(VTC News) – 135 bệnh nhi tại 15 tỉnh, thành phải nhập viện vì nhiễm độc chì trong thời gian 3 tháng gần đây. Nguyên nhân chủ yếu do các cháu được bôi thuốc tưa lưỡi hoặc uống thuốc cam.
2 tháng tuổi, co giật liên tục vì nhiễm chì
Cháu Phương Anh, 2 tháng tuổi ở Thôn Thượng Ngạn, Văn Lang, Hưng Hà, Thái Bình bị nhiễm chì khá nặng.
Theo thống kê của Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, từ tháng 11/2011 đến nay, Trung tâm đã điều trị cho 135 trường hợp nhiễm độc chì tại 15 tỉnh, thành phố. Trong đó, Bắc Giang chiếm tỉ lệ lớn nhất với 92 trường hợp, Hà Nội là 11 trường hợp.
Hiện tại Trung tâm chống độc, nhiều cháu bé vẫn đang phải nằm điều trị. Cháu Phương Anh, 2 tháng tuổi ở Thôn Thượng Ngạn, Văn Lang, Hưng Hà, Thái Bình bị nhiễm chì khá nặng. Trông cháu bé tí với cân nặng hơn 4 kg, vậy mà cơ thể cháu đang có 1 lượng chì đáng kể.
Khi chúng tôi đến, bố cháu đang cho cháu uống sữa. Nhìn bên ngoài, Phương Anh không có biểu hiện gì đặc biệt.
Bố cháu kể: Lúc được 20 ngày tuổi, lưỡi cháu bị tưa nên gia đình đi mua gói thuốc bột màu vàng giá 30 ngàn đồng của ông lang Lý gần nhà, bôi ngày 3 lần, bôi được 3 ngày thì tưa lưỡi khỏi.
Sau đó, cháu bị co giật liên tục. Gia đình cho cháu đi khám tại viện Nhi Trung ương, lần 1 ở khoa thần kinh, lần 2 ở khoa truyền nhiễm. Tuy nhiên, khi chụp chiếu không phát hiện ra bệnh. Khi xét nghiệm thì phát hiện cháu bị nhiễm chì và được chuyển đến Trung tâm chống độc.
Có những lần cháu co giật 30 lần, từ sáng đến trưa. Lần kéo dài nhiều nhất trong vòng 2 phút. Hiện, sau khi được điều trị tại Trung tâm chống độc, cháu Phương Anh đã hết co giật và ăn uống bình thường.
Bố cháu cho biết: “Mẫu thuốc đã được nộp cho Trung tâm chống độc để mang đi xét nghiệm. Còn với cháu, khi cháu chỉ bị tưa lưỡi, gia đình muốn cháu khỏi nên mua thuốc theo lời mách, vậy mà ai ngờ cái giá phải trả quá đắt”.
Còn cháu Bùi Phương Ngân, 2,5 tuổi ở Hạ Bì, Kim Bôi, Hòa Bình trông rất xinh xắn. Nhưng cháu cũng bị nhiễm chì.
Cháu có hiện tượng bị co giật. Gia đình đi khám, ban đầu, chẩn đoán cháu bị viêm não và thiếu máu nặng. Sau khi truyền máu, cháu tiếp tục thiếu máu và khi xét nghiệm mới phát hiện ra cháu bị nhiễm chì.
Mới hơn 2 tuổi nhưng 2 mẹ con Ngân đã rong ruổi hết bệnh viện Nhi, đến viện Huyết học và truyền máu trung ương, và giờ là bệnh viện Bạch Mai.
Cũng nỗi lo lắng khôn nguôi, chị Phương, ở thôn Đông Thịnh, xã Tam Thịnh, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang ngồi ôm con đang điều trị tại Trung tâm chống độc. Cháu Vũ Nhật Đức, con chị Phương mới 8 tháng tuổi mà đã bị nhiễm độc chì do sử dụng thuốc cam.
Theo lời kể của chị Phương thì khi được 20 ngày tuổi, cháu Đức bị tưa lưỡi. Chị đã đến nhà bà lang Tiến ở gần nhà để mua thuốc cam về bôi cho con với giá 15 ngàn đồng/gói.
Cả làng chị, trẻ con hễ bị tưa lưỡi, lở loét hay còi xương đều đến bà lang Tiến mua thuốc cam về uống. Rồi trong làng có một cháu bé bị co giật và phải chuyển lên bệnh viện ở Hà Nội, bác sĩ kết luận cháu bị nhiễm độc chì do uống thuốc cam thì chị và người dân trong làng đều hoảng hốt.
