Mỗi khi nhắc đến người phụ nữ dân tộc thiểu số, hình ảnh đầu tiên hiện lên có lẽ sẽ là những dáng hình lam lũ, ẩn mình trong các bộ trang phục dân tộc đôi khi đã phai màu, cũ kĩ. Tuy nhiên, dường như ánh hào quang của các vị nữ thần vẫn chưa tắt hẳn.
Vượt qua nghịch cảnh, gỡ bỏ định kiến xã hội, nỗ lực vươn lên với khát vọng khẳng định bản thân, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số ngày càng tự tin, khẳng định vị thế của mình trong xã hội. Với mong muốn giúp đỡ những mảnh đời còn nhiều khó khăn, dự án phi lợi nhuận Empower Women Asia (EWA) trực thuộc tổ chức phi chính phủ KIBV- Keep It Beautiful Vietnam đã tiến hành phát động chương trình gây dựng quỹ thiện nguyện “Chắp cánh ước mơ bên khung cửi” nhằm phát huy và bảo tồn nghề dệt thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại làng nghề dệt truyền thống cũng như góp phần tạo cơ hội việc làm cho những người phụ nữ vùng cao.
Chương trình gây quỹ “Chấp cánh những ước mơ bên khung cửi” được Empower Women Asia tổ chức (từ ngày 28/4/2021 đến 28/5/2021) với mục đích giúp đỡ các chị em phụ nữ dân tộc Thái tại Mai Châu, Hòa Bình dưới hình thức hỗ trợ hiện kim trực tiếp, đặc biệt là hỗ trợ những chị em nghèo và khuyết tật bên cạnh việc trang bị một số vật dụng cần thiết trong sản xuất như khung cửi, máy quay tơ, máy xe sợi…để giúp những người phụ nữ nơi đây có được sự động viên kịp thời cũng như phát huy và nâng cao tay nghề dệt vải.
Bằng những việc làm hành động cụ thể, chuyến xe của Empower Women Asia đã đến đươc nhiều ngôi nhà tại Mai Châu, Hòa Bình để quyên góp cũng như nâng cao nhận thức của các chị em dân tộc thiểu số về phát triển ngành nghề tay truyền thống, làm nên thương hiệu thời trang bền vững của riêng mình.
Với hình thức gây quỹ online trên các kênh phương tiện truyền thông của dự án, chương trình gây quỹ đã tổ chức bán một số sản phẩm dệt thổ cẩm thông dụng, tinh tế do chính tay các chị em phụ nữ trong làng nghề dệt vải truyền thống ở Mai Châu dệt nên.
Chỉ trong vòng một tháng từ khi bắt đầu gây quỹ, “Chắp cánh những ước mơ bên khung cửi” đã thu hút hơn 20 nghìn lượt tương tác từ cộng đồng, cũng như nhận được sự tài trợ của các doanh nghiệp và đặc biệt nhận được sự hợp tác trở thành Đại sứ truyền thông từ phía người mẫu Hương Ly (Quán quân Vietnam’s Next Top Model) và diễn giả Tuệ An.
Bên cạnh đó, chương trình gây quỹ “Chắp cánh những ước mơ bên khung cửi” cũng đã mang lại những dấu ấn sâu đậm về sản phẩm vải dệt bền vững trong nhận thức của công chúng khi số liệu thu về từ khảo sát của EWA, có tới 95,4% người được hỏi (ở độ tuổi từ 18 đến hơn 40) thấy hài lòng về sản phẩm dệt tay khi sử dụng.
Các sản phẩm bán ra từ hoạt động gây quỹ “Chắp cánh những ước mơ bên khung cửi” sẽ được trích 100% lợi nhuận để phục vụ cho mục đích hỗ trợ các chị em dân tộc thiểu số tại Mai Châu, Hòa Bình. Hơn nữa, để đảm bảo tính công bằng của chương trình gây quỹ, các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp tài trợ sẽ được mời cùng tham gia vào hoạt động trao quỹ trực tiếp cũng như Empower Women Asia sẽ công khai bản sao kê của hoạt động gây quỹ (đã có sự kiểm chứng của các cá nhân, đơn vị tham gia gây quỹ).
Kết thúc chương trình gây quỹ, Empower Women Asia trân trọng cảm ơn các cá nhân, tập thể và nhà tài trợ LIBÉ đã trích 10% lợi nhuận từ dòng sản phẩm những chiếc áo Blooming T-shirt cho dự án cũng như tài trợ một số tiền lớn cho chương trình gây quỹ.
Đặc biệt, tiếp nối chương trình gây quỹ, trong tháng 6, Empower Women Asia chính thức khởi động cuộc thi “Phụ nữ Việt Nam và làng nghề” nhằm tôn vinh vẻ đẹp các chị em phụ nữ Việt Nam nói chung và các chị em phụ nữ dân tộc thiểu số trong các làng nghề nói riêng. Cuộc thi với mục đích tạo sân chơi cho những cá nhân, đơn vị quan tâm tới việc bảo tồn các giá trị văn hóa, truyền thống thể hiện trong hình ảnh người phụ nữ lãng nghề cũng như khuyến khích niềm tự hào về quê hương, dân tộc trong trái tim mỗi người dân Việt Nam sống khắp nơi trên thế giới.
EWA hi vọng rằng trong thời gian hoạt động sắp tới với các sự kiện ý nghĩa, dự án sẽ nhận được nhiều hơn sự quan tâm, ủng hộ từ cộng đồng, các đơn vị hỗ trợ truyền thông cũng như các nhà tài trợ để dự án tiếp tục sứ mệnh trên chặng đường bảo tồn và phát triển ngành dệt tay truyền thống của các chị em dân tộc thiểu số nói riêng và ngành thời trang bền vững nói chung. Từ đó, nhiều thông điệp có ý nghĩa, tích cực tới cộng đồng sẽ được lan tỏa rộng hơn và tạo cơ hội cho những đối tượng yếu thể, còn khó khăn ở những nơi xa xôi nhất của Tổ quốc phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bình luận