Trong hơn 1 thập kỷ qua, khi các nhà phân tích mô tả chiến thuật mà Israel sử dụng để đối phó với các nhóm vũ trang Palestine ở Dải Gaza, họ đã nói một cách ví von: Bằng việc thể hiện sức mạnh quân sự áp đảo của mình, các lực lượng Israel đang “cắt cỏ”. Cách nói này ám chỉ việc việc trấn áp tạm thời lực lượng chiến binh Palestine trước cuộc đối đầu tiếp theo.
Nhưng chiến thuật như vậy đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nhóm nhân quyền quốc tế, bởi số người thiệt mạng do các cuộc tấn công của Israel cao hơn nhiều so với số người chết trong các cuộc không kích của các nhóm vũ trang Palestine.
Khi Israel tiến hành các cuộc không kích dữ dội trong tuần này, nhằm vào các chiến binh ở Dải Gaza và những lực lượng cát cứ gần biên giới với Israel để đáp trả các vụ bắn phá bằng rocket phóng từ Gaza, chiến lược “cắt cỏ” một lần nữa đã được sử dụng.
Ông Zehava Galon, cựu nghị sỹ thuộc đảng cánh tả Meretz của Israel đã lên tiếng chỉ trích, cho rằng chiến lược này sẽ dẫn đến “một cuộc chiến tranh kéo dài vĩnh viễn”, trong khi quên mất rằng “loài người cũng có thể nói chuyện, chứ không chỉ biết cầm gậy”.
Trong khi những người theo chủ nghĩa tự do nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện nỗ lực mới để tìm kiếm hòa bình thông qua các cuộc đàm phán, thì phe bảo thủ của Israel khẳng định chỉ có hành động quân sự mới giải quyết được vấn đề.
Hiếm có cuộc xung đột quốc tế nào lại phức tạp và tạo ra nhiều bế tắc ngoại giao như giữa Israel và Palestine. Xung đột bắt nguồn từ nhiều thập kỷ mâu thuẫn về tôn giáo, biên giới và lãnh thổ. Vô số nhà ngoại giao, nhà trung gian hòa giải trên thế giới đã phải vào cuộc để tìm kiếm 1 lộ trình hòa bình, nhưng rồi lại “ra về tay trắng”.
Từ quyết định của Israel rút khỏi Dải Gaza
Gaza là một dải đất hẹp ở ven biển dọc theo Địa Trung Hải, có biên giới trên bộ với Ai Cập ở phía Tây Nam và Israel ở phía Bắc và phía Đông. Đây là vùng lãnh thổ có mật độ dân số cao nhất trên trái đất, với khoảng 1,5 triệu người sống trên khu vực diện tích 360 km². Gaza nằm dưới quyền kiểm soát của Israel vào năm 1967 sau cuộc Chiến tranh Sáu ngày giữa Israel với các quốc gia Arab. Mặc dù một số người dân Israel đã di chuyển đến Gaza định cư nhưng nhiều chính trị gia của Israel khi đó không hứng thú với việc kiểm soát khu vực này.
“Tôi muốn Gaza chìm xuống biển. Nhưng điều này sẽ không xảy ra, vì thế chúng ta cần tìm ra giải pháp”, Thủ tướng Israel thời điểm đó, ông Yitzhak Rabin tuyên bố vào năm 1992.
Sau khi chính phủ Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine ký Hiệp ước hòa bình Oslo tại Washington vào năm 1993, phần lớn Dải Gaza nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Palestine mới được thành lập. Nhưng khu vực này đã chứng kiến làn sóng bạo lực lan rộng sau phong trào chống Israel (Intafada) lần thứ 2 mà người Palestine phát động vào năm 2000. Ở thời điểm đó, các lực lượng Israel bắt đầu xây dựng rào chắn giữa Gaza và Israel cũng như tại khu vực biên giới với Ai Cập.
Năm 2005, dưới thời Thủ tướng Ariel Sharon, Israel đã quyết định rút hết các lực lượng quân sự cùng 8.000 người định cư Israel ra khỏi Gaza đồng thời có những nhượng bộ tại khu vực Bờ Tây.
Lực lượng Hamas, được thành lập vào năm 1987 – thời điểm diễn ra phong trào Intafada đầu tiên. Đây là một nhánh của phong trào Anh em Hồi giáo hoạt động tại Palestine. Dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh Sheikh Ahmed Yassin, Hamas đã gây dựng được ảnh hưởng lớn với người dân Palestine và tín đồ Hồi giáo.
Năm 2006, Hamas lần đầu tiên tham gia bầu cử Quốc hội Palestine dưới tên Đảng Cải cách và giành chiến thắng vang dội. Điều này đã dẫn đến cuộc tranh giành quyền lực giữa phong trào Hamas với phong trào Fatah do cố Tổng thống Palestine Yasser Arafat thành lập. Năm 2007, một cuộc chiến giữa Fatah và Hamas đã diễn ra tại Gaza, dẫn tới việc Hamas kiểm soát hoàn toàn dải đất này trong khi Fatah kiểm soát Bờ Tây.
Đến chiến lược "cắt cỏ"
Israel đã áp đặt lệnh phong tỏa đối với Dải Gaza sau khi Hamas nắm quyền kiểm soát khu vực này. Để đáp trả, nhánh vũ trang của Hamas – được biết đến với tên gọi Lữ đoàn Qassam đã bắn rocket vào lãnh thổ Israel. Kể từ thời điểm đó, bạo lực đã bùng phát giữa hai bên trong suốt 1,5 thập kỷ.
