• Zalo

Đừng than phiền vì là 'láng giềng' Trung Quốc

Kinh tế Thứ Ba, 08/07/2014 05:00:00 +07:00Google News

(VTC News) – Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam không nên than phiền vì ở cạnh Trung Quốc mà phải tận dụng lợi thế đó để vươn lên tự chủ.

(VTC News) – Các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam đều cho rằng không nên than phiền vì ở cạnh Trung Quốc nên bị phụ thuộc mà phải tận dụng lợi thế đó để vươn lên tự chủ.

Làm gì nền kinh tế Việt Nam thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc là câu hỏi dễ có câu trả lời, nhưng rất khó thực hiện.
Tại cuộc hội thảo lớn ổ chức hồi giữa tuần qua với chủ đề “Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau”, quy tụ hầu hết các chuyên gia kinh tế hàng đầu, các doanh nghiệp chủ chốt thuộc các lĩnh vực dệt may, cơ khí, nông  thủy sản, gỗ…, vấn đề này cũng được nêu ra, song câu trả lời vẫn rất mơ hồ.
Hầu hết các ý kiến cho rằng, muốn giảm bớt phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam cần bớt “dễ dãi” với mình, tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung vào công nghệ để tìm ra sản phẩm chủ chốt, độc quyền để có lợi thế cạnh tranh.
Nhưng điều đó không hề dễ khi chính các doanh nghiệp Việt Nam dường như không hề mong muốn “thoát Trung”. Ngược lại ngày càng “chơi thân” hơn với Trung Quốc bởi họ vẫn duy trì lối quản trị và kinh doanh cũ, dễ dãi nên chỉ “hợp” với Trung Quốc(!)
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc

Tiên trách kỷ, hậu trách nhân
Nhận định về mối quan hệ giữa kinh tế Việt Nam với Trung Quốc hiện nay, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc quá sâu vào kinh tế Trung Quốc và điều này có nguyên nhân từ chính chúng ta.
Để minh chứng điều đó, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh dẫn ra hàng loạt các ví dụ như Việt Nam đã trao quá nhiều công trình cho nhà thầu Trung Quốc theo phương thức hợp đồng tổng thầu EPC cụ thể như nhà máy xi măng, dự án nhiệt điện đốt than, giao thông, khai khoáng,...; lĩnh vực vận tải đường sắt, hàng không, đường bộ; du lịch và cuối cùng, các mối quan hệ này bị lợi ích nhóm chi phối mạnh.

Xem clip: Cửa khẩu Tân Thanh 10 ngày không có hoa quả Trung Quốc thông quan

VTC14
“Tại sao chúng ta giao quá nhiều dự án cho nhà thầu Trung Quốc như vậy? Có bao nhiêu lợi ích quốc gia, bao nhiêu lợi ích cho ai? Trung Quốc là bậc thầy về mua chuộc, đút lót. Tình trạng kinh tế chúng ta phụ thuộc phải chăng là do lợi ích nhóm chi phối mạnh?, TS. Lê Đăng Doanh nêu vấn đề.
 

Việt Nam tự bằng lòng “ngủ yên” ở bậc dưới cùng của chuỗi giá trị, phần lớn doanh nghiệp duy trì cách quản trị và kinh doanh cũ, dễ dãi nên chỉ “hợp” với Trung Quốc.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
 
Câu hỏi gần như có câu trả lời ngay sau đó, khi chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh: “Việt Nam tự bằng lòng “ngủ yên” ở bậc dưới cùng của chuỗi giá trị, phần lớn doanh nghiệp duy trì cách quản trị và kinh doanh cũ, dễ dãi nên chỉ “hợp” với Trung Quốc”.
Theo bà Lan, cơ cấu công nghiệp Việt Nam đầu tư chủ yếu vào công nghiệp nặng, xem nhẹ các ngành sản xuất sản phẩm trung gian, bỏ rơi công nghiệp phụ trợ nên lệ thuộc nặng nề vào nguồn cung từ các nước, chủ yếu là Trung Quốc do nước này có nguồn cung lớn, giá cả và phương thức mua bán thuận lợi. 
Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là hàng thô, một số ngành được coi là có thế mạnh xuất khẩu lại chủ yếu hưởng đơn giá gia công (dệt may, da giầy), giá trị gia tăng thấp. Toàn bộ lợi nhuận thu được nằm ở khâu trung gian rơi vào tay Trung Quốc. 
“Một nền sản xuất chạy theo thành tích và kim ngạch xuất khẩu nhưng không biết rằng giá trị gia tăng từ xuất khẩu đang nằm trong tay doanh nghiệp khác”, bà Lan chỉ ra yếu điểm.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Đặng Phương Dung - Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam, thừa nhận: Cho tới năm 2013, sau nhiều nỗ lực giảm phụ thuộc vào nguyên liệu từ Trung Quốc thì vấn đề của ngành này vẫn là “nút thắt cổ chai”, lệ thuộc tới 86% vào nguồn vải nhập khẩu, trong đó Trung Quốc chiếm tới 46% tổng lượng nhập khẩu của Việt Nam.
Dệt may Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc 

