Bộ Ngoại giao Nga gọi lệnh trừng phạt mới đây mà Mỹ áp đặt hôm 26/9 liên quan đến việc “cung cấp nhiên liệu máy bay cho quân đội Nga ở Syria” là một “hành động tiếp tay lộ liễu cho khủng bố”. Trong khi đó, Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) kêu gọi đưa ra biện pháp đáp trả cương quyết.
Trong thông cáo của Cục Thông tin và Báo chí, Bộ Ngoại giao Nga, bình luận về động thái mới đây của Mỹ, có nói rằng với các lệnh trừng phạt mới, Mỹ “cho thấy bản thân đã vượt quá giới hạn liều lĩnh”.
“Washington công khai tuyên bố rằng các hạn chế mới sẽ là sự trừng phạt nhằm vào việc cung cấp nhiên liệu máy bay cho quân đội Nga ở Syria. Trong khi Lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga vẫn luôn hỗ trợ lực lượng chính phủ Syria trong cuộc chiến chống lại các nhóm khủng bố kể từ năm 2015, thì giờ đây Mỹ lại công khai đứng về phía những kẻ khủng bố” - trang web của Bộ Ngoại giao Nga viết.
Bộ Ngoại giao Nga lưu ý Matxcơva nhiều lần tuyên bố rằng Washington đang “bảo trợ” cho những kẻ khủng bố ở Syria, bằng cách cung cấp mọi thứ cần thiết và bảo vệ chúng khỏi các cuộc tấn công.
“Giờ đây, chiếc mặt nạ đã được tháo bỏ hoàn toàn – ý nói về nỗ lực ngăn chặn việc tiêu diệt hoàn toàn những kẻ khủng bố trên đất Syria. Mỹ đã tự quy kết bản thân mình đang tiếp tay cho khủng bố” - Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
Bộ Ngoại giao Nga khẳng định rằng, bất chấp sự kháng cự của Mỹ, Nga sẽ tiếp tục chống khủng bố ở Syria. Đồng thời, Matxcơva cũng “lên án mạnh mẽ sự trơ trẽn và vô nguyên tắc trong chính sách của Washington”.
“Việc Mỹ hỗ trợ những kẻ khủng bố vốn đã được biết đến từ lâu, trước cả khi có các lệnh trừng phạt nhằm vào công ty Nga “Sovfracht” cùng các nhà quản lý. Điều này không phải là một phát hiện mới. Mỹ tạo ra những kẻ khủng bố ở tất cả các quốc gia trên thế giới và tài trợ cho chúng để đáp ứng các mục đích riêng của mình. Không có nhóm khủng bố nào có thể hoạt động mà không cần hỗ trợ kinh tế từ bên ngoài.
Và để chặn đứng sự tiếp tay của Mỹ cho khủng bố, cần phải đánh chừa cái tay đó – theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Có thể bằng các đòn đánh nhắm vào quân sự hoặc kinh tế. Khi đó, Mỹ mới chịu ngừng nuôi dưỡng những kẻ khủng bố. Hiện tại thì chưa có ai có thể yêu cầu người Mỹ cả, họ vẫn đang làm những gì họ muốn” - ông Alexander Sherin, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng của Duma Quốc gia, nhận định.
Nói về sự đáp trả kinh tế đối với Washington, nghị sĩ Nga lưu ý rằng Mỹ quan tâm đến việc thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế và thu về những lợi ích cho bản thân mình, nhưng lại rất tức giận nếu quá trình tương tự xảy ra ở Nga, Trung Quốc hoặc các quốc gia khác không phụ thuộc vào họ.
“Người Mỹ sẽ làm mọi thứ để có những cuộc chiến ở biên giới nước ta, qua đó làm suy yếu nền kinh tế của chúng ta. Những công ty trả thuế cho ngân sách Mỹ và tạo ra nhiều lợi nhuận, ví dụ như các công ty buôn bán vũ khí và năng lượng, sẽ là tốt trong con mắt của Washington. Còn các công ty đóng góp cho ngân sách của Nga hoặc Trung Quốc sẽ đều là xấu.
Do đó, ngày nay Mỹ đang khởi xướng các cuộc chiến kinh tế, vì họ tin rằng không cần thiết phải đối đầu với đối thủ bằng các biện pháp quân sự truyền thống. Mỹ đưa ra các biện pháp trừng phạt và các phương pháp gây áp lực về kinh tế khác. Hiệu quả của chúng đến đâu, thời gian sẽ trả lời, nhưng chúng ta cần phải đưa ra kết luận và câu trả lời với Mỹ, để họ phải hứng chịu thiệt hại về kinh tế. Những biện pháp trừng phạt cạnh tranh như vậy có thể có ảnh hưởng đến hành vi của các đối tác nước ngoài, có nguy cơ dẫn tới một sự đáp trả quân sự thực sự” - ông Sherin kết luận.
Bình luận