Khoảng 16h30 ngày 13/10, học sinh Trường THCS An Lục Long (Châu Thành, Long An) tan học, ra trước sân trường lấy xe hoặc chờ cha mẹ đón về.
Lúc này trời vừa tạnh mưa, do không phát hiện đường dây điện trung thế bị đứt rớt xuống đường nên nhóm học sinh khối lớp 6, 7 đi trước. Khi qua vị trí này, 6 học sinh bị điện giật văng ra bất tỉnh. Nhiều học sinh khác hoảng loạn chạy ngược vào trong trường.
Phát hiện vụ việc, thầy cô cùng một số phụ huynh nhanh chóng đưa các em đến Bệnh viện Đa khoa huyện Châu Thành cấp cứu.
Điện giật khiến 2 em học sinh thiệt mạng và nhiều trường hợp khá bị thương, tổn thương nghiêm trọng.
Vậy điện giật nguy hiểm và có những tác động thế nào tới cơ thể con người?
Điện giật là tai nạn gây ra bởi dòng điện chạy qua cơ thể. Điện giật sẽ làm tổn thương các vùng cơ thể có dòng điện chạy qua, tùy theo cường độ dòng điện, thời gian bị điện giật...
Thông thường, bị điện giật sẽ dẫn tới 2 tổn thương thường gặp cho cơ thể là bỏng và ảnh hưởng các mô bên trong.
Những tai nạn điện giật thoáng qua, chỉ gây tê ở vùng tiếp xúc với dòng điện, không có tổn thương cháy thịt thì có thể không cần đưa tới bệnh viện.
Tuy nhiên, nếu bị điện giật nặng có thể làm co giật mạnh, gây bỏng, hoại tử và rối loạn các cơ quan trong cơ thể, xáo trộn sinh lý dẫn đến nguy cơ suy hô hấp, suy tim thậm chí ngừng thở. Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bị điện giật sẽ thiệt mạng.
Xét về mặt sinh học, khi bị điện giật bởi dòng điện có cường độ lớn, sẽ khiến cho cơ bắp, tim, phổi bị co giật mạnh gây ngưng hệ tuần hoàn. Nếu dòng điện được truyền qua não thì hệ thần kinh trung ương sẽ bị phá hủy.
Bên cạnh đó, về mặt điện phân, khi bị điện giật máu trong cơ thể phân hủy dẫn tới tình trạng các thành phần trong mô và máu bị phá vỡ.
Theo các chuyên gia, cơ thể con người sẽ những biến đổi nhanh chóng nếu bị điện giật nặng, không cứu chữa kịp thời.
Cụ thể, lúc này người bị điện giật sẽ đồng thời gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng như mất ý thức tạm thời, thiếu máu và oxy lên não, điếc tai, sặc, ngừng hô hấp, vỡ tế bào, bỏng da, suy thận, tắc vỡ mạch máu, bỏng mắt, cháy máu, co giật, co cứng tim gây ngừng đập, loét, chảy máu dạ dày, rối loạn hệ miễn dịch...
Trả lời trên Zing, bác sĩ Cao Xuân Phúc (Bệnh viện Quân y 103) cho hay, nạn nhân bị điện giật có thể gặp nhiều tổn thương trầm trọng.
Tổn thương bên ngoài có khi chỉ là một đốm cháy đen nhỏ như đầu tăm, nhưng vài ngày sau nó sẽ hoại tử toàn bộ cánh tay, cẳng chân và có thể thiệt mạng sau đó vài ngày.
Vì thế, tất cả các tai nạn điện giật có tổn thương xém thịt ở điểm dòng điện vào đều phải được chuyển lên Viện bỏng quốc gia xử lý mà không qua bất kỳ một bệnh viện trung gian nào.
Ngoài ra, khi bị điện giật, sau khi được cứu ra khỏi dòng điện hoặc nơi có điện, nạn nhân cần được chuyển đến các bệnh viện nơi gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Các bước xử lý khi gặp người bị điện giật:
Tuyệt đối không lao vào vồ hoặc ôm nạn nhân. Nhanh chóng tìm cách ngắt bỏ nguồn điện (nếu có thể)
Đi/đứng trên một trang bị có khả năng cách điện (dép nhựa, ủng cao su, phiến đá, tảng đá, chồng gạch, khúc gỗ...)
Dùng thanh gỗ, củi, que nhựa, cán cuốc, cán xẻng gẩy bỏ dây điện ra khỏi người nạn nhân, càng sớm càng tốt. Tuyệt đối không lại gần và không dùng tay nhấc dây điện ra.
Tách dây điện ra khỏi hiện trường, bế xốc nạn nhân lên, ra khỏi vùng có dây điện, đặt xuống nền nhà.
Thực hiện kỹ thuật hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực cho đến khi nào bệnh nhân tỉnh lại, ho sặc sụa, tự thở được thì dừng.
Khi cứu người nên hô hoán người giúp đỡ, gọi xe cấp cứu, chuyển thật nhanh bệnh nhân đến cơ sở y tế nơi gần nhất.
Video: Cắm sạc điện thoại khi tay ướt, cô gái trẻ bị điện giật chết
Bình luận