Tuyến đường Nguyễn Xiển rơi vào thảm cảnh ùn tắc từ khi đơn vị thi công dựng 4 lô cốt san sát dọc đoạn đường dài hơn 2 km. (Ảnh: Ngô Nhung).
Quy hoạch đô thị yếu kém
Trả lời VTC News về việc lập 4 lô cốt trên đường Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) để thi công Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá khiến giao thông hỗn loạn, TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải - cho rằng, thực trạng này thể hiện sự yếu kém trong quản lý quy hoạch đô thị.
"Tuyến đường với mật độ giao thông dày đặc bị chiếm dụng tới 2/3 diện tích gây nhiều bức xúc trong dư luận. Điều này thể hiện sự quản lý lỏng lẻo, yếu kém của TP Hà Nội trong quy hoạch đô thị khi để các đối tác, nhà thầu sử dụng không gian đường phố một cách tùy tiện, ảnh hưởng đời sống, việc lưu thông của Nhân dân", ông Thuỷ bình luận.
Theo chuyên gia này, tỷ trọng đất giao thông của Thủ đô còn thấp hơn rất nhiều so với quy định, trong khi tổng số phương tiện do Công an TP Hà Nội đang quản lý (tính đến tháng 5/2022) là 7,67 triệu (hơn 1 triệu ô tô, 6,4 triệu mô tô và hơn 179 nghìn xe máy điện).
Tốc độ tăng trưởng của ô tô là 10,2%/năm và xe máy 6,7%/năm, nhưng tỷ lệ diện tích dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị còn thấp, mới đạt khoảng 10,2% (Hà Nội là đô thị loại đặc biệt thì phải đạt 24%).
Hơn nữa, dân số tăng cục bộ cũng kéo theo hệ lụy là hạ tầng tại nhiều khu đô thị mới còn thiếu đồng bộ như thiếu bãi đỗ xe, trường học, tình trạng "ở một nơi, đi làm, đi học một nẻo" khiến áp lực giao thông ngày càng nặng nề.
Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải nêu rõ, đường Nguyễn Xiển nằm trên tuyến vành đai 3 - trục giao thông huyết mạch, quan trọng của TP Hà Nội với lưu lượng giao thông dày đặc.
"Đường Nguyễn Xiển không có các công trình cũng rất ùn tắc rồi, giờ rào 2/3 chiều rộng phần xe chạy thì chắc chắn sẽ gây ùn tắc rất nghiêm trọng", ông Thuỷ nói.
Theo đại diện Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Hà Nội, dọc đường Nguyễn Xiển - Nguyễn Trãi về Trần Phú (Hà Đông), trung bình 150-200m sẽ có một giếng công trình. Cao điểm dự kiến có khoảng 10 điểm quây tôn trong cùng một thời điểm. Trung bình mỗi điểm thi công kéo dài nhanh nhất 7-8 tháng.
"Nếu không có các giải pháp rất dễ gây ra ‘thảm họa’ ùn tắc giao thông trên trục đường huyết mạch Nguyễn Xiển”, ông Thuỷ nhấn mạnh.
Nếu không có các giải pháp rất dễ gây ra thảm hoạ ùn tắc giao thông trên trục đường huyết mạch Nguyễn Xiển.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thuỷ
Đơn vị thi công thiếu trách nhiệm
Ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội - nhận định, việc dựng rào chắn trên đường để phục vụ thi công sẽ tạo sự xáo trộn về tổ chức giao thông, gây ra ùn tắc giao thông cục bộ, ảnh hưởng rất lớn đời sống xã hội.
"Đường vừa thi công, vừa sử dụng thì quây tôn là bắt buộc, phải có để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện đi lại. Tuy nhiên, trước đó, người dân không nhận được thông báo rằng sẽ xén đường, quây tôn để thi công, cho thấy sự thiếu trách nhiệm của đơn vị thi công cùng cơ quan chức năng", ông Liên nói.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, việc thi công các công trình trọng điểm là cần thiết nhưng phải đảm bảo lợi ích, hạn chế ảnh hưởng người dân.
