Thời gian gần đây, đường dây nóng của VTC News liên tục nhận được phản ánh từ các bạn sinh viên, về việc bị lừa tiền khi đi tìm thuê phòng trọ tại khu vực quận Bình Thạnh (TP.HCM).
Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của sinh viên mới
Cụ thể, bạn N.T.T.L. (19 tuổi, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương) phản ánh: “Trường hợp lần này là bạn em, vì cũng từng bị nên em bức xúc và nghĩ không thể tiếp tục im lặng được. Bạn em bị lừa giống hệt em hồi đầu năm, thấy đăng tin cho thuê phòng trọ giá rẻ mà phòng lại chất lượng, tụi em mới ở quê lên nên thấy vậy đều ham hố.
Liên lạc với địa chỉ cho thuê thì họ bảo tới xem phòng, tới địa chỉ 125/41 đường D1, (Bình Thạnh) như họ nói thì có phòng thật, phòng sạch, đẹp và thoáng mát, nhưng… có người đang ở. Thấy em thắc mắc, nên họ cười, nói yên tâm đi, ngày mai phòng này chuyển nên ngày kia có thể tới ở.
Rồi họ nói, vì em là sinh viên nên ưu tiên, bao điện, nước, phí gửi xe trong tiền phòng luôn, tổng cộng là 1,3 triêu đồng/tháng. Nghe vậy ai chả mừng, nên em quyết định thuê. Sau đó, họ nói phòng còn duy nhất 1 cái mà nhiều người hẹn tới coi lắm, nên bảo em đặt cọc trước để giữ phòng.
Vì nghĩ đi thuê phòng đặt cọc là đương nhiên, nên em cũng lấy 500 nghìn đặt cọc theo yêu cầu của họ. Họ nói chiều mai người cũ dọn đi, em chuyển đến luôn rồi làm hợp đồng, còn giờ viết tay cho em tờ giấy xác nhận đặt cọc. Vì tìm được phòng vừa ý rồi nên em đồng ý hết.
Chiều hôm sau, theo như đã hẹn, em qua lấy phòng, họ đưa cho em ký bản hợp đồng. Lúc này, em giật mình vì nội dung hợp đồng hoàn toàn không như những gì họ nói trước đó. Hợp đồng ghi tiền phòng là 1,3 triệu đồng/tháng; tiền điện, nước, rác, wifi, bảo vệ mỗi khoản 100 nghìn/tháng; riêng tiền giữ xe 300 nghìn/tháng. Tính tổng cộng thì 1 tháng lên tới 2,1 triệu đồng.
Em nói không chấp nhận vì lý do những gì trong hợp đồng không đúng như đã thỏa thuận. Lúc này họ chối và bảo em nhớ sai. Tức giận em nói không thuê nữa thì người này đáp tỉnh bơ “không ở thì thôi”. Em đòi lại tiền cọc thì họ không chịu trả lại. Em mới bị lừa cách đây nửa tháng thì giờ đến lượt bạn em. Chiêu trò của họ không khác gì, vẫn giữ y nguyên kịch bản cũ”.
Một trường hợp khác, bạn T.Q.C. (22 tuổi, sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM), là sinh viên năm cuối nhưng vì nhẹ dạ cả tin nên cũng rơi vào “bẫy” của bọn lừa đảo phòng trọ.
C. cho biết, ngày 15/3, trên đường đi học về thì vô tình thấy tờ rơi cho thuê phòng giá rẻ. Trong khi phòng đang ở chật chội, nóng bức, đọc nội dung trên tờ rơi lại thấy “hời” nên C. quyết định liên hệ để chuyển phòng.
Đến xem thấy phòng còn mới, điện nước miễn phí trong khi có máy lạnh, giá lại chỉ 1,5 triệu đồng/tháng nên C. quyết định đặt cọc thuê 1 triệu theo yêu cầu. Vừa ra khỏi nhà trọ, C. được mấy cô bán nước gần đó kéo lại và kể “sự tình”. Lo lắng bị lừa, C. nhanh chóng quay vào để rút tiền cọc và nói không ở nữa.
Lúc này, những kẻ cho thuê bắt đầu nói chuyện bằng giọng thách thức “không ở thì đi, mất tiền cọc”. C. dọa sẽ báo công an thì bọn chúng lại thản nhiên nói “báo đi, ai sai biết liền”. Dùng dằng hơn 2 tiếng đồng hồ, bọn chúng mới trả lại cho C. 50% số tiền cọc.
