Cuốn sách Duyên nợ tang bồng là hành trình mê đắm văn hóa và cuộc sống của tác giả. Với thế mạnh là kiến thức uyên thâm, vốn sống dồi dào cùng sức viết ấn tượng, nhà văn Phó Đức An thuyết phục được nhiều lớp bạn đọc các trình độ khác nhau và có sự khó tính kén chọn khác nhau.
Chia sẻ về văn chương của mình, nhà văn Phó Đức An cho biết: “Tôi viết văn với mong muốn đem lại tiếng cười cho bạn bè và cuộc đời. Tôi không phải nhà hiền triết, không phải nhà khuyến thiện, không phải sử gia,..
Tôi là kẻ yêu đời, yêu người nên “chém gió” tưng bừng, có hóm hỉnh, có đùa cợt, có cách điệu ngôn từ,... cốt bày tỏ tình yêu dạt dào của tôi với thiên hạ... Biển văn hóa dạt dào, không tránh khỏi bèo dạt mây trôi, phất phơ thẫn thờ, biến hóa vô biên...”.
Nhận xét về Phó Đức An, nhà văn, nhà báo Trần Thị Trường chia sẻ: “Ngôn ngữ của Phó Đức An linh hoạt, thoáng đãng và cập nhật. Tuy nhiên, anh rất cẩn trọng về con chữ, không cầu kỳ và rất đời.
Để định dạng ngôn ngữ linh hoạt đưa vào sách trong lúc phải tách dời nó khỏi dòng thời gian vốn có, đòi hỏi tác giả phải có kỹ năng thao tác lại, sao cho giữ được sự linh hoạt của ngôn ngữ, vốn là cái hấp dẫn bạn đọc nhất, đồng thời phải làm thế nào để câu chuyện được kể lại sống động, khi thời gian và câu chuyện thời sự đã lùi xa, thậm chí bạn đọc không từng sống ở bối cảnh đó vẫn hiểu được vấn đề mà tác giả muốn trình bày.
Biến những status trở thành ngôn ngữ văn học cho người đọc của thời đại 4.0 - đây là một việc không dễ dàng, và anh đã làm được, mà còn rất thành công”.
Còn nhà báo, nhạc sĩ Trần Lệ Chiến ngưỡng mộ sức sáng tạo chưa khi nào ngơi nghỉ của Phó Đức An: "Đối với anh, viết như một nhu cầu tự thân. Anh hóa giải mọi hỷ nộ ái ố trong cuộc đời bằng cách nhìn nhân văn, rộng mở.
Và dù câu chuyện xảy ra trong bất kỳ ngữ cảnh nào, anh cũng đều mang lại cho người đọc những thông điệp nhất định từ góc nhìn, cách cảm của mình một cách sống động bằng ngôn ngữ và bút pháp tinh tế, sâu sắc nhưng đôi khi cũng thật dí dỏm, hài hước”.
Bình luận