• Zalo

Đừng biến trẻ thành chuột thí nghiệm của chính sách!

Bạn đọcThứ Hai, 04/11/2013 07:52:00 +07:00Google News

(VTC News) - Liệu các y bác sỹ trong bệnh viện có bị huy động để đi thực thi chính sách ăn bằng cốc thìa, và phạt các bà mẹ sử dụng bình bú cho con không?

(VTC News) - Liệu các y bác sỹ trong bệnh viện có bị huy động để đi thực thi chính sách ăn bằng cốc thìa, và phạt các bà mẹ sử dụng bình bú cho con không? 
Trước đây cuộc cải cách chữ viết của Bộ Giáo Dục & Đào Tạo đã khiến tất cả trẻ em phải thay đổi từ cách viết chữ mềm mại bay bướm chúng ta đã quen từ lâu sang cách viết chữ thẳng tưng, khô như que củi. Đến nay khi Bộ Giáo Dục nhận ra sai lầm và quay lại với cách viết cũ thì chúng ta đã làm hỏng chữ viết của cả bao thế hệ. 
Nay các nhà làm luật của Bộ Y tế có lẽ cũng lại muốn biến trẻ em thành chuột thí nghiệm một lần nữa, với một loạt các đề xuất kỳ dị, phản sinh lý và trái với khuyến cáo quốc tế trong Dự thảo Nghị định mang tên:“Nghị định Quy định về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ”.
Một định nghĩa nhiều điều bất cập
Những điều bất cập trong định nghĩa đó là: trái luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, trái thông lệ quốc tế, phản khoa học, gây nhầm lẫn cho người dân. 
Liệu các y bác sỹ trong bệnh viện có bị huy động để đi thực thi chính sách ăn bằng cốc thìa, và phạt các bà mẹ sử dụng bình bú cho con không?  

Khoa học đã chứng minh rằng sữa mẹ là tốt nhất, không gì có thể thay thế được. Hiện nay mới chỉ có sản phẩm dinh dưỡng công thức dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi (infant formula), được nghiên cứu, sản xuất theo những tiêu chuẩn được quốc tế công nhận, mới được coi là có thể sử dụng với mục đích thay thế sữa mẹ. 
Các tri thức này đã được quy phạm hóa trong các quy định của Uỷ ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế Codex, các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Việt Nam. Thế nhưng Dự thảo “Nghị định Quy định về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ” do Bộ Y tế đưa ra, thoắt cái đã “phù phép”, biến tất cả các sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, bao gồm cả sản phẩm dinh dưỡng công thức với mục đích ăn bổ sung (Follow up) đều trở thành sản phẩm Sữa thay thế sữa mẹ!
Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người Tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) cho biết việc Dự thảo Nghị định của Bộ Y tế quy định tất cả các sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ dưới 24 tháng đều là sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ là không chính xác, dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. 
Khi người tiêu dùng có suy nghĩ lầm lẫn thì sẽ có hành động sai lầm và kéo theo là trẻ có nguy cơ suy dinh dưỡng.
Đề xuất này của dự thảo còn đi ngược lại với các khuyến cáo quốc tế. Bộ Quy tắc của Tổ chức Y tế Thế giới đã quy định rõ “Sữa mẹ có thể được thay thế trong giai đoạn trẻ từ khi sinh đến 4-6 tháng tuổi bằng các sản phẩm được gọi là sản phẩm thay thế sữa mẹ, bao gồm các sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ nhỏ (infant formula). Bất kỳ thức ăn nào khác dùng cho trẻ nhỏ sau giai đoạn bắt đầu này (4-6 tháng), không được tiếp tục xem là sản phẩm thay thế sữa mẹ, và được gọi trong Bộ quy tắc này là thức ăn bổ sung”. 
Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế Codex cũng khẳng định rằng “Các sản phẩm theo tiêu chuẩn này (cho trẻ 6-24 tháng) không phải là sản phẩm thay thế sữa mẹ, và không được giới thiệu như vậy”. 
Vừa gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, vừa trái sinh lý trẻ, lại đi ngược với khuyến cáo quốc tế, dự thảo Nghị định này nếu được phê duyệt, tương lai trẻ em Việt Nam sẽ đi về đâu?

