Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường đại học, Cao đẳng Việt Nam cho rằng, về trường hợp 55 người sử dụng văn bằng 2 ngôn ngữ Anh của Đại học Đông Đô để tham gia thi tuyển hoặc làm điều kiện bảo vệ luận án tiến sĩ, cần xác định rõ những người này vô tình hay cố ý sử dụng bằng giả.
Nếu vô tình thì trách nhiệm sẽ nhẹ nhàng hơn, còn nếu là cố tình gian lận thì chắc chắn phải xử lý nghiêm, thậm chí là là tội hình sự "mua bán bằng giả" mới đủ sức răn đe.
Tuy nhiên, dù là vô tình hay cố ý sử dụng bằng giả ngôn ngữ Anh để thi tuyển/làm điều kiện bảo vệ luận án tiến sĩ thì các trường đều phải vô hiệu hoá giá trị của tấm bằng này ngay lập tức. Đồng thời, các trường nên rà soát lại toàn bộ các học viên, thạc sĩ, nghiên cứu sinh, tiến sĩ của trường đã và đang đào tạo để phát hiện thêm các trường hợp sử dụng văn bằng 2 ngôn ngữ Anh của Đại học Đông Đô.
Về tư cách của các nghiên cứu sinh, tiến sĩ sử dụng văn bằng 2 ngôn ngữ Anh giả, TS Lê Viết Khuyến đề nghị huỷ bỏ kết quả học và thi của các cá nhân này, kể cả những người đã được các trường cấp bằng tiến sĩ. Vì gian lận không những là điều tối kị, trái đạo đức người làm nghiên cứu mà nó còn vi phạm cả tội hình sự cần xử lý theo pháp luật.
Theo luật sư Tạ Hồng Thái (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội), để xử lý 55 trường hợp sử dụng văn bằng 2 ngôn ngữ Anh giả tham gia thi tuyển/làm điều kiện bảo vệ luận án tiến sĩ, cơ quan công an điều tra phải xác định rõ và có đầy đủ bằng chứng, chứng minh 55 người này cố tình mua bán bằng giả.
Như những thông tin được công bố, có thể những người này không biết Đại học Đông Đô cấp bằng “chui” và họ vẫn đi học đầy đủ và làm bài kiểm tra bình thường. Đây là điểm cần làm rõ, luật sư Thái cho biết thêm.
Tuy nhiên, trên thực tế, không khó để chứng minh 55 người này cố tình gian lận trong việc đào tạo văn bằng 2 ngôn ngữ Anh bởi hầu hết văn bằng này đều được trường tổ chức học và thi theo dạng "chép bài, làm cho có, tất cả đều sẽ vượt qua". Luật sư Thái nhấn mạnh, những văn bằng, chứng chỉ do Đại học Đông Đô cấp không đạt yêu cầu cần thu hồi ngay lập tức.
Trên quan điểm cá nhân, luật sư Thái cho rằng, với những người sử dụng bằng giả để làm nghiên cứu sinh, là điều kiện để bảo vệ, xin cấp bằng tiến sĩ thì đồng nghĩa họ không đủ điều kiện đầu vào hoặc đầu ra của đạo tạo trình độ tiến sĩ. Do đó, cần xem xét, kiểm điểm tư cách của những người này, nếu mạnh tay thì các trường có thể thu hồi quyết định trúng tuyển nghiên cứu sinh hoặc bằng tiến sĩ.
Ngày 23/11 Cơ quan An ninh điều tra- Bộ Công an công bố kết luận điều tra về những sai phạm của Đại học Đông Đô. Theo đó, căn cứ tài liệu thu giữ được, cơ quan điều tra xác định Đại học Đông Đô đã cấp bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh cho 626 trường hợp, nhưng chỉ có 216 trường hợp có thông tin để xác minh.
Kết quả xác minh xác định trong số 216 trường hợp nêu trên có tới 193 người được cấp bằng không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc không đủ điều kiện để cấp bằng (số bằng này được cấp trong giai đoạn từ tháng 5/2018 đến tháng 3/2019).
Đối với 193 trường hợp được Đại học Đông Đô cấp bằng giả, có 60 trường hợp sử dụng bằng giả này, trong đó có 55 người sử dụng để nộp hồ sơ xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, 1 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, 1 trường hợp thi công chức, 2 trường hợp khai vào hồ sơ cán bộ, 1 trường hợp nộp hồ sơ xét tuyển thạc sỹ.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng làm rõ, mặc dù Đại học Đông Đô không được cấp phép đào tạo văn bằng 2 nhưng từ năm 2015, Bộ GD&ĐT vẫn cho đăng tải thông báo chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy của trường này lên Cổng thông tin của Bộ.
Việc các đơn vị, cá nhân thuộc Vụ Kế hoạch tài chính và Vụ Giáo dục đại học thực hiện thông báo chỉ tiêu tuyển sinh, đăng tải đề án tuyển sinh trong đó có chỉ tiêu văn bằng 2 lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GĐ&ĐT cho Đại học Đông Đô. Trong khi đó, trường này chưa được Bộ GĐ&ĐT cấp phép, như vậy là có dấu hiệu vi phạm quy định về đào tạo cấp bằng đại học thứ 2. Cần làm rõ trách nhiệm liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 16, Nghị định 138/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục, phạt tiền từ 2 - 8 triệu đồng đối với hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác hoặc sử dụng văn bằng chứng chỉ bị tẩy, xóa, sửa chữa.
Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả; Phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng đối với hành vi làm giả văn bằng, chứng chỉ. Đồng thời, có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Bình luận