Ông Trần Văn Huy ở Sóc Trăng - người đầu tiên phát hiện ra loại nhãn tím rồi chiết cành cung cấp ra thị trường cho biết, dù đã chiết được vài nghìn cành nhưng lượng cung ứng không đủ.
Hiện nay, trong vườn nhà ông có hơn 40 cây đang cho trái, do đang tập trung chiết nhánh nên số lượng trái không nhiều, chỉ khoảng 200 - 300 kg mỗi vụ, giá bán 200.000 đồng một kg. Còn với cây chiết cành, có chiều cao khoảng 40 - 60 cm được ông bán với giá một triệu mỗi cây.
“Loại này trồng hạt rất khó, cây ghép thì chất lượng quả không như ý nên tôi chủ yếu chiết cành, xác suất thành công lại ít, nên giá cây giống tương đối cao. Đó là một trong những nguyên nhân người dân địa phương ít trồng loại cây này để làm thương phẩm, mà chủ yếu làm cảnh”, ông Huy nói và cho hay, hiện trên địa bàn xã có số ít hộ trồng nhãn tím, nhưng trái không đủ cung ứng cho thị trường. Phần lớn bán cho khách ở Hà Nội, TP.HCM.
Ông Huy cũng cho biết, mới đây một đoàn khách bên Thái Lan tìm qua ngỏ ý muốn mua giống cây và sản phẩm của ông về nhân giống, nhưng ông không bán. “Tôi trồng ra để phục vụ người dân trong nước, chứ không muốn bán cho nước ngoài”, ông Huy nói.
Chủ một vườn nhãn ở Cần Thơ cũng cho biết, nhiều người Thái sang đây để lùng mua quả, giống nhãn tím đem về trồng, nhưng anh không có hàng để cung ứng vì sản phẩm và cây giống đã được khách Hà Nội và TP.HCM đặt mua trước đó.
“Vì vườn nhà không lớn nên mỗi vụ chỉ có được hơn trăm kg. Khi nhãn vào mùa là khách đặt hết. Dù giá tới 200.000 đồng/kg nhưng khách quen đăng ký mua hết nên không lo đầu ra”, chủ vườn này cho hay.
Nhãn tím là loại trái cây lạ được phát hiện tại Sóc Trăng gần 10 năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa được phổ biến ra thị trường. Để cây cho trái nhiều, người trồng mất ít nhất 3 năm chăm sóc. Do đó, cơ quan quản lý địa phương khuyến cáo người dân không nên trồng ồ ạt nhãn tím. Khi cung vượt cầu, giá trị của chúng sẽ giảm, trong khi vốn đầu tư cao.
Bình luận