Trẻ nhỏ thành "chuột thí nghiệm" của chính sách?
Khi sinh ra trẻ nào cũng có bản năng là bú tí. Nếu mẹ mất sữa thì phải dùng vật gì giống ti của người mẹ nhất thay thế. 
Vì thế mà cái ti giả nó đã được chế tạo ra cũng vì cái bản năng của con người. 
Mọi bà mẹ sinh con ra đều biết rõ điều này và nếu đọc sự giải thích này sẽ bật cười vì điều này với họ là quá hiển nhiên như việc đói thì phải ăn cơm vậy. Liệu họ còn cười được không nếu trong luật quy định rõ ràng, họ phải sử dụng “cốc thìa, hợp vệ sinh” cho trẻ bú sữa. 
Điều các mẹ sẽ lo lắng là, việc ăn bằng cốc thìa sẽ mất nhiều thời gian hơn, sữa dễ bị đổ nên tốn kém hơn, con dễ bị sặc hơn. 
Nhưng lo nhất là tuổi này (0-1 tháng) bé ngủ suốt (thậm chí ngủ tới 20 giờ/ngày) thì làm sao mà cậy mồm ra mà đổ sữa được đây? Mà có cố cậy mồm đổ sữa thì nó khóc, nó quấy vì không cho nó ngủ. Đáng ra thì nó có thể vừa ngủ vừa bú, theo đúng bản năng của nó. Thế mà cứ bắt nó phải ăn như người lớn, muốn thay đổi bản năng mút ti của nó. 
Bác sỹ Hướng Tâm cho biết trẻ mà thiếu ngủ là thần kinh phát triển không tốt. 
Một nghiên cứu độc lập cho biết có đến 18-22% trẻ nuôi ăn bằng cốc thìa có biểu hiện bị rối loạn tâm trí, một trong những nguyên nhân là do thiếu ngủ sinh lý. 
Sáng kiến bú “bằng cốc thìa” được triển khai thì có thể số lượng trẻ em bị rối loạn tâm trí còn cao hơn nữa. 
Một nghiên cứu tổng hợp khác của Úc còn cho biết với nhóm trẻ không có đủ sữa mẹ phải ăn bằng cốc thìa xuất viện 10 ngày muộn hơn nhóm trẻ bú bình. 
Các bà mẹ không lo sao được khi con mình có nguy cơ bị biến thành chuột thí nghiệm cho Bộ Y tế thử chính sách “bú cốc thìa”. Sau này nếu Bộ Y tế tỉnh ngộ sửa lại chính sách thì liệu trí não trẻ đã bị tổn hại có hồi phục trở lại không! Đó là chưa kể tính khả thi của quy định này, liệu các bệnh viện có phải treo biển cấm sử dụng bình bú không? 
Bộ Y tế  chắc hẳn vẫn còn nhớ đến bài học thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, khi có quy định phạt người hút thuốc nhưng không có người đi phạt, nên luật làm ra để đấy! 
Liệu các y bác sỹ trong bệnh viện có bị huy động để đi thực thi chính sách ăn bằng cốc thìa, và phạt các bà mẹ sử dụng bình bú cho con không? 
Chuột thí nghiệm chết thì chỉ các tổ chức bảo vệ động vật xót xa, chứ trẻ bị suy dinh dưỡng hay rối loạn tâm trí do những chính sách bất hợp lý thì cả bố mẹ và xã hội đều đau đớn. 
Bài học nhãn tiền là Căm pu chia cấm quảng cáo sữa dành cho trẻ nhỏ đến 2 năm nhưng đến nay tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở Cam-pu-chia đang cao nhất thế giới. Và không có nước tiên tiến nào trên thế giới cho rằng dinh dưỡng công thức là thay thế sữa mẹ, cũng như ép trẻ nhỏ bú bằng cốc thìa! 
Việt Nam đang hội nhập quốc tế để tiếp thu những gì tiên tiến, chứ không phải để hấp thu những quan niệm duy ý chí, phản khoa học. Xin Bộ Y tế đừng để trẻ em một lần nữa biến thành con chuột thí nghiệm của các chính sách kỳ dị như Dự thảo Nghị định này!
Thi Vân 
Bình luận
vtcnews.vn