Chị đưa con đi kiểm tra, qua xét nghiệm cháu đã bị nhiễm độc chì ở thể nhẹ. Uống thuốc một thời gian mà men gan của cháu vẫn cao, chị lại phải đưa con vào điều trị.
Thuốc được trộn chì
Cháu bé này cũng bị nhiễm chì đang được điều trị tại TT chống độc.
Theo TS Phạm Ruệ, giám đốc Trung tâm chống độc, bệnh viện Bạch Mai: Trong số 135 ca bệnh, chỉ có vài cháu có dấu hiệu co giật. Do đó, gia đình mới biết để đưa cháu đi khám. Như vậy, nguy cơ nhiều cháu bị nhiễm chì nhưng không có biểu hiện gì vì vậy không được đi thải độc cấp.
Các cháu bị nhiễm chì sẽ bị suy giảm trí tuệ, lùn, khả năng học kém, rối loạn tư duy. Các trường hợp bị nhiễm chì thường do mua thuốc cam, thuốc chữa tưa lưỡi của các ông lang, bà mế, của người Chăm bán rong ở chợ. Trong số bệnh nhân bị nhiễm chì, số lượng lớn bệnh nhân đến khám tại trung tâm có mua thuốc của bà lang Tiến, chợ Thanh Dã, Tam Dị, Lục Ngạn, Bắc Giang.
Hiện, Sở Y tế Bắc Giang đã yêu cầu bà lang Tiến ở Bắc Giang ngừng bán loại thuốc này.
Không chỉ bà lang Tiến bán thuốc cam có chì, nhiều trường hợp khác mua thuốc cam ở các ông lang, bà mế tại Hà Nội, Nam Định, Phú Thọ, Thái Bình, Hải Dươg cũng bị nhiễm chì. Có trường hợp bà lang bán thuốc cam có chì ở Thanh Hóa, khi được hỏi, bà lang này cho biết bà không tự làm thuốc mà mua ở biên giới Móng Cái về bán.
Một câu hỏi đặt ra, liệu có phải thuốc cam được tuồn vào Việt Nam từ Trung Quốc?
Thuốc được lấy mẫu mang đi kiểm nghiệm ở dạng bột màu vàng, cam, nâu trắng, thậm chí có óng ánh chì. Sau khi có lượng lớn bệnh nhân bị nhiễm độc chì, Trung tâm chống độc đã gửi mẫu đi xét nghiệm ở Trung tâm công nghệ hóa dược và hóa sinh hữu cơ, viện khoa học vật liệu, Trung tâm KHTN và CN Quốc gia để xác định rõ nguyên nhân gây ra hiện tượng nhiễm chì trên. Hiện, ở Việt Nam chỉ có ở Hà Nội và TP. HCM là có các phương tiện khoa học, kỹ thuật để kiểm nghiệm nhiễm chì.
TS Ruệ khuyến cáo, các bà mẹ nên thận trọng khi sử dụng thuốc cam cho trẻ, không mua thuốc bán rong, thuốc ở chợ. Đối với những trẻ đã sử dụng loại thuốc này nên đi xét nghiệm máu để được giải độc sớm, tránh trường hợp để lâu ngày hoặc sử dụng một thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến mặt thể chất và trí tuệ của trẻ.
TS Ruệ cho rằng, số lượng trẻ em vào Trung tâm chống độc khám và chữa nhiễm chì chỉ là vệt loang nhỏ trong số rất nhiều trẻ em sử dụng thuốc cam. Ông lo ngại còn một lượng lớn các trẻ em không có triệu chứng co giật, nên gia đình không biết để đưa các cháu đi kiểm tra.
Đây cũng là lời cảnh báo đến người dân cần tuyệt đối tuân thủ an toàn trong dùng thuốc: Người bệnh cần khám chữa bệnh ở những địa chỉ tin cậy, đã được cấp phép hành nghề của Sở Y tế hay Bộ Y tế. Nếu là bài thuốc gia truyền cũng phải được Sở Y tế hay Bộ Y tế cấp phép sản xuất lưu hành. Các bà mẹ cần hết sức thận trọng khi dùng thuốc cam cho trẻ, đặc biệt là những thuốc không có địa chỉ, không nhãn mác...
Nguyễn Tâm
Bình luận