Gần một tuần qua, người dân tổ 8, khu phố 7, thị trấn Dương Đông (Phú Quốc, Kiên Giang) gặp khó khăn trong việc xuống biển vì con đường mượn tạm của một hộ dân bị chủ đất đào cắt ngang. Không có đường, các hộ phải quay lại đi bằng đường công cộng nhưng xe máy và ôtô không vào được vì có dốc nguy hiểm và một căn nhà lấn chiếm lòng đường.
Quá bức xúc, ông Huỳnh Long Đức (68 tuổi, ngụ tổ 8) đã cùng đại diện 15 hộ dân ký đơn gửi cơ quan chức năng để tố cáo Chủ tịch UBND thị trấn Dương Đông Trương Quốc Thanh. Theo các hộ dân, ông Thanh đã không chấp hành chỉ đạo của cấp trên khiến con đường dân sinh bị lấn chiếm.
Theo ông Đức và nhiều người dân tổ 8 (khu phố 7, thị trấn Dương Đông), khu vực gần Bảo tàng Cội nguồn Phú Quốc có một đường công cộng do Nhà nước quản lý. Đây là tuyến chính ở tổ 8 để người dân và khách du lịch đi xuống biển tắm và phục vụ cho nghề chài lưới.
"Năm 2006, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Hải Lưu (Công ty Hải Lưu, TP.HCM) cho người xây cổng riêng trên đoạn đường nhựa do Nhà nước quản lý. Công ty này còn xây nhà kiên cố, lấn chiếm đường, xả thải sinh hoạt xuống lòng đường", ông Đức nói.
Theo ông Đức, Công ty Hải Lưu còn xây bờ tường bằng đá để lấn đường thêm 40 cm. Một hộ dân trong khu vực dựng cột kéo điện sử dụng thì bị bảo vệ Công ty Hải Lưu hủy hoại và bị công an phạt hành chính 7 triệu đồng.
"Giáp với vỉa hè đường Trần Hưng Đạo có dốc nguy hiểm dẫn vào đường công cộng nên xe không xuống được. Đoạn giữa thì Công ty Hải Lưu lấn chiếm, ôtô đi cũng không thể chạy qua", ông Đức chia sẻ.
Sau nhiều lần nhận được đơn kêu cứu của người dân, ngày 25/3/2016, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Đoàn Văn Tiến (hiện là Bí thư Đảng ủy thị trấn Dương Đông) họp với các ngành và Giám đốc Công ty Hải Lưu để giải quyết vụ việc.
Tại cuộc họp, ông Tiến kết luận đường xuống biển là lối đi công cộng. Ông giao UBND thị trấn Dương Đông chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng tháo dỡ những công trình của dự án nằm trong mặt đường, thời gian hoàn thành 20/4/2016. Tuy nhiên, hơn một năm qua thị trấn Dương Đông vẫn không thực hiện.
Zing.vn liên hệ ông Thanh nhưng vị Chủ tịch thị trấn nói ông không biết và không nhận bất kỳ chỉ đạo nào của UBND huyện Phú Quốc về việc tháo dỡ nhà lấn chiếm đường xuống biển, dù một năm trước ông này có dự họp bàn phương án tháo dỡ công trình lấn chiếm của Công ty Hải Lưu.
Còn lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị và Đội trật tự đô thị huyện Phú Quốc thì nói rằng hai cơ quan này chờ UBND thị trấn chủ trì tháo dỡ công trình lấn chiếm nhưng chưa thấy địa phương có phản ứng gì.
"Chúng tôi chỉ là đơn vị phối hợp, thị trấn mới là chủ trì", lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị Phú Quốc chia sẻ.
Trao đổi với Bí thư thị trấn Dương Đông Đoàn Văn Tiến về cách trả lời của lãnh đạo UBND thị trấn, ông Tiến nói sẽ kiểm tra lại. "Nếu thị trấn gặp khó khăn gì sẽ yêu cầu đề nghị huyện có phương án tháo gỡ", ông Tiến nói.
Còn bà Ngô Thị Phượng, Giám đốc Công ty Hải Lưu, thì nói: "Đường đó không phải công cộng, nằm trong dự án công ty tôi. Nếu muốn tôi tháo dỡ thì công trình xây không phép gần đó tháo dỡ trước đi".
Bà Phượng sau đó yêu cầu liên hệ ông Dân là giám đốc quản lý dự án xây khách sạn Hải Lưu. Nhiều lần gọi ông này nhưng đến sáng 13/5, Zing.vn mới liên lạc được. Tuy nhiên, khi nghe đề cập đến dự án ở Phú Quốc và doanh nghiệp lấn chiếm đường dân sinh thì ông Dân lấy lý do có việc ở công ty nên từ chối trả lời.
Còn ông Đinh Khoa Toàn, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, thì không nghe điện thoại.
Hay tin dự án cảng container Long Sơn sắp triển khai, người dân xã Hải Hà (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) đua nhau xây nhà trái phép nhắm trục lợi tiền đền bù giải phóng mặt bằng.
Bình luận