Video: Người Thái Nguyên chuyển lương thực bằng ròng rọc cho đồng bào bị cô lập trong lũ
Hai ngày nay, nước lũ sông Cầu dâng cao khiến hàng trăm nhà dân ở khu vực chân cầu Bến Tượng thuộc phường Đồng Bẩm, TP Thái Nguyên lâm cảnh ngập lụt.
Do địa thế sát với sông Cầu nên nước ngập ngang nhà, dòng lũ chảy xiết, lực lượng chức năng không thể dùng thuyền và cano để tiếp cận, nhiều người mắc kẹt trên tầng cao.
Họ lên các hội nhóm trên mạng xã hội cầu cứu, mong nhận được các vật dụng bảo hộ an toàn như đèn pin, áo phao, đồ dùng y tế và nhu yếu phẩm… Ngay khi các thông tin này được đăng tải, nhiều đội hỗ trợ đã được kết nối, kêu gọi ủng hộ thực phẩm, áo phao, thuốc men đến người dân vùng lũ.
Từ hôm qua đến nay, anh Hồ Anh Dũng (ở TP Thái Nguyên) cùng những người dân trong khu vực không bị ngập lụt túc trực tại cầu Bến Tượng để tiếp tế thức ăn, nhu yếu phẩm cho những người mắc kẹt.
Những chiếc ròng rọc tự chế lần lượt vận chuyển các nhu yếu phẩm cần thiết từ đầu cầu Bến Tượng đến nhà dân. Sau đó, các hộ dân này sẽ phân phát cho các gia đình xung quanh.
“Nhà tôi sản xuất giò chả, xúc xích nên đồ ăn, thức uống không thiếu. Dân thiếu cái gì thì chúng tôi chuyển vào, tất cả đều miễn phí. Hôm qua, tôi làm ròng rọc bằng dây dứa nên không chở được nhiều. Sáng nay, tôi đã thay bằng dây cáp để chuyển được nhiều đồ hơn, đã hỗ trợ được rất nhiều người quanh đây. Chúng tôi chỉ mong đóng góp được một phần nhỏ giúp bà con vượt qua thiên tai”, anh Dũng nói.
Cũng như anh Dũng, khi người nhà ở phường Hoàng Văn Thụ gọi điện cầu cứu, anh Dương Văn Thắng liền mang mì tôm, nhu yếu phẩm đến tiếp tế nhưng không vào được bởi dòng lũ dữ vẫn đang bao vây các ngả đường.
"Chúng tôi không ai nghĩ là nước ngập cao thế này. Ai cùng sốt ruột, liền tìm cách thiết kế ròng rọc để đưa đồ vào cho người nhà, chủ yếu là đồ ăn nhanh, đồ khô với gas", anh Thắng chia sẻ.
Những ngày qua, cả nước hướng về các tỉnh đang chịu ảnh hưởng của bão lũ ở miền Bắc, đặc biệt là Thái Nguyên, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn... Chị Nguyễn Thị Hoa, một tình nguyện viên tham gia chiến dịch nấu cơm cứu trợ tại Thái Nguyên, chia sẻ: "Xem hình ảnh người dân vùng lũ chịu khổ và mất mát, tôi không thể ngồi yên được. Dù chỉ đóng góp phần công sức nhỏ nhưng tôi mong rằng những bữa cơm chúng tôi nấu sẽ giúp họ vơi bớt đi phần nào khó khăn trước mắt".
Nhiều chủ nhà hàng, quán ăn cũng đóng góp nguyên liệu, hỗ trợ nơi nấu ăn và chở cơm đến những vùng bị ngập. Có những người tạm ngừng kinh doanh để tập trung toàn bộ nguồn lực vào công việc thiện nguyện này.
