• Zalo

Dừng quảng cáo trên 'clip bẩn' của YouTube: Doanh nghiệp có phải là nạn nhân?

Kinh tếThứ Năm, 13/06/2019 16:06:00 +07:00Google News

Sự việc 21 thương hiệu nhãn hàng bị dừng quảng cáo trên "clip bẩn" của YouTube đã đặt ra câu hỏi họ có phải là nạn nhân của trang web này?

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa phát đi công văn yêu cầu 21 nhãn hàng và thương hiệu lớn buộc phải dừng các hoạt động quảng cáo trên các kênh có nội dung xấu độc, phản động, chống phá của YouTube.

Sự việc đang làm dấy lên những tranh cãi về vấn đề quản lý của các cơ quan chức năng đối với YouTube. Nhiều ý kiến cho rằng, trong khi YouTube đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam, lẽ ra phải chịu các hình thức xử phạt thì cuối cùng mọi "tội lỗi" lại đổ lên đầu các doanh nghiệp khác.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường giá cả, đây là một bất cập lớn.

Ông Long khẳng định: "YouTube hay Google, Facebook đều đang có doanh thu rất lớn nhưng lại không đóng thuế hoặc đẩy nghĩa vụ thuế sang các đối tác trong nước đã gây mất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác".

1560155150-225-screen-shot-2-1560154475-width660height371 3

Ảnh minh họa. 

Đặt ra vấn đề liệu những nhãn hàng có quảng cáo trên một số "clip bẩn" của YouTube có phải là nạn nhân của kênh này? Theo ông Long, dù đã có sự vào cuộc quyết liệt nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa đủ cơ sở để xử phạt YouTube.

Chuyên gia kinh tế đặt ra vấn đề thất thoát ngân sách Nhà nước từ việc YouTube, Google, Facebook trốn thuế tại Việt Nam. "Nguyên nhân xuất phát từ việc chính sách thuế của chúng ta có nhiều điểm hở, nên phải nhanh chóng sửa chính sách để lấp ngay kẽ hở này", ông nói.

Trong khi đó, trả lời về câu hỏi này, ông Lê Quang Tự Do, Cục phó Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT khẳng định, không thể nói các doanh nghiệp là nạn nhân của YouTube.

"Các doanh nghiệp, nhãn hàng phải có trách nhiệm kiểm soát mọi hoạt động quảng cáo của mình trên YouTube hay bất cứ đâu. Họ quảng cáo ở đâu thì phải kiểm soát ở đó chứ không thể khoán trắng cho YouTube được’, Cục phó Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết.

Cũng theo ông Lê Quang Tự Do, sở dĩ Bộ TT&TT không thể xử phạt YouTube vì họ không có văn phòng giao dịch đặt tại Việt Nam.

21 nhãn hàng lớn vừa bị Bộ TT&TT đề nghị ngừng quảng cáo trên "clip bẩn" của YouTube bao gồm Grab, FPT Shop, HUAWEI, Shopee, Yamaha Motor Vietnam….

Theo ông Lê Quang Tự Do, đầu năm 2017, Bộ TT&TT đã phát hiện tình trạng quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, kể cả một số thương hiệu toàn cầu được gắn trong các video có nội dung xấu độc, phản động, vi phạm pháp luật Việt Nam phát trên YouTube thông qua dịch vụ quảng cáo của Google.

Bộ TT&TT cũng chỉ ra dòng tiền quảng cáo này được Google chia sẻ cho các đối tượng sản xuất clip xấu độc, phản động. Công văn gửi các nhãn hàng nêu rõ: ‘Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về quảng cáo, là nguy cơ đáng lo ngại, gây ảnh hưởng đến sự an toàn, uy tín của thương hiệu, doanh nghiệp’.

Trước tình hình đó, Bộ TT&TT đã gửi công văn cảnh báo tới các doanh nghiệp; tổ chức làm việc với doanh nghiệp, đại lý quảng cáo và đại diện của Google, yêu cầu khắc phục tình trạng trên. Sau tháng 3/2017, tình trạng này được tạm thời khắc phục.

Tuy nhiên, gần đây, qua rà soát thông tin trên mạng xã hội, Bộ TT&TT tiếp tục nhận thấy tình trạng quảng cáo của một số công ty bị gắn vào những video có nội dung vi phạm pháp luật trên YouTube tái diễn. Vì vậy, Bộ tiếp tục yêu cầu các công ty dừng ngay việc quảng cáo trong các video trên YouTube có nội dung xấu độc, phản động, chống phá Đảng và Nhà nước; chủ động rà soát, kịp thời cảnh báo với các đối tác cung cấp dịch vụ nhằm bảo đảm hoạt động quảng cáo của công ty phù hợp với quy định pháp luật hiện hành; đồng thời có báo cáo giải trình gửi về Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử trước ngày 17/6.

Theo thống kê của Bộ TT&TT, thị trường quảng cáo online tại Việt Nam trị giá khoảng 400 triệu USD. Hơn 70% doanh thu này đổ vào túi của Facebook và Google. Trong đó, riêng Google thu về khoảng 150 triệu USD/năm từ dòng tiền quảng cáo tại Việt Nam nhưng không có đại diện hợp pháp nào.

Đào Bích
Bình luận
vtcnews.vn