Các bậc cha mẹ đôi khi quên mất trẻ con vẫn là trẻ con, và chúng có cách tiếp nhận những thông điệp qua lời nói rất khác so với người lớn. Dưới đây là những câu bạn nên cân nhắc thật kỹ trước khi thốt ra với con.
1. “Lẽ ra con đã có thể cố gắng hơn”
Bạn không hài lòng với kết quả học tập của con gái ở trường, nhưng hãy nhớ rằng, nếu bạn nói “con thật lười biếng!”, hay bất cứ câu nào tỏ thái độ bất mãn với những cố gắng của con đều không thể khiến bé chăm chỉ hơn, trái lại còn mang đến hiệu quả ngược.
Theo ý kiến chuyên gia, nếu bạn có ý định đưa ra một nhiệm vụ cụ thể cho con, nên rõ ràng về mong muốn của mình: “Khi đã dọn xong phòng của con, con có thể ra ngoài chơi”. Về chuyện học của con, nếu muốn bé chăm hơn, bạn có thể dùng cách động viên như: “Ồ, việc con dành thêm thời gian học cuốn sách đó đã mang lại kết quả thực sự đây này!”.
2. “Con có chắc mình cần ăn đến cái bánh ngọt thứ hai không?”
Rõ ràng bạn rất có ý thức trong chế độ ăn uống đảm bảo sức khỏe cho con, nhưng bạn không nên đưa ra bất cứ lời bình luận nào có thể khiến bé bị ám ảnh về vóc dáng quá sớm.
Nếu bạn lo lắng về những gì con có thể ăn ở nhà, hãy hành động chứ đừng nói những điều vô bổ. Ví dụ, bạn để sẵn trong bếp những thực phẩm lành mạnh (chứ không phải toàn đồ ăn vặt) và tổ chức cho cả gia đình vận động nhiều hơn như hình thành thói quen đi bộ vào buổi tối.
3. “Con lúc nào cũng…”, “con chẳng bao giờ…”
Không thể phủ nhận một điều, thật khó để kiềm chế chụp mũ một ai đó với cụm từ “lúc nào cũng” hay “chẳng bao giờ” (“Con lúc nào cũng quên mang găng tay”, “con không bao giờ nhớ gọi điện cho mẹ thông báo khi đi học về muộn”). Song hãy cẩn thận. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, ẩn sâu dưới “con lúc nào cũng”, “con chẳng bao giờ” có thể là tấm mác gắn với đứa trẻ cả đời. Bọn trẻ sẽ trở thành con người đúng như chúng ta gán vào chúng. Bởi vậy, thay vì ca thán, hãy hỏi con bạn có thể làm gì để giúp chúng thay đổi: “Mẹ thấy là hình như con hơi khó nhớ mang vở nhạc đến lớp. Chúng ta có thể làm gì để giúp con khỏi quên nhỉ?”.
4. “Sao con không giống các anh/chị của mình chứ?”
Nếu bạn nói “chị con đang học piano và chơi rất hay, sao con không làm được thế?” thì chính là bạn đang nói với con rằng “piano là thế mạnh độc quyền của chị con, còn con thì còn lâu mới với tới được”. Tốt nhất không nên so sánh những đứa con của mình trong cùng một lĩnh vực, thay vào đó hãy động viên, khuyến khích mỗi đứa trong lĩnh vực riêng được coi là thế mạnh của chúng.
5. “Bởi vì mẹ nói thế!”
Đôi khi người lớn quá bận rộn đến nỗi cảm giác như chẳng có thời gian để dài dòng giải thích với con vì sao con không thể xem hoạt hình giờ này, vì sao mẹ cần được yên tĩnh bên máy tính…
Khi ấy, các bà mẹ sẽ nghiêm mặt nói “bởi vì mẹ bảo thế” và cuộc tranh luận kết thúc, với quyền lực tuyệt đối nghiêng về phía mẹ, bất chấp suy nghĩ, cảm xúc của con.
Một khi bạn nói “bởi vì mẹ bảo thế”, rất có thể bạn vừa tước đi của mình cơ hội được dạy con. Thử tượng tượng, bạn chuẩn bị đưa con đến thăm một người họ hàng lớn tuổi vào ngày nắng đẹp, nhưng bé lại chỉ thích được ra sân chơi xe đạp. “Bởi vì mẹ bảo đi” chỉ khiến trẻ thêm bất mãn do không được làm điều mình muốn. Thay vào đó, sao bạn không thử nói với bé: “Mẹ biết con muốn đi xe đạp, nhưng bà A rất yêu và muốn được gặp con. Chúng ta luôn cố gắng hết sức vì những người thân trong gia đình con ạ”.
Cách đó, cho dù có tiếp tục cằn nhằn, trẻ sẽ vẫn hiểu mình như vậy là chưa đúng. Và chúng còn học được bài học giá trị về gia đình.
6. “Trời ạ không phải làm như thế, con nhìn mẹ đây này”
Bạn nhờ con đánh trứng, hay gấp khăn tắm, bé hăm hở giúp mẹ nhưng có vẻ như làm không được tốt. Bạn cảm thấy sốt ruột, giành lấy công việc con đang làm để hoàn thành nốt. Nhưng cách đó không đúng đắn đâu. Bởi vì bé sẽ không bao giờ học được cách làm việc gì, và sẽ ngày càng lười làm những việc bạn yêu cầu bé giúp.
Nếu việc bé làm không đến nỗi nào, hãy cho qua. Hoặc giả bạn muốn hướng dẫn bé, hãy chọn cách tích cực hơn là phê phán: “Đây, để mẹ chỉ con mẹo gấp khăn tắm mà bà ngoại ngày xưa đã dạy mẹ nhé, đẹp lắm đấy!”.
Theo Dân trí
Bình luận