Chị Thào Thị Của ôm con hơn 1 tháng tuổi đợi tin chồng là anh Lý A Lềnh, em trai của nạn nhân Lý A Xinh. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN) |
Đến 19 giờ chiều 8/9 với sự chỉ đạo sát sao của chính quyền tỉnh Yên Bái và huyện Mù Cang Chải, sự nỗ lực của lực lượng cứu hộ trong công tác đã đào bới tìm kiếm được 16 thi thể nạn nhân và đưa 3 người đi cấp cứu, trong đó đã có 1 người chết tại Bệnh viện đa khoa của huyện. Tuy nhiên, do địa hình núi cao vực sâu, nên công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn.
Tỉnh Yên Bái và huyện Mù Cang Chải đã huy động 150 người gồm bộ đội, công an, dân quân tự vệ, y tế... tới hiện trường nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân. Tỉnh đã trích kinh phí hỗ trợ mai táng cho một nạn nhân xấu số là 4,5 triệu đồng, mỗi nạn nhân bị thương 1,5 triệu đồng. Huyện Mù Cang Chải hỗ trợ mỗi gia đình có người chết 100 kg gạo để giải quyết khó khăn trước mắt.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thịnh Đạt hỗ trợ mỗi gia đình có người chết 10 triệu đồng; các đơn vị như Hội Chữ thập đỏ, các ngành từ tỉnh đến huyện cũng đã tiến hành thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các gia đình có người bị nạn.
Ông Tạ Văn Long, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái đang có mặt tại hiện trường để chỉ huy tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân cho biết, lượng đất đá từ vụ sạt lở núi khoảng một vạn khối, nhưng phủ rộng, vị trí các nạn nhân có thể bị vùi rất sâu, tản mát và không biết đích xác chỗ nào, trong khi đó núi cao, vực sâu... vì vậy việc xác định không dễ.
Tuy nhiên, ông Long khẳng định quan điểm của tỉnh là sẽ tìm bằng được nạn nhân mất tích cuối cùng theo sự rà soát nhân khẩu và thông tin của người dân mà huyện Mù Cang Chải đã nắm bắt được trong những ngày qua.
Cách đây 2 năm, vào chiều 22/8/2010, một mảng đất đá rộng hơn 2ha từ trên sườn núi cao đổ ập xuống, văng qua bờ suối phát ra một tiếng nổ như bom làm rung chuyển cả mặt đất, bùn đất bắn tung tóe cao cả chục mét, vùi lấp 7 người dân đang hái ngô trên đó. Một số người chạy thoát ngoái lại chỉ thấy một màu đỏ của đất và dòng nước đục ngầu chảy ra từ ruột núi...
Lần ấy chính quyền địa phương cũng đã cảnh báo trước và cưỡng chế dỡ bỏ lều lán của các gia đình trên nương ngô nhằm đề phòng sạt lở đất xảy ra.
Ông Nguyễn Trọng Khang, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mù Cang Chải cho biết, cũng như lần sạt lở đất trước đây ở xã Chế Cu Nha của huyện, trước khi xảy ra thảm họa thiên tai ở La Pán Tẩn, huyện đã chỉ đạo chính quyền xã tiến hành các cuộc họp để từng gia đình ký cam kết không được mót quặng tại các bãi thải trong vùng.
Khẩn trương tìm kiếm những nạn nhân còn lại. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN) |
Trước đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thịnh Đạt đã cho công nhân nghỉ 3 ngày để đảm bảo an toàn lao động do trời mưa to dễ sạt lở đất. Sau mưa to người dân đã lợi dụng việc mưa đã rửa trôi đất để lộ ra những cục quặng chì kẽm nên lại lũ lượt kéo nhau đi mót quặng trở lại.
Khi thấy người dân mót quặng gần khu vực thi công của công ty, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thịnh Đạt cũng đã cử 2 nhân viên bảo vệ ra yêu cầu họ về không được qua lại vùng nguy hiểm. Một trong số 2 nhân viên bảo vệ đó cũng đã tử vong khi ra bãi đất ngăn cản người dân mót quặng tại khu vực nguy hiểm.
Mù Cang Chải là một trong 2 huyện của Yên Bái được Trung ương xếp vào diện đặc biệt khó khăn của cả nước. Toàn huyện có trên 50.000 người, trong đó dân tộc Mông chiếm 91%. Nơi đây, khí hậu khắc nghiệt, địa hình phức tạp, độ dốc lớn, nghèo tài nguyên thiên nhiên, điểm xuất phát thấp, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội chậm phát triển...
Đặc biệt, tỷ lệ đói nghèo của người dân rất cao, chiếm tới 90%. Cuộc sống của họ phụ thuộc vào là sản xuất nông nghiệp là chính, nhưng chủ yếu là làm nương rẫy vì vậy buộc họ phải định cư trên các rẻo núi cao để tiện cho sản xuất. Đây cũng chính là hiểm hoạ đối với họ. Bởi, ở trên các sườn núi cao, kết cấu địa chất của đất rất lỏng lẻo vì thế sạt lở đất núi luôn rình rập.
Giải quyết tình trạng này, chính quyền địa phương huyện Mù Cang Chải đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, thậm chí cưỡng chế các hộ gia đình sống trong vùng nguy hiểm ra nơi ở mới an toàn.
Mới đây, huyện cũng đã hỗ trợ trên 300 triệu đồng để cưỡng chế di dời 37 hộ dân ở ba xã Nậm Có, Cao Phạ và La Pán Tẩn. Tuy nhiên số hộ hiện đang sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao còn rất nhiều, nhưng là huyện nghèo, kinh phí hạn hẹp nên đành phải trông chờ vào sự hỗ trợ của Trung ương và tỉnh. Đây là bài toán nan giải chưa tìm ra được lời giải đối với huyện trong một sớm, một chiều.
Nói tới vấn đề này, Bí thư Huyện uỷ Mù Cang Chải Hà Thanh Giang khẳng định, chỉ khi nào Mù Cang Chải thoát khỏi cảnh đói nghèo, trở thành huyện phát triển thì khi đó mới đủ lực để giải quyết tốt được vấn đề trên.
Tuy nhiên để giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, huyện đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo cho người dân, đồng thời phát huy nội lực, đồng thời sử dụng một cách có hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ nhà nước, các tổ chức, cá nhân để từng bước giải quyết vấn đề này./.
Đức Tưởng (TTXVN)
Bình luận