• Zalo

Đụng độ trên không giữa Mỹ - Trung 'có thể lặp lại'

Thế giớiThứ Năm, 19/12/2013 11:44:00 +07:00Google News

Chuyên gia Nga nói vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc có thể dẫn đến đối đầu quân sự giữa Bắc Kinh và Washington.

Trong chuyến thăm Philippines, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đưa ra một tuyên bố mà từ đó có thể hiểu rằng người Mỹ đang chờ đợi Trung Quốc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không mới trên Biển Đông. 

Trước đấy, Trung Quốc đã thành lập Vùng tương tự trên biển Hoa Đông, bao trùm cả khu vực các đảo tranh chấp Điếu Ngư, dẫn đến căng thẳng gia tăng trong quan hệ với Nhật Bản. 
Chiến đấu cơ F-15 Nhật Bản xuất kích chặn máy bay Trung Quốc trên biển Hoa Đông 

Việc thiết lập Vùng nhận dạng mới có thể dẫn đến kết quả là phát sinh tình hình xung đột khác làm tình hình ở biển Hoa Đông được quên đi một thời gian, chuyên gia của Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Vasily Kashin nhận định:
“Đối với Trung Quốc, việc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông quan trọng hơn hơn thành lập Vùng tương tự trên biển Hoa Đông. 
Trung Quốc đang thực hiện một công trình quân sự quy mô lớn ở Biển Đông. Họ đang xây dựng ở đây căn cứ tàu ngầm hạt nhân và một sân bay vũ trụ mới rất lớn. 
Điều này dẫn đến việc gia tăng hoạt động của Hải quân Mỹ trong khu vực này cũng như những cuộc đụng độ thỉnh thoảng lại xảy ra. 
Vụ tiếp cận nguy hiểm của chiến hạm Mỹ USS Cowpens đang thực hiện nhiệm vụ giám sát tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc vào ngày 5/12 với một chiến hạm hộ tống hàng không mẫu hạm này là một xác nhận rõ nét”.
Trung Quốc đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về hoạt động của các tàu tình báo Mỹ và máy bay dọc theo biên giới nước họ. 
Công bố thành lập Vùng nhận dạng phòng không mới có thể dẫn đến hành động cương quyết hơn của Trung Quốc trong việc tạo trở ngại đối với hoạt động do thám trên không của Mỹ. 
Điều đó cũng có nghĩa rằng lịch sử cuộc đụng độ giữa máy bay do thám Mỹ EP-3 và máy bay chiến đấu Trung Quốc xảy ra vào năm 2001 sẽ có khả năng lặp lại.
Nguy hiểm hơn nữa là khả năng leo thang tình hình với một đồng minh khác của Mỹ trong khu vực là Philippines. Manila cố gắng theo đuổi một chính sách đối ngoại cứng rắn đối với Trung Quốc. 
Các vùng ADIZ trên biển Hoa Đông - Nguồn: Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản - Đồ họa: AFP, Tuổi Trẻ 

Tuy nhiên, khác với đối tác quân sự khác của Mỹ là Nhật Bản, Philippines không sở hữu tiềm năng quân sự đáng kể nào. Trong vấn đề phòng không và cuộc chiến dành ưu thế trên không, cơ hội của Philippines gần như bằng không.
Máy bay chiến đấu mới nhất của Không quân Philippines (tiêm kích cơ F- 5 của Mỹ) đã được đưa ra khỏi biên chế theo số tuổi phục vụ từ năm 2005. 
Bây giờ, vài máy bay chiến đấu-huấn luyện S.211 của Ý là những chiến đấu cơ duy nhất mà Philippines đang sở hữu. Hệ thống điện tử của máy bay đã lỗi thời và chúng chỉ có thể mang các loại tên lửa cận chiến .
Phần còn lại của Không quân Philippines bao gồm một số máy bay và trực thăng trinh sát, vận tải và máy bay huấn luyện đã khá cũ. 

Chúng có thể hữu ích trong các hoạt động chống lại quân nổi dậy và những kẻ khủng bố nhưng hoàn toàn không có ý nghĩa gì khi phải đương đầu với lực lượng vũ trang của một quốc gia khác.
Philippines không có những thiết bị quân sự có khả năng gây nhiễu loạn đáng kể chứ chưa nói gì đến việc đe dọa đối với lực lượng Không quân và Hải quân Trung Quốc trong khu vực. 
Ngay cả khả năng Philippines có thể giám sát được sự di chuyển và hành động của đối phương trong các vùng biển lân cận cũng còn đáng ngờ.
Sau khi Trung Quốc công bố thành lập Vùng phòng không ở biển Hoa Đông, Nhật Bản và Mỹ công khai đưa những máy bay chiến đấu của mình vào vùng này mà không báo trước với Trung Quốc để khẳng định rằng họ không công nhận quyền kiểm soát của Trung Quốc ở khu vực này. 
Trung Quốc chỉ hạn chế với việc theo dõi tình hình và trong một số trường hợp cho máy bay của mình cất cánh. 
Tuy nhiên, trong trường hợp với Philippines, phản ứng của Trung Quốc có thể sẽ cứng rắn hơn nhiều. Trung Quốc hoàn toàn có khả năng đẩy những máy bay Philippines ra khỏi khu vực tranh chấp và tạo những trở ngại nghiêm trọng cho hoạt động của chúng ở khu vực Biển Đông. 
Và kết quả sẽ là một sự leo thang căng thẳng mới, buộc người ta quên lãng đi một thời gian tình hình xung quanh quần đảo tranh chấp Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông.

Theo Tiếng nói nước Nga

Bình luận
vtcnews.vn