Ngoài những nạn nhân bị lừa “ngậm đắng nuốt cay” mất tiền cọc và đi, cũng có một số người vì lỡ chuyển đồ tới, lại tiếc tiền cọc nên đành ở lại.
Tuy nhiên, chuyển vào ở bọn họ lại thêm thắt đủ yêu cầu. Không được về sau 22h, không được đưa bạn bè tới phòng, phải cắt thêm 1 khóa phòng đưa cho họ,… Những người ở lại cho biết, phòng có dấu hiệu bị lục lọi và mất đồ thường xuyên, phản ánh với chủ nhà thì họ nói không biết và ra vẻ khó chịu.
Tình trạng mất đồ kéo dài, phòng đắt đỏ, chủ nhà lại luôn tỏ vẻ khó chịu, nên không ai ở lại quá 1 tháng.
“Kịch bản” lặp lại
Dọc các con đường lớn nhỏ ở khu vực quận Bình Thạnh, không khó để bắt gặp các tờ rơi với nội dung cho thuê phòng trọ được dán trên các cột điện, trụ đèn báo hiệu giao thông.
Trong vai người đi tìm phòng trọ, chúng tôi gọi vào số điện thoại in trên tờ rơi có nội dung “Cho thuê phòng trọ giá rẻ, rộng rãi, sạch sẽ. 1,2 triệu đồng/tháng; tiện nghi đầy đủ; wifi, truyền hình cáp, giữ xe miễn phí”.
Điện thoại đổ chuông, người phụ nữ đầu dây bắt máy với giọng dè chừng. Sợ phát hiện, chúng tôi phải đổi cách nói chuyện ấp úng, sợ sệt đúng chất một sinh viên từ quê mới lên. Sau một hồi nói chuyện, người phụ nữ cho chúng tôi địa chỉ ở số 125/41, đường D1, phường 25 (Bình Thạnh).
Tới địa chỉ trên, chúng tôi được một cô gái chừng 19 - 20 tuổi dẫn vào gặp chủ nhà là một người phụ nữ trung niên. Trong nhà lúc đó có thêm một cậu thanh niên đang nằm nghe nhạc, thấy chúng tôi, cậu ta đảo mắt dè chừng.
Sau khi trao đổi về việc muốn thuê phòng, người phụ nữ bảo cô gái dẫn chúng tôi lên nhà xem phòng. Đúng như nội dung trên tờ rơi, phòng còn rất mới, rộng rãi và thoáng mát. Đặc biệt, trong phòng có đầy đủ tủ lạnh, điều hòa, bình tắm nóng lạnh, giường, bàn ghế, tủ đồ,... không khác gì khách sạn 3 sao. Tuy nhiên, phòng đang có người ở.
Nắm được “đường đi nước bước” của nhóm người này từ trước, nên chúng tôi cố tình đặt ra những thắc mắc nhấn mạnh vào vấn đề bọn chúng vẫn thường trả lời lập lờ với các nạn nhân trước.
Khi hỏi phòng này có người đang thuê tại sao lại mở cửa tự do, trong khi không có chủ phòng ở nhà, người phụ nữ này tỏ vẻ thân thiện rồi trấn an chúng tôi: ”Vì là nhà nguyên căn, ít phòng, nên những người thuê ở đây sống thoải mái với nhau lắm”.
Khi chúng tôi đề nghị ký hợp đồng thuê phòng, người này lại quanh co nói ngày nào tới ở sẽ ký, vì bây giờ người cũ chưa chuyển đi. Y nguyên “kịch bản” cũ, người phụ nữ đưa cho chúng tôi tờ giấy “Đặt cọc giữ phòng”, bảo chúng tôi đặt cọc 1 triệu trước, rồi tuần sau người cũ chuyển đi sẽ ký hợp đồng chính thức.
Tìm đến UBND phường 25, quận Bình Thạnh cùng với những thắc mắc của các nạn nhân từng dính “bẫy” của những kẻ lừa đảo. Tại sao địa chỉ này ngang nhiên hoạt động trong nhiều năm, mà chính quyền sở tại vẫn không hề can thiệp? Sau nhiều lần dời lịch hẹn, cơ quan này cho biết sẽ đi xác minh và gửi công văn trả lời. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, đã gần một tháng trôi qua chúng tôi vẫn chưa nhận được lời phúc đáp nào từ phường.
Video: 20 tên côn đồ xông tới đập phá tan hoang dãy nhà trọ ở Sài Gòn
Bình luận