• Zalo

Đức tuyển hàng ngàn giáo viên dạy trẻ em tị nạn

Thế giới Thứ Hai, 28/12/2015 11:03:00 +07:00Google News

Đức đã tuyển thêm 8.500 giáo viên để dạy cho những trẻ em tị nạn nước ngoài trên toàn liên bang.

Đức đã tuyển thêm 8.500 giáo viên để dạy cho những trẻ em tị nạn nước ngoài trên toàn liên bang.

Nhật báo Đức Die Welt ngày 27/12 cho biết Đức đã tuyển thêm 8.500 giáo viên để dạy cho những trẻ em tị nạn nước ngoài trên toàn liên bang, trong bối cảnh dòng người di cư mới tới Đức được dự đoán sẽ tăng vọt vượt qua mốc 1 triệu người trong năm 2015.

Theo số liệu điều tra tại 16 bang của Đức, khoảng 196.000 trẻ em theo gia đình chạy trốn chiến tranh và nghèo đói từ Syria và Iraq đã nhập học tại Đức trong năm nay, nước này cũng đã mở tới 8.246 "lớp học đặc biệt" để giúp số trẻ trên có thể theo kịp chương trình học với các trẻ em bản địa.
Trẻ tị nạn Syria - Ảnh minh họa
Trẻ tị nạn Syria - Ảnh minh họa 
Theo giới chức ngành giáo dục Đức, 325.000 trẻ em trong độ tuổi đến trường đã tới quốc gia Liên minh châu Âu (EU) này trong cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất châu Âu kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Giới chuyên gia cho rằng hệ thống trường học và các cơ quan quản lý giáo dục Đức đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất từ trước tới nay khi hơn 1 triệu người tìm kiếm tị nạn, trong đó có rất nhiều trẻ em, được dự đoán tới Đức trong năm nay.

Số người tị nạn tới Đức trong năm cao hơn 5 lần so với năm 2014 cũng đã đặt ra những áp lực lớn đối với Đức trong việc cung cấp các dịch vụ cần thiết cho tất cả những đối tượng trên.

Ước tính Đức cần thêm 20.000 giáo viên mới đủ đáp ứng việc giảng dạy cho số trẻ em tị nạn mới tới.

Trong một diễn biến liên quan tới người di cư, Thủ tướng Đan Mạch Lars Loekke Rasmussen cùng ngày cho biết ông sẽ kêu gọi xem xét lại Công ước Liên hợp quốc về người tị nạn, trong bối cảnh châu Âu đang phải đối mặt với dòng người di cư ồ ạt kéo tới.

Phát biểu trên kênh truyền hình TV2 của Đan Mạch, ông Rasmussen nhấn mạnh nếu tình hình di cư tiếp tục tồi tệ hơn, các nước châu Âu sẽ phải kêu gọi sửa đổi hiệp ước L​iên hợp quốc về người tị nạn, được thông qua từ năm 1951, để quy định rõ ràng hơn những quyền lợi mà người tị nạn được phép tại quốc gia đầu tiên họ tới tị nạn.

Ông Rasmussen cho rằng EU nên dẫn đầu nỗ lực thay đổi công ước này, vốn đã quá cũ kỹ khi được phê chuẩn chỉ 6 năm sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ 2.

Theo số liệu điều tra, từ tháng 1-11/2015, có tới 18.000 người đã nộp đơn xin tị nạn tại Đan Mạch, quốc gia nhỏ bé với khoảng 6 triệu người này hiện được coi là một trong những nước châu Âu có chính sách với người di cư gây nhiều tranh cãi.

Mới đây nhất là kế hoạch tịch thu tiền mặt và các vật dụng quý giá của người di cư, dự kiến sẽ được Quốc hội Đan Mạch bỏ phiếu vào tháng 1/2016.

Nguồn: Vietnam+
Bình luận
vtcnews.vn