Theo ông Liên, đơn vị thi công, đơn vị thiết kế phải rà soát để giảm thiểu diện tích chiếm dụng lòng đường. Trong đó, cần xem lại từ bản vẽ thiết kế cho đến quá trình tổ chức thi công với phương án quây rào 2/3 lòng đường đã hợp lý chưa.
"Nếu bất hợp lý, cần thu hẹp, trả lại lòng đường cho người dân. Còn nếu không thể thu hẹp rào chắn do yêu cầu thi công, yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo an toàn công trình… thì phải có phương án tổ chức phân luồng giao thông từ xa, công bố thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết, chủ động thay đổi lộ trình", ông Liên đặt vấn đề.
Cùng quan điểm, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam - cho rằng, người dân là trung tâm của mọi hoạt động và chính người dân chịu ảnh hưởng nhiều nhất của những việc sửa chữa này. Vì vậy, việc thi công phải được thông báo rộng rãi.
"Xây dựng thành phố văn minh, hiện đại là mang đến những điều tốt đẹp cho người dân. Nếu được thông báo rõ ràng, người dân chắn chắn sẽ ủng hộ, không phản ứng tiêu cực", ông Tùng nói.
Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nêu thực trạng, công tác quản trị đô thị tại cấp quận, phường ở Hà Nội nói riêng và nhiều đô thị của nước ta rất yếu.
"Một thành phố hơn 9 triệu dân không thể đổ hết lên đầu ông Chủ tịch thành phố được. Đã phân cấp Chủ tịch quận, Chủ tịch phường, thì quận, phường phải làm, thông báo và hướng dẫn người dân một cách cụ thể", ông Tùng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng cũng chỉ rõ, trách nhiệm của lãnh đạo TP Hà Nội là giám sát chặt chẽ quá trình thi công, không để xảy ra tình trạng chây ì, kéo dài việc quây tôn, ảnh hưởng quy hoạch, bộ mặt của thành phố.
Các lô cốt chiếm khoảng 2/3 làn đường, chỉ còn khoảng 4m cho các phương tiện lưu thông.
Đẩy nhanh tốc độ xây dựng
Nói về giải pháp ứng phó tình trạng ùn tắc trên đường Nguyễn Xiển, ông Bùi Danh Liên cho rằng, đơn vị thi công cần bố trí lực lượng kết hợp cùng cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông hướng dẫn phân luồng đảm bào an toàn giao thông, tránh gây ùn tắc.
"Để đảm bảo an toàn, cần lắp đặt hệ thống biển báo công trường, biển báo chỉ dẫn... để hướng dẫn phân luồng từ xa và tại chỗ", ông Liên nói.
Bên cạnh đó, theo ông Liên, chính quyền địa phương phải mạnh tay xử lý những trường hợp người dân bán hoa cây cảnh, lấn chiếm vỉa hè, vi phạm trật tự đô thị trên đường Nguyễn Xiển và đặc biệt tại khu vục rào chắn thi công. Không để xảy ra tình trạng các phương tiện dừng, đỗ xe dưới lòng đường để mua hàng gây mất trật tự an toàn giao thông.
Còn theo kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, lãnh đạo TP Hà Nội cần có sự giám sát chặt chẽ, đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ theo từng giai đoạn, sớm thu hẹp rào chắn trả lại lòng đường.
"Thi công ở những đô thị, đặc biệt là đô thị trọng điểm như Hà Nội với mật độ giao thông lớn, nên hạn chế làm vào ban ngày, tập trung vào ban đêm. Phải làm rất khẩn trương, huy động máy móc hiện đại, nhân lực lớn để rút ngắn thời gian", ông Tùng nói.
TS Nguyễn Xuân Thủy cũng cho rằng, chính quyền Thủ đô phải yêu cầu các đối tác, đơn vị thi công xây dựng đúng tiến độ, nếu chậm trễ phải xử lý quyết liệt.
"Các dự án đường sắt trên cao là bài học lớn dành cho Hà Nội, không thể cứ mãi chậm, đội vốn, hao hụt nguồn ngân sách Nhà nước, còn người dân thì chịu cảnh ‘bò’ ra đường", ông Thuỷ nhấn mạnh.
Video: Lô cốt chiếm 2/3 lòng đường ở Hà Nội, giao thông hỗn loạn cả ngày lẫn đêm
Bình luận