1. "Đội tuyển này được xem như người hùng dân tộc ư? Không hề. Họ đã thua trận bán kết. Nếu muốn phong tước hiệu người hùng, hãy phong nó cho những người đã 'khai quật' và đưa lũ trẻ này ra ngoài ánh sáng ấy".
Phát biểu này được ngôi sao truyền hình người Anh Piers Morgan đưa ra, trong bối cảnh tuyển Anh lập kỳ tích vào đến bán kết World Cup 2018 và chỉ chịu thua một Croatia quá kiên cường. Đây là thành công của người Anh, với đội quân trẻ tuổi không được kỳ vọng nhiều. Khắp nơi trên xứ sương mù, người ta nói đến "ngày bóng đá trở lại chốn cũ", còn tuyển Anh được xem như người hùng dân tộc.
Và giữa "cơn say" của người Anh, Piers Morgan đã dội một gáo nước lạnh như thế.
2. Hôm nay là một năm lẻ một ngày sau chiến tích của U23 Việt Nam tại giải U23 châu Á. Khoảnh khắc thầy trò HLV Park Hang Seo vượt qua thử thách để ghi danh vào trận chung kết, bóng đá Việt Nam không chỉ bước sang trang mới, mà nó còn được khoác lên mình một tấm áo mới. Tấm áo của những lời khen.
Một năm qua, U23 Việt Nam hay tuyển Việt Nam được gọi là "anh hùng dân tộc", "chiến binh dũng cảm", "đấu sĩ kiên trung", "người viết sử",... hay mỗi bàn thắng đều được ví von với "siêu phẩm", "đẳng cấp thế giới", "tầm vóc vĩ đại",... Từ điển Việt Nam có những từ gì hay nhất, có lẽ thiên hạ cũng "đào" cả lên để gán cho các cầu thủ rồi.
Quả thực, bước tiến của bóng đá Việt Nam trong hơn một năm qua là rất đáng khen. Lấy dấu mốc khởi điểm là thất bại đau đớn ở SEA Games 29. Vẫn bộ khung này, với những cầu thủ này, U23 Việt Nam tạo địa chấn châu lục. Sau đó bảy tháng, Olympic Việt Nam đạt hạng Tư châu Á. Hôm nay, thành công của tuyển Việt Nam ở AFF Cup và Asian Cup hiển nhiên không còn mang tính hiện tượng.
Từ một "ốc đảo", bị cô lập với vinh quang vùng trũng trong suốt 10 năm, bóng đá Việt Nam vươn mình lớn dậy, giương cao ngọn cờ kiêu hãnh, dẫu ở Trung Quốc, Indonesia hay UAE. Đá như thế, không thể không khen. Nhưng khen ai, khen thế nào, đó lại là một câu chuyện khác.
Chưa bao giờ, việc trở thành chiến binh, người hùng hay thứ gì đó phi thường lại dễ dàng hơn thế. The Guardian sử dụng cụm từ rất đắt: "sự đói khát niềm vui của một quốc gia" để lý giải về việc tại sao truyền thông Anh thích thú với việc tâng bốc cầu thủ nước nhà.
Một nền bóng đá nhiều năm chìm trong trầm uất, bỗng có thế hệ xuất hiện làm bừng sáng tương lai, công chúng sẽ có xu hướng tôn vinh các cầu thủ lên làm người hùng, không hẳn vì họ xuất chúng, mà là vì công chúng muốn có hình tượng người hùng để thoả mãn nhu cầu được trao gửi hy vọng.
Riêng góc độ này, bóng đá Việt Nam và bóng đá Anh, dù cách rất xa về mặt trình độ, cũng có thể tìm thấy những điểm tương đồng.
Video: Tuyển Việt Nam cảm ơn khán giả sau trận gặp Nhật Bản
3. Bóng đá Anh từng ca ngợi Jack Wilshere lên tận mây xanh, trong khi HLV Pep Guardiola chỉ nhận xét một câu ngắn gọn: "Ở Tây Ban Nha, chúng tôi có 100 cầu thủ như Wilshere, nhưng vì cậu ấy là người Anh nên mới được xưng tụng như thế".