Anh Đàm Thiết Trí (trú tại xóm Cổ Rùa, khu DanKo, TP Thái Nguyên) cho biết, hôm qua, nước bắt đầu dâng cao ngập hết tầng 1. Lo lắng khi trong nhà còn có người già và trẻ nhỏ, anh liền đăng thông tin số nhà, tình trạng, số điện thoại lên mạng xã hội nhờ giúp đỡ từ cộng đồng mạng và lực lượng chức năng.
"Sau khi tôi đăng tin lên mạng kêu cứu thì đến 3h sáng nay gia đình đã được lực lượng chức năng đưa đến nơi an toàn và được cung cấp các nhu yếu phẩm thiết yếu đủ dùng trong 3 đến 4 ngày tới", anh Trí cho biết.
Nhiều người dân trên địa bàn TP Thái Nguyên đã và đang được lực lượng chức năng hỗ trợ di chuyển đến nơi an toàn. Thành phố cũng tổ chức tiếp nhận sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân để chuyển đến những hộ bị ảnh hưởng nặng do ngập lụt và các lực lượng làm nhiệm vụ chống lũ.
Bên cạnh đó, nhiều khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn cũng thông tin về việc tiếp nhận người dân bị ảnh hưởng của lũ đến tạm trú. Trong tối 9/9, nhiều chiếc đò của người dân Chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) cũng lên hỗ trợ vùng lũ Thái Nguyên.
Đến 3h ngày 10/9, hàng tấn hàng hoá cứu trợ đã được tập kết tại trụ sở Công an tỉnh Thái Nguyên. Trên 2.000 áo phao, 500 phao tròn cứu sinh và rất nhiều nhu yếu phẩm được các cán bộ, chiến sĩ tiếp nhận, phân loại và đóng thành từng gói hàng. Sau đó, chuyển đến các vùng ngập lụt để cứu trợ bà con.
Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, hai ngày qua, nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có mưa to đến rất to. Lượng mưa phổ biến 100-200mm, cục bộ nhiều nơi có lượng mưa trên 250mm như xã Yên Đổ, huyện Phú Lương (296,6mm), xã Bảo Linh, huyện Định Hóa (250,8mm).
Hiện mực nước lũ trong sông lên cao đã gây ngập lụt sâu, ảnh hưởng đến giao thông và đời sống của nhiều vùng dân cư sinh sống dọc hai bờ sông Cầu.
Nước lũ dâng cao gây ngập úng với độ sâu ngập lớn nhất 0,3-0,5m, có nơi cao hơn 0,7m; thời gian ngập phổ biến từ 12-24 giờ, có nơi lâu hơn.
Lũ tác động gây nguy hiểm tại một số khu vực ngầm tràn, đập tràn, cầu phao, các tuyến đê xung yếu dọc hai bờ sông phía hạ du sông Cầu… đe dọa đến tính mạng, tài sản của Nhân dân và các hoạt động kinh tế - xã hội.
Hàng triệu đồng bào miền Bắc đang phải chống chọi với mưa lụt, thiên tai khủng khiếp chưa từng có. Công cuộc cứu trợ đồng bào vùng lũ lúc này rất cần sự chung tay của người dân cả nước. Sự chia sẻ, giúp đỡ sẽ giúp vơi bớt những đau thương, mất mát, giúp đồng bào vùng lũ nhanh chóng ổn định đời sống, khôi phục sản xuất.
Mọi sự giúp đỡ của quý độc giả xin gửi về Báo điện tử VTC News, số tài khoản 0021.0002.48991, Ngân hàng Vietcombank – Chi nhánh Hà Nội. Nội dung xin ghi rõ: Ung ho 24055. Hoặc quý độc giả có thể quét mã QR code.
Toàn bộ số tiền ủng hộ sẽ được VTC News chuyển đến những địa chỉ cần giúp đỡ trong thời gian sớm nhất.
Quý độc giả biết những hoàn cảnh khó khăn cần sự chung tay giúp đỡ, xin hãy thông tin cho chúng tôi theo địa chỉ email [email protected] hoặc gọi điện đến đường dây nóng 0855.911.911.
Bình luận