• Zalo

Dương Tự Trọng không nhận hành vi phạm tội

Pháp luậtThứ Ba, 07/01/2014 09:00:00 +07:00Google News

(VTC News) – Cáo trạng của Viện Kiểm sát khẳng định hành vi phạm tội của Dương Tự Trọng là đặc biệt nghiêm trọng nhưng bị can này chưa thành khẩn khai báo.

(VTC News) – Cáo trạng của Viện Kiểm sát khẳng định hành vi phạm tội của Dương Tự Trọng là đặc biệt nghiêm trọng nhưng bị can này chưa thành khẩn, không thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

8h30’ sáng 7/1, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” đối với Dương Tự Trọng và đồng phạm bước sang phần công bố cáo trạng của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao giữ quyền công tố tại tòa.

7 bị cáo hầu tòa sơ thẩm gồm: Dương Tự Trọng, nguyên đại tá, Phó giám đốc Công an TP Hải Phòng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an (em trai Dương Chí Dũng – nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, đã bị TAND cấp sơ thẩm tuyên tử hình).

Vũ Tiến Sơn, nguyên thượng tá, Phó phòng PC45, Công an Hải Phòng; Hoàng Văn Thắng, nguyên trung tá, Đội trưởng Đội 3 Phòng CSMT, Công an Hải Phòng; Nguyễn Trọng Ánh, nguyên thiếu úy, Phòng PC45, Công an Hải Phòng; Trần Văn Dũng (tức Dũng Bắc Kạn); Phạm Minh Tuấn, GĐ Xí nghiệp Bạch Đằng; Đồng Xuân Phong, nguyên cán bộ Đội chống buôn lậu, Cục Hải quan Hải Phòng.
Dương Tự Trọng không nhận hành vi phạm tội
Dương Tự Trọng và các bị cáo trước vành móng ngựa. 
Cáo trạng của Viện Kiểm sát nêu rõ, ngày 17/5/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra lệnh bắt Dương Chí Dũng. Dương Tự Trọng biết anh mình có lệnh bắt nên đã hướng dẫn anh đến trốn tại nhà bạn gái là ở phường Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội.

Tiếp đó, Dương Tự Trọng đã bàn bạc với Vũ Tiến Sơn, Hoàng Văn Thắng, Nguyễn Trọng Ánh, Phạm Minh Tuấn lên kế hoạch đưa Dương Chí Dũng đi trốn.

Theo sự phân công, Hoàng Văn Thắng và Phạm Minh Tuấn đã đưa Dương Chí Dũng từ Hà Nội xuống nhà bố của chị bạn gái ở trị trấn Quảng Hà (Hải Hà, Quảng Ninh) nhằm vượt biên sang Trung Quốc.

Lúc này, Dương Chí Dũng thấy việc trốn theo hướng Bắc không tốt đã quyết định chuyển hướng xuống phía Nam sang Campuchia, để bay sang Mỹ.

Để tổ chức trốn theo hướng này, Dương Tự Trọng đã bàn với Vũ Tiến Sơn đã dùng 2 đối tượng có quan hệ xã hội là Đồng Xuân Phong (bị Công an TP.HCM truy nã về tội buôn lậu từ năm 2009; đang sống ở Hải Phòng) và Trần Văn Dũng giúp sức.
Dương Tự Trọng khi còn là Thượng tá, Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP. Hải Phòng.
Dương Tự Trọng khi còn là Thượng tá, Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP. Hải Phòng.  
Để liên lạc, nhóm người trên đã mua nhiều điện thoại và sim rác để liên tục giữ liên lạc với nhau và thống nhất gọi Dương Chí Dũng là “Đồng”; Đồng Xuân Phong là “Gió”; Trần Văn Dũng là “Cạn”.

Lợi dụng được cử đi công tác tại TP.HCM, Dương Tự Trọng đã chọn ngày 21/5/2012 là thời điểm đưa Dương Chí Dũng từ Quảng Ninh vào TP.HCM. Hoàng Văn Thắng và Nguyễn Trọng Ánh nhận nhiệm vụ chở Dương Chí Dũng đi, còn Dương Tự Trọng và Vũ Tiến Sơn bay vào trước 1 ngày.

Quá trình đưa Dương Chí Dũng đi, các đối tượng liên tục thay đổi xe để tránh bị phát hiện. Tối 23/5/2012, Dương Chí Dũng được chở theo đường tiểu ngạch trốn sang Campuchia. Trưa 24/5/2012, Đồng Xuân Phong mua vé máy bay và cùng Dương Chí Dũng từ Campuchia bay sang Singapore để Dũng làm thủ tục xuất cảnh đi Mỹ.

Tuy nhiên, do Văn phòng Interpol Việt Nam đã trao đổi thông tin về vụ án và lệnh truy nã quốc tế với Dương Chí Dũng đối với Văn phòng Interpol của Mỹ nên đối tượng này đã không được phép nhập cảnh Mỹ và ngày 27/5/2012, Dương Chí Dũng bị quay trở về Campuchia.

Để Dương Chí Dũng có tiền chi tiêu, Dương Tự Trọng đã 2 lần chuyển số tiền 24.000USD. Sau thời gian lẩn trốn nơi đất khách, đến ngày 4/9/2012, Dương Chí Dũng bị bắt tại Campuchia.

Viện Kiểm sát nhận định, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội có tổ chức do Dương Tự Trọng chủ mưu, cầm đầu, Vũ Tiến Sơn tổ chức thực hiện theo chỉ đạo của Dương Tự Trọng bằng nhiều thủ đoạn tinh vi như sử dụng sim rác, thường xuyên thay đổi số điện thoại để liên lạc, thay đổi địa điểm trốn, phương tiện đưa đón, cung cấp tiền, giao cho các đối tượng thực hiện từng phần việc khác nhau nhằm che dấu hành vi phạm tội… Đã xâm hại trực tiếp đến trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh.

Đã cản trở, gây khó khăn rất lớn đến quá trình điều tra vụ án “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng công ty Vinalines do Cơ quan cảnh sát điêu tra Bộ Công an khởi tố điều tra mà Dương Chí Dũng là bị can chính trong vụ án. Tạo ra dư luận xã hội không tốt, gây mất lòng tin của nhân dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Cũng theo Viện Kiểm sát, trong quá trình điều tra, bị can Dương Tự Trọng chưa thành khẩn khai báo, không thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Tuy nhiên những lời khai của các bị can và các đối tượng có liên quan phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác đã được điều tra, thu thập trong vụ án, có đủ căn cứ để xác định Dương Tự Trọng đã phạm vào tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”, tội phạm và hình phạt được quy định tại Khoản 3 điều 275 Bộ luật hình sự.

Điều 275 Bộ luật Hình sự: Tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép

Người nào tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 91 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Phạm tội nhiều lần hoặc gây hậu quả nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.

Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm.

Sau khi kết thúc phần công bố cáo trạng, tòa sẽ chuyển sang phần xét hỏi đối với các bị cáo.

Tiếp tục cập nhật...

Nguyễn Dũng
Bình luận
vtcnews.vn