• Zalo

Đường nghìn tỷ lún, nứt: Có phải 'tất cả đều đúng'?

Thời sựThứ Tư, 11/06/2014 11:11:00 +07:00Google News

(VTC News) - Đâu là nguyên nhân khiến những con đường nghìn tỷ cứ đi vào sử dụng một thời gian là lún, nứt, xuống cấp nghiêm trọng?

(VTC News) - Đâu là nguyên nhân khiến những con đường nghìn tỷ cứ đi vào sử dụng một thời gian là lún, nứt khi mà như lời Bộ trưởng Đinh La Thăng phát biểu “tất cả đều đúng, chỉ đường là sai”?

Một thực trạng mà thời gian qua chúng ta đều thấy đó là những dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng hoặc làm mới các con đường đều tốn rất nhiều tiền.

Tuy nhiên, điều đáng nói là mặc dù rất tốn kém để làm đường nhưng những con đường ấy chỉ qua một thời gian đi vào sử dụng là bắt đầu lún, nứt, xuống cấp.

Vậy đâu là nguyên nhân của vấn đề này, khi mà như lời Bộ trưởng Đinh La Thăng phát biểu “tất cả đều đúng, chỉ đường là sai”?


sụt lún, xuống cấp, đường quốc lộ, quốc lộ nghìn tỷ, bộ trưởng Đinh La Thăng, bộ giao thông vận tải, bộ trưởng giao thông vận tải, tất cả đều đúng

“Tất cả đều lún”


Đại lộ Thăng Long được coi là hiện đại nhất Việt Nam nhưng chỉ sau một thời gian (cuối năm 2011) đi vào sử dụng đã bắt đầu xuống cấp. Mặc dù liên tục được sửa chữa, vá víu sau lễ khánh thành và trước cuộc kiểm tra của Bộ Giao thông Vận tải nhưng hiện công trình chào mừng 1.000 năm Thăng Long lại vẫn tiếp tục bài ca “xuống dốc” không phanh.

Bằng chứng là tiếp đó, vào đầu năm 2013, tức là cũng chỉ sau một năm thông xe đoạn đường nối đại lộ Thăng Long với Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam trị giá gần 80 tỷ đồng đã lại lún nứt, nhan nhản ổ gà, ổ trâu, nhiều đoạn phải dùng cọc tre để chống sạt lở.

Dự án đường nối đại lộ Thăng Long vào Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam do Ban quản lý dự án Thăng Long (PMU Thăng Long thuộc Bộ Giao thông Vận tải) làm đại diện chủ đầu tư.


Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, tình trạng xuống cấp của đại lộ Thăng Long kéo dài đã được các đơn vị của Sở phát hiện từ cuối năm 2012. Một số vị trí mặt đường đã được sửa chữa, tuy nhiên việc hư hỏng, suy giảm chất lượng vẫn phát triển.

sụt lún, xuống cấp, đường quốc lộ, quốc lộ nghìn tỷ, bộ trưởng Đinh La Thăng, bộ giao thông vận tải, bộ trưởng giao thông vận tải, tất cả đều đúng
Những con đường cứ đưa vào sử dụng một thời gian là bị sụt lún, nứt

Cũng liên quan đến chất lượng công trình các dự án của Ban quản lý dự án Thăng Long (PMU Thăng Long), đó là tuyến đường vành đai 3 (cao tốc trên cao tại Hà Nội).

Khởi công từ 6/2010, được sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng trong việc tháo gỡ kịp thời về vốn cho các nhà thầu thi công, sự phối hợp tích cực của lãnh đạo thành phố Hà Nội, sự nỗ lực của nhà thầu và các đơn vị tham gia, dự án đã về đích trước thời hạn 8 tháng.

Ngày 21/10/2012, Bộ Giao thông Vận tải đã long trọng tổ chức lễ thông xe toàn tuyến đường vành đai 3. Tuy nhiên, đến nay, tức là sau hơn một năm đi vào sử dụng, trên tuyến đường này đã bắt đầu xuất hiện những vết lún mặt đường. Có những đoạn lún mặt đường dài tới cả cây số và sâu đến chục centimet, hình thành lên  những con “kênh xanh” trên mặt đường và gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông tại đây.


Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình khởi công xây dựng năm 2006 và được đưa vào sử dụng cách đây 2 năm, với chiều dài 54km, vốn đầu tư gần 9.000 tỷ đồng, nhưng đã nhanh chóng bị lún, nứt, xuống cấp và phải vá víu sau đó.

Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương khởi công tháng 12/2004 và đưa vào khai thác tháng 2/2010 với tổng đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ một thời gian rất ngắn sau, mặt đường nhiều đoạn đã sụt lún, nứt thành rãnh dài gần 10km, xuất hiện nhiều ổ gà, ổ voi... Hố sâu khoảng 5cm, rộng hơn 30cm và dài hơn 1m. Nhiều ôtô chạy với tốc độ cao khi phát hiện ổ gà phải ngoặt tay lái gấp rất nguy hiểm.