Xu hướng hội nhập để khai thác tối đa các lợi thế từ Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại (FTA) được xem là giải pháp để thoát khỏi sự phụ thuộc quá lớn từ nguồn nguyên liệu Trung Quốc, tăng năng lực thiết kế, thương mại để chuyển từ sản xuất gia công là chính sang sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao hơn. 
Tuy nhiên, chính bà Dung cũng thừa nhận là "rất khó", bởi muốn xuất sang các nước phải chứng minh được nguyên vật liệu có xuất xứ từ trong nước, mà điều này là không khả thi với doanh nghiệp Việt trong bối cảnh hiện nay. 
Trung Quốc có đáng sợ không?
Khi căng thẳng trên biển Đông ngày càng leo thang, những nguy cơ từ thị trường Trung Quốc ngày càng lớn, thì việc tìm lối thoát để nền kinh tế trong nước vẫn phát triển ổn định nhưng không phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc là vấn đề bức thiết.
Trên thực tế, Trung Quốc hiện là nhân tố quan trọng trong thương mại hàng hóa toàn cầu; là một công xưởng của cả thế giới, xứ sở chuyên cung cấp hàng linh kiện trung gian. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này đang có những ưu điểm lớn, trở thành “mắt xích” quan trọng trong chuỗi kinh tế toàn cầu.
Với lợi thế đó, hiện nay rất nhiều nước muốn có quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Việt Nam đương nhiên không thể không chơi với Trung Quốc. Vấn đề là chơi cách gì để giảm sự phụ thuộc?
Theo TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), bài toán lớn nhất của tự chủ kinh tế trong một thế giới tương thuộc là phải tối đa hóa độc lập chủ quyền, tối đa hóa sự phát triển. Nhưng trong quá trình đó mức độ hội nhập, phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế là tất yếu.
“Trung Quốc hiện nay là một quốc gia đang trỗi dậy, một nền kinh tế lớn và rất hấp dẫn. Vì thế chúng ta không thể không chơi với họ”, ông Thành nói.

 

Trung Quốc hiện nay là một quốc gia đang trỗi dậy, một nền kinh tế lớn và rất hấp dẫn vì thế chúng ta không thể không chơi với họ
TS. Võ Trí Thành
 
Tuy nhiên chính chuyên gia này cũng cảnh báo, chơi với Trung Quốc không dễ bởi Trung Quốc luôn phát triển chủ nghĩa dân tộc cực đoan và không muốn chấp nhận luật chơi mà các nước lớn đề ra. 
“Việt Nam phải tối đa hóa độc lập, chủ quyền, nhưng đồng thời cũng phải tối đa hóa sự phát triển. Việt Nam vẫn cần chủ động có những bước đi phù hợp để tránh được các rủi ro, đưa nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững”, ông Thành nói.
Với căng thẳng trên biển Đông và những đe dọa sẽ đóng cửa hàng loạt cửa khẩu với Việt Nam, TS Võ Trí Thành nhận định: “Đó không có gì đáng sợ, bởi nếu đóng cửa kinh tế với Việt Nam chính Trung Quốc cũng chịu thiệt hại lớn”.
Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhìn nhận: “Tôi không nghĩ là Trung Quốc không dám “chơi mạnh” với Việt Nam”.
Theo bà Lan, có thể với các công ty đa quốc gia thì Trung Quốc ngần ngại, nhưng với doanh nghiệp Việt Nam đừng nghĩ họ có thể tha. Ngay với cam kết quốc tế, luật Biển quốc tế rõ ràng đến thế họ còn làm (trái) được thì việc vi phạm các quy định WTO, FTA cũng có thể xảy ra.
Với nhận định này, bà Lan khuyến cáo: “Tỷ trọng thương mại, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam là nhỏ, lợi ích nhỏ, họ sẵn sàng chịu, chứ ảnh hưởng với ta là đau hơn nhiều. Cho nên mình phải chuẩn bị tình huống xấu hơn”.

» Trung Quốc không dễ gây hấn kinh tế với Việt Nam
» Cuộc chơi sòng phẳng, sao kinh tế Việt Nam phải 'thoát' Trung?
» Phó Thủ tướng: Việt Nam không lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc
Lan Uyên
Bình luận
vtcnews.vn