Ghen tuông là một hiện tượng phổ biến và mạnh mẽ, xuất hiện hầu như trong tất cả mọi người đang yêu. Sức mạnh và sự phổ biến đó làm cho một người phụ nữ trở nên nổi tiếng trong nhiều thế hệ người Việt Nam - Hoạn Thư. Nói đến Hoạn Thư, có lẽ nhiều người không biết rõ bà ta ghen như thế nào, thậm chí không biết bà ta là “con đẻ” của cụ Nguyễn Du, nhưng mọi người đều thống nhất rằng đó là hình ảnh của một người hay ghen và... rất dữ.
Nhiều người nói rằng “có yêu thì mới có ghen”, và ai ai cũng biết là ghen tuông ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc gia đình. Có rất nhiều cách và nhiều bài viết nói về việc kiềm nén, hạn chế biểu hiện ghen tuông để giữ gia đình hạnh phúc… nhưng vì sao việc thực hành nó lại ít người thành công?
Ta thất bại trong mối quan hệ tình cảm, làm đổ vỡ tình yêu chính vì ta đồng hóa yêu với ghen. “Có yêu mới có ghen” làm cho ghen và yêu không thể tách rời, giống như lấy độc dược đổ vào ly nước, không uống thì chết khát, uống vào thì chết đau.
Thật ra yêu và ghen không hề là một. Tình yêu là thứ tình cảm vị tha, nghĩa là xuất phát từ bản thân ta đem trao cho người ta yêu quý. Ghen tuông là tình cảm vị kỷ, là cảm giác chiếm hữu, hoàn toàn vì bản thân mình.
Tình yêu thật sự thường trong sáng, thuần khiết nhất là khi nó ở dạng tình đơn phương. Tình yêu bắt nguồn từ cảm giác xao xuyến, rung động khi gặp một đối tượng trùng khớp với những dao động phát ra từ trái tim ta. Rồi nó thăng hoa thành những vấn vương, nhung nhớ, sau đó nữa là cảm giác lâng lâng hạnh phúc, nồng cháy đê mê khi ở bên nhau. Khi xa nhau, tình yêu lại hóa thành những khắc khoải, đợi chờ, mong gặp lại nhau…
Khi yêu đơn phương một người, ta sẽ luôn tìm cách được ở gần người đó, chỉ là ở cùng một không gian thôi chứ không dám mong được ngồi sát cạnh nhau. Ta sẽ luôn chú ý đến cảm giác, sở thích hay những hoạt động mà người đó tham gia. Ta vui khi người đó nở nụ cười và lo lắng khi thấy một cái chau mày suy nghĩ. Ta luôn quan tâm, lo lắng, làm mọi điều tốt đẹp cho người kia mà không đòi hỏi một điều gì ngược lại. Điều này rất quan trọng: khi yêu đơn phương, hầu như tất cả tình cảm của ta đều dành cho người ấy, vì người ấy. Và tôi cho rằng đây mới thật sự là yêu: yêu là thứ tình cảm vì người khác, dành cho người khác chứ không phải cho bản thân mình.
Tình yêu có xuất phát điểm ban đầu tốt đẹp là vậy, nhưng vì sao sự phát triển của nó lại có sự ghen tuông? Khi hai người xác định là “của nhau” thì người này đóng lên người kia một dấu sở hữu. Khi đã sở hữu rồi thì ta ít quan tâm đến cảm giác của người kia, ta dành sự quan tâm đó cho cảm giác của bản thân mình nhiều hơn. Và ghen đơn giản là khi vật sở hữu của mình bị xâm phạm.
Khi ghen, có bao giờ ta đặt mình vào vị trí của người kia, tự hỏi vì sao họ lại làm như vậy, tự hỏi ta có lỗi gì trong chuyện này, hay đơn giản là lắng nghe lời giải thích của người yêu không? Không, ta chỉ còn nghe được tiếng gào thét của cơn ghen, ta hành động theo nó và phá vỡ mọi điều tốt đẹp.
Tình yêu là một loại năng lượng, ghen tuông cũng là năng lượng. Nếu tưởng tượng yêu một người như nuôi một con chim, thì tình yêu là khi ta dùng năng lượng để biến thành những thức ăn ngon, nước uống trong lành, thành ngôi nhà ấm áp tránh mưa tránh gió. Ghen tuông là khi ta dùng năng lượng đó làm thành một chiếc lồng son.
Đôi khi ta quá tập trung xây dựng chiếc lồng kiên cố vì sợ con chim sẽ bay đi mà quên mất việc cho ăn, cho uống, thì khi một ngày sơ sẩy, chỉ cần một cơ hội thôi thì tình yêu sẽ mãi mãi ra đi, hoặc nó sẽ chết đói, chết khát trong sự chiếm hữu của ta vậy.
Tôi không muốn bày vẽ cho bạn những cách thức để giữ tình yêu, giữ gìn hạnh phúc gia đình vì những cách thức đó đã có quá nhiều, quá tốt, nhưng khi ghen thì chúng ta chẳng bao giờ có thể làm theo. Tôi muốn chúng ta nhận diện cơn ghen một cách đúng đắn, và từ đó chọn cách ứng xử phù hợp với khả năng của mỗi người.
Tình yêu là cảm xúc, mà cảm xúc thì sẽ phôi pha, sẽ có lúc nhạt nhòa hay sâu sắc. Tình cảm, hay mối quan hệ, muốn bền chặt thì cần phải giữ lấy nhau, cùng nhau vượt qua khoảng lặng khó khăn kia.
“Điều cần thiết cho một cuộc hôn nhân thành công là ta phải yêu rất nhiều lần, nhưng luôn luôn với cùng một người”. - Mignon McLaughlin.
Yêu là vị tha, ghen tuông là vị kỷ. Khi người yêu làm ta buồn, đừng để nỗi buồn đó xui khiến ta làm họ đau khổ, hãy nghĩ ta đã yêu họ như thế nào.
Lam Dung
Bình luận