Đường Mai Chí Thọ, đại lộ được xem là hiện đại nhất TP.HCM, trong hơn 3 năm đưa vào sử dụng, phải liên tục sửa chữa do mặt đường lún, trồi nhựa. Đặc biệt, hơn 1 năm qua, đường Mai Chí Thọ đoạn qua phường An Phú, quận 2, TP.HCM bị hư hỏng nghiêm trọng nhưng đơn vị quản lý không khắc phục.

Tuyến Quốc lộ 1, đoạn Vinh – Hà Tĩnh và tuyến tránh thành phố Vinh (Nghệ An), vừa khánh thành và đi vào khai thác từ ngày 19/1/2014 nhưng đến nay cũng đã bắt đầu đuổi kịp tiến độ hỏng, lún và xuất hiện vệt hằn bánh xe. Công trình này thuộc dự án mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Vinh - Hà Tĩnh và tuyến tránh thành phố Vinh do Cienco 4 làm chủ đầu tư theo hình thức BOT được đánh giá là tuyến đường kiểu mẫu cả về tiến độ và chất lượng. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi tình trạng chung “tất cả cùng hỏng”.

Cùng chung tình trạng “tất cả đều hỏng”, tuyến Quốc lộ 12 nối Cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh) với Cửa khẩu quốc tế Cha Lo (Quảng Bình) cũng đang ca bài ca “xuống dốc” khi xuất hiện những con “kênh xanh” trên mặt đường, mặt thẳm gần như bị xé toang. Những con “kênh xanh” này có chiều dài lên tới 90cm và độ sâu đo được khoảng chừng từ 7 – 8cm, cá biệt có chỗ lên tới 9 – 10cm. 

Được biết, Quốc lộ 12 là tuyến đường mới được xây dựng với nguồn vốn lên đến hơn 1.500 tỷ đồng, do Sở GTVT Hà Tĩnh, Sở GTVT Quảng Bình và BQL dự án 85 (PMU85) làm chủ đầu tư.


Xe quá tải chạy đêm, chạy ngày

Hàng ngày, Quốc lộ 12 phải gồng mình cõng hàng trăm xe tải trọng lớn (chủ yếu là xe rơ moóc) chuyên chở đá từ các bãi khai thác đá phục vụ xây dựng các công trình và những xe chở hàng từ Lào về qua của khẩu Cha Lo. Hình ảnh những chiếc xe chạy vù vù bên làn từ Việt Nam sang Lào hoàn toàn đối lập với hình ảnh những chiếc xe rơ móoc, ì ạch bò trên mặt đường khi chở quá tải trọng theo chiều từ Lào sang Việt Nam.

Điều này cũng phần nào lý giải cho hiện tượng lún, nứt và vệt bánh xe chỉ xuất hiện chủ yếu ở làn đường theo hướng từ Lào sang Việt Nam, còn ngược lại làn đường từ Việt Nam sang Lào mặt đường khá đẹp, hầu như không có vệt bánh xe.


Điển hình cho việc xe quá tải “cày nát mặt đường” phải kế đến Quốc lộ 5 Hà Nội - Hải Phòng hay Quốc lộ 6 từ Sơn La về Hà Nội… Trên những tuyến đường này, ngày cũng như đêm đều có sự tham gia với số lượng lớn của những xe vượt tải trọng cho phép.

Năm 2013, ngân sách Nhà nước đã đầu tư gần 800 tỷ đồng để cải tạo, khôi phục mặt đường Quốc lộ 5, tuyến giao thông huyết mạch nối Hải Phòng với Hà Nội, được đầu tư xây dựng từ năm 1998, sau 15 năm đưa vào hoạt động, mặt đường tại nhiều đoạn, tuyến đã xuống cấp nghiêm trọng, nhất là đoạn đường Quốc lộ 5 trên địa bàn TP Hải Phòng.


Tuy nhiên, Trung ương ra tay là vậy, ngân sách đầu tư là vậy, song Thượng tá Phạm Văn Lưu - Trưởng trạm CSGT Hải Dương cho biết, tình trạng xe quá khổ, quá tải lưu thông trên tuyến Quốc lộ 5 vẫn đang ngày một diễn biến phức tạp, chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, lực lượng chức năng, trong đó có CSGT xử lý không xuể.

Đồng nghĩa với việc đó là mặt đường mới được đầu tư cải tạo, nâng cấp đang bị tàn phá, rạn nứt, lồi lõm bởi các loại “hung thần” chở hàng quá khổ, quá tải “cày xới” mỗi ngày.

