vệ sinh hàng tháng, tôi cũng mua để sẵn trong nhà. Vì thế bây giờ lấy chồng đụng đến việc gì cũng về nhờ mẹ. Đợi nó làm, có khi mình làm rốn tí còn nhanh hơn”.


Hôm ấy, lời thanh minh của bà V. đã khơi mào cho một số bà mẹ có con gái học cao biết rộng nhưng lấy chồng rồi vẫn không biết phân biệt được đâu là cà chua, đâu là cà pháo, đâu là rau cải, đâu là rau mồng tơi… Hóa ra, bây giờ chuyện nuôi con bọc trong trứng kiểu như bà V. không phải là ít.


Đến việc làm dâu… hộ con


Con gái bà V. lớn lên xinh đẹp, học hành đỗ đạt, có một công việc khá tốt trong ngành ngoại giao, thu nhập cao. Ngày gả con, ông bà không khỏi tự hào với thông gia. Thế nhưng con đi lấy chồng tháng trước thì tháng sau, bà V. phải "lẽo đẽo” theo con… “làm dâu nhà người”.


Thông gia của bà là một gia đình khá nề nếp, con cái trong nhà đi đâu phải thưa gửi đàng hoàng, ăn uống có phép tắc, phụ nữ phải coi bếp núc là nơi giữ hơi ấm gia đình. Ấy vậy nhưng con gái bà thì thiếu và yếu tất cả các khâu ấy: Đi đâu không quen thưa gửi, ăn uống không nhìn trước nhìn sau, thích thì có thể mang đồ ăn lên phòng riêng ăn, chuyện bếp núc luôn coi là việc của người khác. Bởi vậy, bà không ít lần xấu hổ khi thông gia gọi điện sang nhắc nhở.


Thông gia của bà giao hẳn chuyện chợ búa bữa tối cho con dâu. Ngày đầu tiên, con bà vào siêu thị mua một lô đồ nguội được chế biến sẵn chất đầy tủ lạnh. Nhưng cũng ngay bữa đó, mẹ chồng quán triệt ông bà không biết ăn đồ tây, phải mua đồ về nấu nướng đàng hoàng. Không còn cách nào khác, cô liền về cầu cứu mẹ. Vậy là từ đó, bà V. đành kiêm luôn việc chợ búa của nhà thông gia lẫn nhà mình.


Cứ sau giờ làm, cô con gái ghé qua nhà bà xách rau thịt được rửa sạch sẵn mang về chế biến. Sợ con gái nấu nướng không xong, bà V. lại gọi điện sang "nhận lỗi" với thông gia rằng con gái mình yếu khâu này và mong được bên ấy giúp đỡ.


Lần nào gọi điện sang thanh minh hộ con gái, bà cũng bấm bụng nghe thông gia "nói mát" cứ như thể bà đang đi làm dâu chứ không phải con gái mình. Cực chẳng đã, bà xui con rể thuê người giúp việc để “đỡ đạn” cho con gái, tiền công bà sẽ trả. Nhưng cũng không vì thế mà bà hết cảnh chạy theo con để “chữa cháy” hộ nó.


Cùng chung nỗi niềm, bà Lê Thị B. (Đống Đa, Hà Nội) tâm sự. Tưởng con lấy chồng xong là nhẹ gánh ai ngờ nó đi lấy chồng một ngày là một ngày bà phải thay nó làm dâu. Mỗi lần con gái muốn về nhà hay đi đâu lại gọi điện nhờ bà xin phép hộ mẹ chồng. Ban đầu thông gia cũng thông cảm nhưng rồi dần dần việc bà xin phép hộ cũng không được chấp nhận. Lại thêm chuyện nội trợ tồi khiến con gái bà mất điểm hoàn toàn ở nhà chồng.


Mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu cứ thế nhân lên từng ngày, bà như ngồi trên đống lửa mỗi khi con xách quần áo bỏ về nhà. Bởi sau đó là bà phải đưa con trở lại xin lỗi thông gia, muối mặt nghe người ta nhắc nhở chuyện con đã “vụng chèo lại vụng cả chống”.


Vậy nhưng con gái bà lại không biết sửa, cực chẳng đã bà đành đến xin thông gia cho vợ chồng nó ra sống riêng. Bên ấy không có điều kiện lo chuyện nhà cửa, vợ chồng bà lại bấm bụng vay mượn giúp con mua căn hộ trả góp. Tưởng ra sống riêng rồi sẽ ổn thoả, ai ngờ bà vẫn phải nặng nợ.


Mỗi lần sang nhà thấy mấy đứa cháu suốt ngày ăn đồ nguội mua ở siêu thị, cộng thêm lời than vãn của con rể vì việc thường xuyên diễn cái cảnh cơm hàng cháo chợ, bà lại phải một lần nữa kiêm luôn chuyện bếp núc cho con gái. Lúc nào khoẻ thì bà đi chợ nấu nướng mang sang nhà cho con, lúc nào xương cốt đau nhức thì bà nấu sẵn rồi gọi điện cho con đi làm về tạt vào mà lấy. Mỗi dịp lễ tết nó về quê chồng, bà lại thay con đi mua đồ để làm quà. Đến lúc này bà mới nhận ra sai lầm của mình.


Cưng chiều, bao bọc, cho rằng gánh nặng bếp núc nội trợ của phụ nữ không còn quan trọng trong cuộc sống hiện đại, bởi chỉ cần có tiền là đã có dịch vụ máy móc, thức ăn sẵn hay người giúp việc làm cho hết là quan niệm sai lầm trong cách nuôi dạy con gái của một bộ phận bố mẹ hiện nay. Vì thế mới có chuyện bố mẹ phải theo sau “làm dâu” cùng con gái khi lấy chồng như trường hợp của bà V., bà B.. Còn các cô gái trẻ thì gặp khó khăn không ít trong cuộc sống hôn nhân thậm chí có thể dẫn đến đổ vỡ hạnh phúc.


Theo Phụ nữ Thủ đô
Bình luận
vtcnews.vn