Để giúp cho việc bơm và xả nước tại các ruộng lúa khi tiến hành làm đất, gieo sạ hay thu hoạch được tiện lợi, nhanh chóng, mỗi ruộng lúa được đào từ 1 - 2 rãnh nước. Sau gần 2 năm mày mò nghiên cứu, chỉnh đi, chỉnh lại và thử nghiệm nhiều lần trên đồng ruộng, cuối cùng, ông Thái đã hoàn chỉnh và cho ra đời thiết bị đào rãnh nước rất tiện dụng.
Thiết bị này được lắp vào đầu máy kéo, mỗi giờ có thể đào trên 1.000m rãnh nước (cho các ruộng lúa), gấp hơn 10 lần so với đào bằng thủ công. Thiết bị có kết cấu đơn giản, bề rộng khoảng 2m, hệ thống truyền động từ trục các-đăng (nối với cốt máy) được thiết kế bằng hệ thống bánh răng và trục láp (thay vì bằng xích như máy Nhật) nên truyền động rất êm và khá bền.
Bộ phận quan trọng là trục vít khoan đất gồm dãy răng hình xoắn trôn ốc (dùng để khoan và thổi đất khi thi công trên đồng ruộng) được thiết kế gồm 2 loại để thích hợp thi công trên vùng đất khô hay đất ướt. Đồng thời có thể điều chỉnh lên xuống để thay đổi chiều sâu rãnh nước so với mặt ruộng. Bề rộng của thiết bị có thể điều chỉnh giảm từ 50 - 60cm khi đi vào đường hẹp thông qua ống thủy lực.
Ông Thái cho biết: "Việc tính toán tỷ số truyền từ hệ thống bánh răng (nhận truyền động từ trục các-đăng) qua trục láp, đến trục khoan đất là khâu quan trọng nhất và mất nhiều thời gian nhất. Nếu tính toán tỷ số truyền không phù hợp, động cơ đầu kéo bị rần, nặng máy, công suất bị giảm".
Ông Nguyễn Công Minh (xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) cho biết, ông mua thiết bị đào rãnh nước của Cơ sở cơ khí Quốc Thái đã hơn 6 tháng nay. Khi vào cao điểm mùa vụ (thu hoạch lúa xong, chuẩn bị gieo sạ), nhu cầu đào rãnh nước tăng cao nên mỗi ngày ông thi công (đào gia công) liên tục từ 10 - 12 giờ. Mặc dù công suất đào của thiết bị này khá cao (trên 1.000m/h, cao hơn 10 lần so với đào bằng biện pháp thủ công) nhưng vẫn không đáp ứng hết nhu cầu của bà con.
Bình luận