Quốc lộ 15D, nối đường Hồ Chí Minh nhánh Tây với Cửa khẩu La Lay, có chiều dài chỉ 12 km nhưng đây là một trong những tuyến đường huyết mạch nối các tỉnh Salavan và Champasak của Lào với Việt Nam qua Cửa khẩu quốc gia La Lay (tỉnh Quảng Trị). Ngày 18/7/2013, Bộ GTVT đã quyết định chuyển tuyến tỉnh lộ 588 thành Quốc lộ 15D, giao cho Quảng Trị quản lý và khai thác. Tuy nhiên, hiện nay tuyến đường đang bị xuống cấp rất nghiêm trọng.

Trên mặt đường xuất hiện những vết nứt chi chít, nhiều hố sâu hơn 40cm gây mất an toàn giao thông. Ngoài ra, hai bên mặt đường cũng bị cày xới, từng mảng bê tông bị vỡ nát. Trong khi đó, mỗi ngày tuyến quốc lộ này phải "cõng" hàng trăm lượt xe quá tải trọng quy định, mặt đường càng bị cày xới nham nhở.

Một số cây cầu trên tuyến chỉ có trọng tải thiết kế từ 13 - 18 tấn. Cầu treo Đakrông (giáp QL9) tải trọng lớn nhất nhưng cũng chỉ đến 30 tấn nhưng phải oằn mình chịu sự tác động từ đoàn xe chở gỗ, bình quân mỗi xe chở 50 - 70 tấn. Mỗi khi đoàn xe chở gỗ đi qua, hệ thống cầu cống, đường sá lại rung lên, khiến một số đoạn đừng bị đứt gãy, từng mảng bê tông hai bên đường bị vỡ ra thành từng mảng.


sụt lún, xuống cấp, đường quốc lộ, quốc lộ nghìn tỷ, bộ trưởng Đinh La Thăng, bộ giao thông vận tải, bộ trưởng giao thông vận tải, tất cả đều đúng

Tại Nghệ An, chỉ riêng Quốc lộ 1A, bình quân mỗi ngày có trên 1.000 lượt xe quá khổ, quá tải lưu thông. Trên các Quốc lộ 7, 46, 48, đường Hồ Chí Minh và các tuyến đường cấp tỉnh, lưu lượng xe quá khổ, quá tải lưu thông cũng tương tự.

Tỉnh lộ 269 đoạn từ Chùa Hang đi Hợp Tiến, tỉnh Thái Nguyên, mặt đường đang xuất hiện nhiều thùng, vũng sâu tới 30 - 40cm. Nhiều đoạn đường từ xã Linh Sơn đến Nam Hòa đi Trại Cau, mặt đường bị lột hết lớp thảm nhựa còn trơ lại đá, đất đỏ. Từ thị trấn Trại Cau đi xã Cây Thị nhiều đoạn đường xuất hiện ổ gà, đường bị vỡ, nứt...

Vấn nạn xe quá tải nhức nhối đến mức, một chuyên gia trong ngành giao thông tổng kết: Gần như tất cả tuyến giao thông cho phép xe tải lớn đang lưu thông như Quốc lộ 5, Quốc lộ 10, Quốc lộ10 (cũ),… đều đang rơi vào tình trạng mặt đường bị cày xới, mấp mô, lồi lõm. Ông Trần Bá Đạt, Vụ phó Vụ Kết cấu hạ tầng an toàn giao thông, Tổng cục Đường bộ cho rằng: Trước đây Quốc lộ 1A không có hiện tượng lún gờ sống trâu nhưng hiện nay xuất hiện rất nhiều, nhất là những đoạn đường đèo dốc, gây ảnh hưởng tới giao thông.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến ngày đầu năm 2013, nước ta có 652.111 xe tải. Trong đó, xe tải trọng 20 tấn trở lên có 3.725 xe. Tình trạng xe chở quá tải diễn ra phổ biến với cả xe tải nhỏ lẫn xe tải lớn. Đặc biệt, có nhiều loại xe tải nặng ở nước ngoài chỉ được phép hoạt động trong đường nội bộ công trường, khu vực khai mỏ, nhưng về Việt Nam lại chạy ra đường công cộng vừa phá đường vừa gây mất an toàn giao thông.

Nói về số tiền bảo trì đường, ông Nguyễn Đức Thắng, Quyền Tổng Cục trưởng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, con số dành cho bảo trì các công trình giao thông năm 2013 là 4.300/10.000 tỷ đồng nhu cầu; con số yêu cầu cho năm 2014 là 13.000 tỷ đồng. Ông Thắng khẳng định, xe quá khổ, quá tải là nguyên nhân chính khiến đường bị hỏng hóc, xuống cấp nghiêm trọng, gây ra những vụ tai nạn kinh hoàng.
>> ĐỌC TIẾP...
Bình luận
vtcnews.vn