Câu hỏi về tiền, lương, thu nhập chưa bao giờ thiếu trong những dịp hỏi thăm lễ tết. Đây là một câu hỏi được đánh giá là thiếu tế nhị nhất, bởi vì người được hỏi rất khó để trả lời, nói ít thì người ta chê bai mà nói nhiều thì người ta ganh tị.
Nhiều người không ý thức được rằng chuyện lương lậu là vấn đề cá nhân mà không phải với ai cũng có thể tiết lộ. Vậy phải đối phó thế nào khi rơi vào tình huống khó xử như vậy?
Cách đối phó khi bị hỏi lương, thưởng ngày Tết
Đáp mơ hồ
Nếu không thích bị đem ra so sánh với người khác, bạn có thể nói khéo để không phải đưa ra con số cụ thể: "Thưởng Tết cũng sương sương thôi ạ chứ đâu có bao nhiêu”; “Lương cũng vừa đủ sống thôi”; “Lương cũng bình thường thôi”...
Những câu trả lời mơ hồ, không đi thẳng vào trọng tâm sẽ khiến đối phương nhận ra rằng, bạn không muốn đưa ra một câu trả lời cụ thể. Người nào biết ý thì tự nhiên sẽ không hỏi thêm nữa.
Hỏi ngược lại
Nói chung, những người hỏi về mức lương thưởng của bạn luôn phải có một số lý do. Có thể là họ chỉ đơn thuần tò mò, cũng có thể họ ôm mục đích và tâm lý khác. Nhưng dù xuất phát từ nguyên do nào, bản thân họ cũng chỉ muốn đào sâu vào thông tin của người khác chứ chưa chắc đã muốn tiết lộ về lương thưởng của bản thân.
Lúc này, nếu người đó "nhắm" mục tiêu vào bạn, hãy đưa đẩy câu chuyện để hỏi lại mức thưởng của họ là bao nhiêu. Nếu người đó không trả lời hoặc không muốn nói, vậy thì bạn cũng có thể giữ kín thông tin của mình một cách đương nhiên.
Giữ bình tĩnh và sự tôn trọng
Những câu hỏi ngày tết rất khó để tránh khỏi mỗi năm, ai cũng sẽ có ít nhất một lần đối mặt với chúng nên cần tự tìm cho mình những cách khôn khéo để đáp trả, hơn hết cần ghi nhớ về thái độ tích cực và luôn tôn trọng người khác.
Trong bất kỳ một hoàn cảnh hay mối quan hệ nào thì ta cũng cần nên giữ một thái độ tôn trọng nhất đối với những người xung quanh, dù đó có thể là một câu hỏi vô duyên nhất mà ta từng gặp. Sự tôn trọng này sẽ phần nào phản ánh nhân cách của chúng ta, cũng như có được sự nhìn nhận khác hơn từ người xung quanh, thay vì bực tức mà cãi vã hay mâu thuẫn.
Tết là “vui vẻ không quạu”
Không thể phủ nhận có một số người xấu tính, chuyên hỏi những câu "khó" để soi mói, châm chọc… Nhưng thật ra đó là con số nhỏ, chẳng đáng là gì so với người thật sự quan tâm mình.
Những câu hỏi đó nếu nhìn ở một góc độ ít gay gắt hơn thì là sự quan tâm đó chứ. Người ta quan tâm mình theo cách của họ, mình có thể không cần, hoặc khó chịu, nhưng ít nhất đừng phủ nhận lòng tốt và đừng phản ứng theo cách xấu, nhất là với người thân trong gia đình.
Với những người thật sự quan tâm, những câu hỏi đó chỉ là để mở đầu câu chuyện, thích thì trả lời, không thì nói điều gì bạn có thể nói, kể một câu chuyện mà bạn sẵn sàng chia sẻ, hỏi một vấn đề bạn biết họ sẽ hứng thú, chủ yếu là để kết nối với nhau thôi.
Mặt khác, nhìn từ khía cạnh những người trẻ xa nhà, biết rằng những câu hỏi có khi vốn chẳng có ác ý gì, nhưng nó lại khiến họ vô cùng khó xử, vô tình làm khoảng cách giữa mọi người trở nên rộng thênh thang.
Thế nên tốt nhất, nếu được thì những ngày lễ Tết, khi gặp gỡ nhau, đừng hỏi lương, thưởng, hãy hỏi nhau đi làm có mệt không, có thích công việc đang làm không, có điều gì muốn chia sẻ không. Vốn ngoài xã hội đã vất vả giữ thái độ chuyên nghiệp, hết mình rồi, hãy yêu thương và thông cảm nhau hơn
Sự kết nối trong những dịp sum họp gia đình sẽ tốt hơn nếu cả hai phía biết quan tâm và thấu hiểu lẫn nhau.
Bình luận