• Zalo

Đừng để mất Tết vì ăn tiết canh

Sức khỏeThứ Hai, 19/02/2018 08:03:00 +07:00Google News

Mặc cho những cảnh báo về việc ăn tiết canh lợn gây hậu quả nghiêm trọng, số ca nhập viện điều trị bệnh vì ăn tiết canh sống vẫn tăng trong dịp Tết.

Nhập viện cấp cứu vì ăn tiết canh

Theo thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu, ngày 18/2, bệnh viện ghi nhận một trường hợp bệnh nhân nhập viện trong trạng thái hôn mê sâu nguy kịch.

Bệnh nhân là Vàng Văn Tả, sinh năm 1984, ở bản Lang, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ. Qua khai thác từ người nhà bệnh nhân, gia đình anh có mổ lợn, đánh tiết canh để ăn sống vào chiều ngày 30 Tết.

anh3

 Ăn tiết canh sống, bệnh nhân có nguy cơ cao nhiễm khuẩn bệnh trực tiếp từ lợn.

Khi nhập viện, bệnh nhân có dấu hiệu hôn mê, trên mặt, cánh tay xuất hiện những mảng bầm tím, suy hô hấp.

Theo chẩn đoán ban đầu, do bệnh nhân ăn tiết canh sống, nên bị nhiễm khuẩn qua thức ăn, tiên lượng diễn biến xấu. Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu chuyển người bệnh về Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương để tiếp tục điều trị.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, số ca nhiễm khuẩn bệnh do ăn tiết canh sống xảy ra rải rác quanh năm.

Bệnh thường vào những tháng cuối năm và đầu năm âm lịch bệnh có xu hướng gia tăng, bởi trong thời gian này, nhiều gia đình mổ lợn để ăn Tết và nhiều nơi có tập tục ăn bát tiết canh cho may mắn.

Nguy hiểm quan niệm lợn nuôi là lợn sạch bệnh

Theo các chuyên gia y tế dự phòng, quan điểm lợn do gia đình nuôi, lợn chăn nuôi dân dã, thả rông là là lợn sạch, an toàn để ăn tiết canh. Thực tế, quan niệm này là sai lầm: bất kể giống lợn nào, được chăn nuôi trong điều kiện nào thì vẫn có nguy cơ nhiễm khuẩn từ lợn.

Thông thường, vi khuẩn gây bệnh thường cư trú ở vùng họng của lợn mà không gây bệnh cho con vật. Vì vậy, những con lợn này trở thành lợn mang mầm bệnh và bệnh chỉ phát ra ở những con lợn có sức miễn dịch yếu.

Lien cau lon 002

Bệnh nhân nhập viện điều trị vì mắc bệnh liên cầu lợn từ tiết canh sống.

Với lợn nhiễm khuẩn (cả lợn lành mang mầm bệnh và lợn bệnh), trong máu (tiết canh) và thịt lợn có chứa một lượng lớn vi khuẩn, tỷ lệ lợn mang mầm bệnh khuẩn không triệu chứng trong một đàn rơi vào khoảng 60% - 100%.

Mặt khác, thông qua báo cáo, giám sát bệnh truyền nhiễm trên lợn của ngành thú y, mối liên quan giữa bệnh nhiễm khuẩn từ lợn và Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn (hay còn gọi là bệnh heo tai xanh) được chứng minh.

Hội chứng này làm suy yếu sức đề kháng của lợn, tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn cư trú trong cơ thể lợn (trong đó có liên cầu lợn) phát triển mạnh, tăng độc lực và gây bệnh. Đặc biệt là trong những năm gần đây, lợn bị heo tai xanh đã xuất hiện và gây dịch tại nhiều địa phương ở nước ta và là bệnh lưu hành trên lợn.

Qua đó, các chuyên gia khuyến cáo, để bảo đảm sức khỏe cho bản thân và gia đình, nhất là trong những ngày lễ, Tết, người dân cần thực hiện chế độ ăn uống bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng đồ ăn được nấu chín, không nên ăn thịt các loại động vật nhiễm bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh.

Video: Hậu quả sau khi ăn tiết canh ở quán ven đường

Chi Lê
Bình luận
vtcnews.vn