Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC) vừa có quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Hoàng Thị Hoài, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần PIV (mã PIV).
Theo tài liệu, bà Hoàng Thị Hoài đã sử dụng 42 tài khoản để liên tục mua bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu PIV.
Do hậu quả do hành vi thao túng cổ phiếu PIV của bà Hoài gây ra chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, nên SSC quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Mức phạt là 600 triệu đồng.
Bà Hoài được bầu chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị PIV từ 28/8/2015 và bị miễn nhiệm chức danh hội đồng quản trị của PIV vào ngày 29/06/2018. Theo dữ liệu giao dịch gần nhất vào ngày 6/7/2018, bà Hoài sở hữu hơn 1,6 triệu cổ phiếu PIV, tương ứng với tỷ lệ 9,46%.
Công ty cổ phần PIV thành lập từ 2008 với tên gọi Công ty cổ phần Tư vấn dịch vụ tài sản bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam. Ngành nghề kinh doanh chính ban đầu của PIV là tư vấn thẩm định giá, đầu tư tài chính.
Năm 2011 doanh nghiệp đổi tên thành Công ty cổ phần PIV. Năm 2014, PIV chuyển hướng sang kinh doanh thiết bị y tế, vật liệu xây dựng, cung cấp lắp đặt dây chuyền sản xuất phục vụ các khu công nghiệp, thiết bị dạy nghề.
Vào ngày 19/08/2010, PIV đăng ký niêm yết hơn 18 triệu cổ phiếu và đến ngày 17/11/2010 thông qua phương án phát hành tăng vốn điều lệ lên 30 tỷ đồng.
Mã PIV đang giao dịch trên thị trường với mức giá khoảng 800 đồng/cổ phiếu, chỉ bằng 1/3 giá một cốc trà đá. Thanh khoản cổ phiếu này cũng khá lẹt đẹt.
Tuy nhiên, mã này từng có thời điểm đạt 48.200 đồng/cổ phiếu (ngày 9/10/2017), trước khi lao dốc xuống thấp như hiện nay.
Năm 2019, PIV dự kiến đạt 60 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 3 tỷ đồng và 2,4 tỷ đồng.
Tại báo cáo tài chính 2018, kiểm toán đưa ra hàng loạt ý kiến ngoại trừ đối với PIV. Cụ thể, công ty kiểm toán cho biết không được tham gia chứng kiến kiểm kê tài sản cố định, hàng tồn kho của PIV tại thời điểm 21/12/2018, các thủ tục kiểm toán thay thế không thực hiện được với các khoản mục hàng tồn kho tổng giá trị gần 141 triệu đồng. Do đó, kiểm toán viên không đánh giá được tính hiện hữu và giá trị của các khoản mục hàng tồn kho tại thời điểm 31/12/2018 cũng như ảnh hưởng của chúng cho báo cáo thài chính 2018.
Thứ nữa, liên quan đến khoản đầu tư vào Công ty cổ phần BOT Cầu Thái Hà với giá mua là 34.000 đồng/cổ phiếu, số lượng cổ phần hơn 4,4 triệu đơn vị, tổng giá trị chuyển nhượng hơn 151 tỷ đồng, kiểm toán viên không đánh giá được giá trị hợp lý của giao dịch mua lại khoản đầu tư với các cá nhân vào BOT Thái Hà.
Ngoài ra, liên quan đến khoản ủy thác đầu tư của bà Trịnh Thị Huyền Trang và bà Phạm Thị Mai Hương với số tiền ủy thác tại thời điểm 31/12/2018 lần lượt là 38 tỷ đồng và hơn 17 tỷ đồng. Đến ngày 15/1/2019, bà Trịnh Huyền Trang, bà Phạm Thị Mai Hương đã thanh toán với tổng giá trị lần lượt 37,6 tỷ đồng và 18,6 tỷ đồng, chênh lệch so với số dư gốc tại thời điểm 31/12/2018 lần lượt là 358,5 triệu đồng và 1,5 tỷ đồng.
Kiểm toán viên cho biết không thu thập được đầy đủ các tài liệu liên quan đến thanh toán trên, không đánh giá được tính chính xác số liệu các khoản thanh toán này có được thanh toán cho các hợp đồng ủy thác đầu tư nêu trên hay không, cũng như khả năng thu hồi khoản ủy thác đầu tư cho bà Phạm Thị Mai Hương với số tiền còn thiếu là 358,4 triệu đồng.
Kiểm toán viên đưa ý kiến ngoại trừ rằng không thu thập được đầy đủ các tài liệu liên quan đến việc bù trừ công nợ đối với một số doanh nghiệp nước ngoài.
Cuối cùng, khoản vay trong năm 2018 với ông Ngô Tiến Cương - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị với tổng giá trị khoản vay là 30 tỷ đồng nhưng chưa có sự phê duyệt của Hội đồng quản trị theo quy định. Theo đó, kiểm toán viên không đánh giá dược tính tuân thủ, hiệu lực đối với giao dịch này.
Bình luận