(VTC News) – Chị Hoàng Hoa N. (Đống Đa, Hà Nội) mua loại rượu ngâm rễ cây về để trị mụn, làm trắng da nhưng ngờ đâu mặt sưng tấy đỏ như bị ong đốt.
Trị mụn bằng rễ cây: Tiền mất tật mang
Rễ cây được cho là rễ cây mật gấu. |
Các chị em ngồi ở văn phòng nhiều thường phải đối đầu với nguy cơ bị mụn do ít vận động. Nhiều người sử dụng dược mỹ phẩm để trị mụn, song cũng có những chị em lại chọn giải pháp trị mụn, làm trắng da từ rễ cây mà họ tự gọi là cây mật gấu.
Một người xưng là Hoàng (TP.HCM) hiện đang rao bán sản phẩm này với công dụng trị mụn bọc, lang ben. Khi bôi lên sẽ có hiện tượng lột da làm mờ vết thâm mà mụn để lại, làm se khít lỗ chân lông, và đặc biệt người dùng sẽ có một làn da trắng mịn màng không tỳ vết.
Ngoài ra, rễ cây thuốc Nam này còn được quảng cáo có thể trị nám, vết thâm đen do vết thương lớn.
Theo người này thì chất bôi được làm từ rễ cây thuốc Nam ngâm với 1/4 lít rượu gạo nguyên chất. Giá bán khá rẻ chỉ 85.000 ngàn đồng/chai.
Người bán còn hướng dẫn, lấy bông gòn thấm thuốc thoa đều lên mặt, thoa kĩ vùng da bị mụn hoặc nám. Trị mụn ngày thoa 2 lần. Trị nám ngày thoa 3 đến 4 lần. Trong khi bôi nên hạn chế trang điểm, và không nên dùng mỹ phẩm, khi đi ra ngoài nên che chắn kĩ vì đang là thời điểm tái tạo da non.
Tuy nhiên, khi bôi, mặt sẽ sưng đỏ nổi mẩn rôm, hơi ngứa. Lúc bong có thể bong dạng bụi hoặc miếng nhỏ. Nếu sưng thì ngưng 2-3 ngày. Hết sưng lại dùng tiếp, dùng đến khi nào lột đều thì nghỉ.
Để an tâm khách hàng, người tên Hoàng còn trấn an: “Dùng thuốc đừng nóng vội, tất cả các biểu hiện trên đều bình thường. Những người có mụn bọc phải nặn ra”.
Còn một người khác tên Hương (Mỹ Đình, Hà Nội) cũng rao bán một loại thuốc được ngâm từ rễ cây mà họ quảng cáo là rễ cây mật gấu với rượu. Cách dùng và phương pháp bảo vệ da cũng như người xưng tên là Hoàng.
Về loại thuốc ngâm rượu này, chị Hóa (công tác tại công ty đào tạo) kể: “Tôi đã mua rượu rễ cây để dùng, da bỏng đỏ lên, rồi nám đen lại... Sau đó, tôi phải đi thẩm mỹ viện để điều trị. Tốn tiền là một chuyện nhưng nó ảnh hưởng trầm trọng đến tinh thần.
Trong suốt thời gian mặt bị bỏng và sưng đỏ, tôi không thể đi làm, không thể đi học, không dám đi ra ngoài, và luôn vật vã, đau khổ, sợ hãi, tuyệt vong... vì cái mặt xấu xí này. Tôi đã liên lạc người bán nhưng không bao giờ nhận được câu trả lời”.
Chị Hòa chua xót nói: Cũng thật xấu hổ khi nói ra câu chuyện này vì mình là một người có học, hiểu biết và cũng không đến nỗi không có tiền mua mỹ phẩm xịn ... Vậy mà... Đúng là khôn trăm năm dại một giờ ...
Không chỉ có chị Hòa, chị Thu Quyên (Nguyễn Trãi, Hà Nội) cũng trong tình trạng tương tự, bôi rượu ngâm rễ cây đó xong thì da bong tróc, đau đớn. Sau đó, mụn tiếp tục mọc lên mà không hết.
Bản chất là lột da
Rượu ngâm rễ cây khiến nhiều người bị sưng mặt. |
Đối với loại rễ cây mật gấu để trị mụn, làm trắng da kể trên bác sĩ Nguyễn Thanh Thái, Trung tâm phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, cho biết: Tây y không khuyến cáo sử dụng các dạng thuốc bôi này. Nếu loại rễ đó làm bong tróc da thì về bản chất là lột lớp da trên cùng. Khi ngâm với rượu, bản thân rượu đã nóng và làm bong tróc da.
Khi làm bong tróc da làm mất lớp bảo vệ tế bào đáy da. Lớp tế bào đáy là lớp dưới cùng có nhiệm vụ sinh sản ra lớp tế bào phía trên, xen kẽ với những tế bào đáy là tế bào hắc tố có nhiệm vụ sinh ra hắc tố melanin làm da có màu sẫm, giúp chống lại tác hại của ánh nắng mặt trời.
Sau khi tẩy xong da mặt trở nên sạch láng, trắng sáng hơn. Tuy nhiên khi tẩy tế bào chết quá thường xuyên thì da trở nên mỏng hơn vì liên tục mất đi lớp tế bào sừng mới hình thành. Khi da bị mỏng đi thì dễ bị yếu, tổn thương, bắt nắng, dễ bị ung thư da do mất đi lớp tế bào bảo vệ da.
Bác sĩ Lê Hoa, trưởng khoa da Phụ nữ và Trẻ em (Viện Da liễu Quốc gia) cho rằng: Người sử dụng rượu ngâm rễ mật gấu để bôi và bị đỏ là do tiếp xúc tại chỗ gây kích ứng khi cồn tác động rất mạnh làm trợt, nóng viêm phù nề da.
Ngoài việc da bị tác động trực tiếp, cơ thể người sử dụng còn có thể bị dị ứng, bác sĩ Hoa giải thích, khi chất lạ tiếp xúc với da, da có cơ chế như kháng nguyên vì vậy nó đáp ứng miễn dịch như một phức nguyên kháng thể. Dị ứng thường xảy ra từ từ hơn, trong vài giờ mới gây đỏ, phù nề. Việc dị ứng không chỉ ở tại chỗ mà có thể xảy ra thứ phát trên cơ thể.
Lý giải tại sao khi dùng rượu ngâm rễ cây được cho là rễ cây mật gấu, bác sĩ Hoa cho rằng do rượu này làm lột nhẹ da, mất một lớp da cũ thượng bì, da mới sẽ sáng sủa hơn nhưng ở xứ nhiệt đới làn da này khi ra nắng sẽ bị sạm hơn, thâm hơn. Nên bây giờ xu hướng ở các spa không còn lột da như trước đây. Lột như vậy, khi da bị sạm sẽ phải lột liên tục.
Bác sĩ Hoa khuyến cáo, chị em cần cảnh giác với loại rượu ngâm này khi không biết rõ tác dụng thật sự, và nguồn gốc xuất xứ của nó.
Nguyễn Tâm
Bình luận