Nhìn lại bóng đá Việt Nam, nhiều cầu thủ, thế hệ cầu thủ từng được đưa lên tận mây xanh với những lời khen trên trời dưới bể. Công chúng khoác lên cầu thủ cái mác "thần đồng", "thế hệ vàng", "Ronaldo Việt Nam", "Messi Việt Nam", và không hiểu tại sao một nền bóng đá chỉ có một danh hiệu đáng kể trước năm 2018 lại có nhiều thần đồng hay thế hệ vàng, thế hệ bạc thế. Khi nhìn lại lời khen trước đây dành cho những cầu thủ đã tàn lụi hôm nay, ta thấy chúng thật lố bịch. Nhưng mọi sự lố bịch cần có thời gian để nhận ra.
Đôi khi, khen một cầu thủ, người ta cứ khen cho sướng. Không phải sướng cầu thủ, mà là... sướng miệng mình. Có một thực tế là, Công Phượng chưa bao giờ tự nhận là Messi Việt Nam, Quang Hải không tự phong mình ở tầm vóc châu lục, Tiến Dũng chẳng dám nhận mình là thủ môn giỏi, Đình Trọng chưa từng nói mình là trung vệ số một, hay các tuyển thủ Việt Nam không tự nhận là người hùng dân tộc bao giờ.
"Các bạn muốn chúng tôi chiến thắng, đó cũng là điều chúng tôi rất khao khát. Hy vọng chúng tôi sẽ thắng để đáp lại tình cảm của người hâm mộ" - HLV Park Hang Seo chia sẻ. Được khoác lên mình màu áo tuyển và đại diện cho đất nước, đó là vinh dự. Được tin yêu và ủng hộ hết mình, tuyển thủ có nghĩa vụ cống hiến. Quyền đi liền nghĩa vụ, đội tuyển nào trên thế giới cũng thế cả.
Khi đội tuyển chơi hay và chiến thắng, hãy xem như các tuyển thủ đã làm xuất sắc nhiệm vụ. Chỉ vậy thôi.
4. Mỗi cá nhân trong xã hội lại có một sứ mệnh riêng. Nghề đá bóng cũng như kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, lính cứu hoả,... chúng ta làm xuất sắc công việc của mình để tạo ra giá trị tốt đẹp. Cầu thủ đá bóng, mang lại giá trị cho xã hội, thì cầu thủ cũng nhận lại được rất nhiều từ xã hội như tiền bạc, danh tiếng, hay trên hết là tình cảm. Cầu thủ không phải Người dơi xuất hiện trong đêm, giải cứu thành phố tội lỗi Gotham mà không đòi hỏi bất cứ điều gì.
Họ là những con người bình thường, chân chất và vươn lên với nghị lực phi thường. Những người như thế, thay vì suy tôn và khoác lên cho họ tấm áo quá rộng, hãy học hỏi từ họ, biến họ trở thành tấm gương và niềm cảm hứng. Những chiến công của bóng đá Việt Nam có thể trở thành động lực cho nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác trên đường vươn ra thế giới và khẳng định giá trị nội sinh.
Từ bỏ văn hoá suy tôn "người hùng" vô tội vạ, cũng là trả lại công bằng cho những người làm bóng đá, với công sức, tiền của và tâm huyết bỏ ra để bóng đá Việt Nam có được nền móng cho thành công song hiếm khi được ghi nhận. 11 con người trên sân chỉ là bề nổi của tảng băng. Để Quang Hải, Công Phượng, Văn Hậu, Duy Mạnh,... được có mặt tại Al-Maktoum và đá cho Nhật Bản một trận ra trò, cả hệ thống bóng đá Việt Nam, dẫu chưa hoàn chỉnh và còn nhiều thiếu sót, song cũng đã cố gắng rất nhiều.
Công sức của VFF, những ông bầu, HLV, tuyển trạch viên, người điều hành thầm lặng, thậm chí quý giá chẳng khác nào cú đệm lòng cận thành của Công Phượng hay pha đá phạt của Quang Hải.
Họ, vẫn sẽ cố gắng, dù không bao giờ được chỉ mặt, đặt tên. Họ, cũng như các cầu thủ, cũng như chúng ta, là một nhân tố trong chỉnh thể xã hội. Nhìn sự xuất sắc của người khác, ta càng phải cố gắng để bản thân mình tốt lên, rồi mọi thứ xung quanh sẽ tốt lên. Sử sách sẽ ghi danh lứa cầu thủ tài đức vẹn toàn của hôm nay như những người truyền cảm hứng bằng đôi chân tài hoa để tạo động lực cho nhiều thế hệ.
Nhưng trước hết, hãy cứ trả bóng đá về lại đúng chỗ đứng của nó!
Bình luận