Trong các cuộc chiến tranh với các nước Arab năm 1948, 1967 và 1973, Israel thường áp dụng chiến thuật đánh lui đối thủ thay vì đánh bại hoàn toàn. Chiến thuật tương tự cũng được nước này sử dụng để đối phó với Hamas.
Efaim Inbar và Eitan Shamir – hai chuyên gia của Israel cho biết: “Đối đầu với một lực lượng cố thủ vững vàng như Hamas, Israel đôi khi cần phải sử dụng chiến lược “cắt cỏ” để làm suy yếu năng lực của họ”.
Vậy bản chất của chiến thuật "cắt cỏ" là gì? Do không thể tìm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột kéo dài với Hamas, Israel đã sử dụng lực lượng quân sự một cách hạn chế để ngăn chặn các cuộc tấn công của Hamas vào lãnh thổ nước này. Tuy nhiên theo thời gian, năng lực quân sự của Hamas chắc chắn sẽ gia tăng và các cuộc tấn công cũng trở nên nguy hiểm hơn. Lúc đó Israel sẽ tiến hành một chiến dịch lớn để làm suy yếu năng lực của Hamas. Israel hy vọng rằng các chiến dịch lớn này sẽ tạo ra khoảng thời gian yên tĩnh, nhưng sự yên tĩnh sẽ chỉ kéo dài cho đến khi Hamas phục hồi khả năng tấn công của mình. Sau đó, Israel sẽ phải tiếp tục thực hiện một chiến dịch quân sự khác. Về bản chất, hành động này giống như việc “cắt cỏ” định kỳ, tức là khiến sức mạnh của Hamas không phát triển vượt ngoài tầm kiểm soát của Israel.
Trong các cuộc đụng độ với các nhóm vũ trang Palestine trước đây, quân đội Israel đã thực hiện nhiều chiến dịch lớn như Cast Lead năm 2008-2009, Trụ cột Phòng thủ năm 2012 và Chiến dịch Vành đai Bảo vệ năm 2014.
Các quan chức Israel cho biết, mục đích của những chiến dịch tấn công này là phá hủy các kho dự trữ tên lửa và mạng lưới đường hầm của phong trào Hamas và nhóm Hồi giáo vũ trang Jihad. Vào năm 2011, Israel đã công bố hệ thống phòng thủ Vòm Sắt mà giới chức nước này cho là đánh chặn thành công 90% các vụ tấn công tên lửa và pháo kích từ Gaza.
Nhiều nhà quan sát cho rằng, chiến lược “cắt cỏ” mà Israel sử dụng sẽ không mang lại hòa bình lâu dài, hơn nữa nó để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Sau cuộc xung đột kéo dài 6 tuần năm 2014, Liên Hợp Quốc cho biết, có 2.104 người Palestine đã thiệt mạng trong đó có 1.462 dân thường và 495 trẻ em. Về phía Israel có 66 binh sỹ và 6 dân thường thiệt mạng.Tình hình hiện nay đã khác trước?
Vòng xoáy xung đột mới ở Gaza dường như đang diễn ra theo một mô hình quen thuộc trong tuần này: Phong trào Hamas và nhóm Jihad nã tên lửa vào lãnh thổ Israel. Quân đội Israel đã đáp trả bằng các cuộc không kích dữ dội, nhằm vào các nhà lãnh đạo của Hamas. Thương vong xảy ra ở cả 3 phía nhưng Palestine vẫn bị thiệt hại nghiêm trọng hơn.
Phong trào Hamas dường như đã thay đổi đáng kể chiến thuật trong những năm gần đây với việc bắn hàng loạt tên lửa tầm xa hơn vào Tel Aviv để áp đảo hệ thống Vòm Sắt Iron Dome trong một thời gian ngắn. Về phần mình, Israel có vẻ như vẫn giữ vững chiến lược “cắt cỏ” của nước này.
Hôm 14/5, các quan chức Israel cho biết, nước này đã triển khai hơn 60 máy bay đồng thời tấn công hơn 150 mục tiêu dưới lòng đất ở phía bắc Dải Gaza. Người phát ngôn của quân đội Israel cho biết, lực lượng này cũng đang nhắm mục tiêu vào các nhân vật cấp cao của Hamas.
Điều gì xảy ra tiếp theo?
Nếu các nhà ngoại giao quốc tế không thành công trong nỗ lực thúc đẩy một lệnh ngừng bắn giữa hai phía, xung đột có khả năng bùng phát thành một cuộc chiến tranh toàn diện. Quân đội Israel tuyên bố đã sẵn sàng thực hiện một chiến dịch tấn công trên bộ nhằm vào Dải Gaza, đánh dấu chiến dịch quân sự lớn đầu tiên kể từ năm 2014. Ngày 14/5, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố nước này không có kế hoạch dừng các cuộc tấn công nhằm vào phong trào Hamas tại Dải Gaza
Còn người phát ngôn của Hamas cảnh báo lực lượng này sẵn sàng dạy cho Israel “những bài học khắc nghiệt” nếu nước này quyết định tấn công trên bộ.
Các nhà ngoại giao của Mỹ và nhiều nước tại khu vực Trung Đông, châu Âu đã và đang thúc đẩy các biện pháp giảm leo thang căng thẳng. Ai Cập một lần nữa đảm nhận vai trò trung gian hòa giải giữa Palestine và Israel. Các đặc phái viên của Ai Cập đã gặp cả các nhà lãnh đạo Hamas ở Gaza và các quan chức Israel tại Tel Aviv hôm 13/5, đánh dấu một bước quan trọng trong nỗ lực xúc tiến các cuộc đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn./.
Bình luận