• Zalo

Đưa robot vào điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại TP.HCM

Tin tứcThứ Ba, 24/08/2021 22:45:05 +07:00Google News

Robot đưa vào điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng sẽ nói chuyện với bệnh nhân và thông tin tình hình ra bên ngoài, đồng thời vận chuyển thức ăn vào phòng bệnh.

Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 của Bệnh viện Trung ương Huế (Trung tâm trong khuôn viên Bệnh viện Dã chiến 14 TP.HCM) triển khai những thiết bị hiện đại nhất để điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, trong đó có robot.
Giảm thiểu tối đa bệnh nhân thiệt mạng
Có mặt tại trung tâm chiều tối 24/8 mới thấy tần suất làm việc hối hả của thầy thuốc tại đây đón nhận bệnh nhân nặng từ các bệnh viện chiến và các cơ sở y tế tuyến huyện chuyển lên. Các lối đi vào trung tâm được phân luồng khoa học. Trước khi tiếp nhận, thông tin về tình hình từng ca bệnh được trung tâm nắm vững nên phân loại được ngay và đưa luôn vào phòng điều trị một cách nhanh nhất.
Đưa robot vào điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại TP.HCM - 1

Điều trị bệnh nhân tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 của Bệnh viện Trung ương Huế (trong khuôn viên Bệnh viện Dã chiến 14 TP.HCM).

Để công tác vận hành máy móc và cứu chữa bệnh nhân COVID-19 nặng tốt nhất, sáng 24/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đến kiểm tra trung tâm và động viên tinh thần các y, bác sĩ tại đây.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, với sự phối hợp của TP.HCM, Bộ Y tế triển khai 4 Trung tâm Hồi sức người bệnh COVID-19 do các bệnh viện Trung ương phụ trách đóng trên địa bàn TP.HCM.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho hay: “Cũng như các trung tâm còn lại, trung tâm này của Bệnh viện Trung ương Huế được chuẩn bị kỹ lưỡng về trang thiết bị và nhân lực. Các thiết bị đều rất hiện đại, vật tư y tế, thuốc men được huy động đầy đủ để điều trị các bệnh nhân COVID-19 nặng”.
GS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, máy thở, oxy, robot lẫn các thiết bị khác lắp đặt hoàn chỉnh và chạy thử, đáp ứng tốt nhu cầu điều trị. Tất cả y, bác sĩ xác định làm việc với tinh thần cao nhất.
Hiện có gần 400 y, bác sĩ có mặt tại trung tâm, trong đó lực lượng chủ lực là các y, bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế. Bên cạnh đó còn có Bệnh viện C Đà Nẵng, Việt Nam - Cuba Đồng Hới, Đa khoa Trung ương Quảng Nam…
Trong giai đoạn đầu, trung tâm sẽ tiếp nhận bệnh nhân một cách nhịp nhàng để đảm bảo các hệ thống máy thở, máy theo dõi sinh tồn hoạt động ổn định. Khi trung tâm hoạt động thông suốt sẽ tiếp nhận lượng bệnh nhân nặng rất lớn. Các phác đồ điều trị được làm theo đúng chỉ dẫn của Bộ Y tế nên hy vọng rằng sẽ giành giật lại được nhiều sự sống cho người bệnh.
Đưa robot vào điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại TP.HCM - 2

 Điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 tại TP.HCM.

Trưởng phòng Quản lý phòng bệnh và Cơ sở vật chất (Bệnh viện Trung ương Huế) Huỳnh Phúc Minh cho biết thêm: "Trung tâm được phân chia thành 4 nhóm giường: “90 bệnh nhân giường hồi sức nguy kịch, 162 giường bệnh nhân hồi sức nặng, 252 giường bệnh nhân thoát hồi sức và bệnh nhân nặng phải thở oxy, 100 giường bệnh nhân theo dõi. Ngoài ra còn 8 giường cấp cứu và đón bệnh”.
Các trang thiết bị tối tân nhất quy tụ tại đây sẽ là “vũ khí” quan trọng điều trị cho người bệnh.
Robot tham gia điều trị bệnh nhân nặng
Trước khi bước vào quá trình dài đầy gian khó và áp lực để chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng, các y, bác sĩ được tập huấn kỹ mọi vấn đề về chống nhiễm khuẩn, vận hành máy thở, sử dụng các loại thuốc, trấn an tâm lý người bệnh…
Đưa robot vào điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại TP.HCM - 3

 Robot của Bệnh viện Trung ương Huế đưa vào Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 tại TP.HCM.

Bác sĩ Huỳnh Phúc Minh chia sẻ, lượng bệnh nhân được tiếp nhận sẽ nhiều lên, ai cũng sẵn sàng làm việc gấp 2-3 lần công suất với mong ước và khát vọng lớn nhất là người bệnh thoát khỏi tình trạng nguy kịch. Đây là tuyến điều trị ở tầng cao nhất, nên xác định giảm nhẹ tình trạng của bệnh nhân nặng là mục tiêu hàng đầu.
Ngoài chuyên gia, y, bác sĩ giàu chuyên môn, nhiệt huyết, các công nghệ và thiết bị như robot cũng đưa vào hoạt động. Robot sẽ nói chuyện với bệnh nhân và thông tin tình hình ra bên ngoài. Đồng thời robot còn vận chuyển thức ăn, đồ uống, vật tư tiêu hao vào phòng bệnh.
Robot này giúp y, bác sĩ giảm áp lực khi hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân, tránh bị lây nhiễm trong quá trình điều trị cũng như góp phần giảm lây lan COVID-19 ra cộng đồng. Robot do bác sĩ Huỳnh Thúc Minh trực tiếp nghiên cứu, sản xuất tại Bệnh viện Trung ương Huế và 3 con robot như vậy được đưa tới trung tâm.
Một số điều dưỡng đang túc trực tại trung tâm bộc bạch, ngay khi có sự điều động của Bộ Y tế, ai cũng hăng hái xung phong lên đường vào tâm dịch. Khi nào TP.HCM bình yên trở lại, người bệnh xuất viện hết thì mới trở về nhà.
Trong quá trình hoàn thiện trung tâm, mỗi điều dưỡng cũng được trang bị đầy đủ kiến thức về bệnh COVID-19. Bây giờ tất cả đều tự tin sát cánh bên bệnh nhân, xem họ như người nhà để chăm sóc tận tâm nhất.
Song song với việc tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, Bệnh viện Trung ương Huế kết nối với quận 10; quận 12; quận Tân Phú… để kịp thời hỗ trợ chuyên môn về hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 cho cơ sở y tế ở các quận này theo sự phân công của Bộ Y tế.
(Nguồn: Kinh tế Đô thị)
Bình luận
vtcnews.vn