Kết quả này đã góp phần hết sức quan trọng vào việc đưa quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược Việt Nam -Thái Lan lên một tầm cao mới, thực chất và hiệu quả hơn, đáp ứng mong đợi của Chính phủ và nhân dân hai nước .
Quan hệ đối tác chiến lược: Cùng nhau lớn mạnh
Việt Nam và Thái Lan thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1976. Quan hệ hai nước bắt đầu khởi sắc từ sau chuyến thăm chính thức Thái Lan tháng 9/1978 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Từ năm 1991 đến nay, quan hệ hai nước ngày càng được cải thiện và phát triển mạnh, nhất là sau khi Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN năm 1995. Năm 2004, hai nước tiến hành họp Nội các chung lần thứ nhất.
Đây là cơ chế hợp tác song phương tầm vĩ mô do Thủ tướng hai nước đồng chủ trì, đề ra các định hướng lớn trong quan hệ hữu nghị hợp tác hai nước.
Năm 2013, Việt Nam và Thái Lan chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược nhân chuyến thăm Thái Lan của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (từ ngày 25 đến 27/6/2013), trở thành quốc gia Đông Nam Á duy nhất mà Thái Lan xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược.
Hiện cả hai đang xây dựng mối quan hệ đó thêm bền chặt. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chanocha (từ ngày 27 đến 28/11/2014), hai bên đã ký Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Thái Lan giai đoạn 2014-2018.
Trong năm 2016, Việt Nam và Thái Lan triển khai các hoạt động sôi nổi tại cả hai nước để kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ Ngoại giao (6/8/1976 – 6/8/2016). Hai bên thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao sang thăm lẫn nhau.
Thông qua các chuyến thăm, nhiều cơ chế hợp tác song phương đã được hai nước thông qua và hoạt động rất hiệu quả. Nổi bật là các cơ chế: Họp nội các chung Việt Nam - Thái Lan; Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam - Thái Lan; Tham khảo chính trị cấp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao hai nước… Hai nước đã ký nhiều hiệp định, thỏa thuận hợp tác, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực. Kể từ đầu năm 2015, hai bên nhất trí mở kênh hợp tác lao động - một lĩnh vực hợp tác mới đang được thúc đẩy.
Quan hệ song phương giữa hai nước đang tiến đến một tầm cao mới với sự tham gia mạnh hơn của các yếu tố mang tính chiến lược và kinh tế.
Cả hai quốc gia nhận thấy có thể cùng nhau lớn mạnh. Tại thời điểm này, như những gì mà một quan chức ngoại giao cấp cao Thái Lan nhận định, không một yếu tố nào có thể gây gián đoạn hoặc làm suy yếu mối quan hệ hợp tác giữa Thái Lan – Việt Nam.
Thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Thái Lan đi vào chiều sâu, hiệu quả
Diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan được củng cố và ngày càng phát triển tốt đẹp, chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam; qua đó góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan, thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Thái Lan đi vào chiều sâu, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động, hàng không, giao thông vận tải, nông lâm ngư nghiệp, du lịch, hợp tác địa phương và quốc phòng an ninh.
Trên phương diện đối ngoại song phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm hết sức thành công với Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayut Chan-ocha.
Hai nhà lãnh đạo đã khẳng định nỗ lực đưa kim ngạch thương mại song phương đạt mức 20 tỷ USD trước năm 2020; hỗ trợ nhau trở thành trung tâm thu hút đầu tư thương mại của khu vực; nhất trí tạo điều kiện cho hàng hóa mỗi nước tiếp cận thị trường của nhau; thúc đẩy hợp tác về gạo.
Thủ tướng Prayut Chan-ocha khẳng định khuyến khích các doanh nghiệp Thái Lan tăng cường đầu tư vào những lĩnh vực thiết yếu cho phát triển của Việt Nam như du lịch, công nghiệp phụ trợ, tài chính, ngân hàng, khoa học công nghệ, nông thuỷ sản.
Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định cũng như an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông; nhấn mạnh các bên cần bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); xây dựng, duy trì và nâng cao lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau; tôn trọng các nguyên tắc tự kiềm chế và không sử dụng vũ lực; giải quyết các khác biệt và tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Hai nhà lãnh đạo cũng tái khẳng định ủng hộ ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Đặc biệt trong cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha, hai nhà lãnh đạo cùng nhấn mạnh hợp tác an ninh-quốc phòng là một trong các trụ cột của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Thái Lan; tái khẳng định cam kết không cho phép cá nhân hay tổ chức lợi dụng lãnh thổ nước này để tiến hành các hoạt động chống phá nước kia.
Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm nhằm ngăn chặn tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp (IUU). Hai bên nhất trí đẩy mạnh kết nối vận tải đa phương thức bao gồm cả đường bộ, đường biển và hàng không giữa hai nước và trong tiểu vùng như tuyến xe buýt nối Thái Lan – Lào – Việt Nam, tuyến vận tải ven biển giữa Thái Lan – Campuchia – Việt Nam; mở thêm 5 chặng bay mới kết nối trực tiếp các tỉnh Việt Nam và Thái Lan để phát triển du lịch.
Trong quan hệ xúc tiến đầu tư Việt Nam – Thái Lan, hai Thủ tướng đã chứng kiến Lễ ký kết nhiều văn kiện quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, ngân hàng...
Về nội dung xúc tiến đầu tư – một thành công nổi bật là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Diễn đàn Hợp tác kinh tế Việt Nam – Thái Lan cùng hơn 500 doanh nghiệp hai nước. Hoạt động thương mại, đầu tư được xem là điểm sáng trong chuyến thăm lần này với việc hai bên đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 20 tỷ USD vào năm 2020.
Hiện Thái Lan đứng thứ 10/116 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 458 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt gần 8,2 tỷ USD, chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, thương nghiệp và nông, lâm nghiệp, thủy sản.
Các dự án đầu tư của Thái Lan đã có mặt tại 41/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Trong khi Việt Nam cũng có 11 dự án đầu tư tại Thái Lan, chủ yếu trong các lĩnh vực bất động sản, đồ dùng gia đình, du lịch, phần mềm máy tính…
Sự tương đồng về văn hóa, xã hội là cơ sở thuận lợi để Việt Nam và Thái Lan tăng cường giao lưu giữa nhân dân hai nước. Một trong những thành công đặc biệt trong chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần này chính là hoạt động đối ngoại nhân dân.
Đáng chú ý, không chỉ dành thời gian tiếp Chủ tịch Hội Hữu nghị Thái Lan - Việt, Thủ tướng đã có tới 3 lần gặp gỡ cộng đồng, bà con kiều bào, doanh nhân Việt kiều và các hội đoàn người Việt tại Thủ đô Bangkok và tỉnh Nakhon Phathom.
Cũng trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng đoàn cấp cao Việt Nam đã tới dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ Bác Hồ tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bản Mạy, tỉnh Nakhon Phathom. Không chỉ là công trình tưởng niệm Bác Hồ có quy mô lớn nhất từ trước tới nay được xây dựng tại Thái Lan, đây còn là một công trình văn hóa, lịch sử được xây dựng bởi sự kết hợp giữa tâm nguyện tha thiết của bà con Việt kiều tại Thái Lan và tình cảm của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
“Động cơ lõi kép” của ASEAN
ASEAN có 10 nước thành viên, trong đó 5 nước trong lục địa (Myanmar, Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia). Trong số 5 nước ở lục địa, Việt Nam và Thái Lan là hai nước tương đối phát triển. Dân số hai nước chiếm tới 1/3 dân số của cả Cộng đồng ASEAN, tổng GDP của hai nước cũng bằng 1/3 GDP của Cộng đồng ASEAN. Do vậy, vai trò sự hợp tác về kinh tế của hai nước có ảnh hưởng rất lớn. Trước hết là hợp tác kết nối của các nước trong khu vực lục địa gồm 5 nước trên, qua đó góp phần thúc đẩy vào sự phát triển của Cộng đồng ASEAN.
Trong 40 năm qua, Việt Nam và Thái Lan đã có truyền thống trong việc cùng nhau hợp tác giải quyết những vấn đề chung. Với sự năng động của nền ngoại giao Việt Nam, sự hợp tác hai nước sẽ góp phần rất lớn vào sự củng cố, hợp tác đoàn kết trong ASEAN.
Đối với vấn đề Biển Đông, Thái Lan luôn là một trong những nước đi tiên phong trong việc tìm kiếm giải pháp, xây dựng nền hòa bình, ổn định ở Biển Đông, đảm bảo môi trường hòa bình cho sự phát triển ở mỗi nước ASEAN.
Là thành viên của cộng đồng ASEAN và các tổ chức tiểu vùng khác, Thái Lan và Việt Nam được ví như một động cơ lõi kép có thể giúp nâng tầm kinh tế khu vực, đồng thời tạo ra công bằng xã hội và ổn định tại tiểu vùng sông Mê Công. Mỗi quốc gia có các hành lang kinh tế riêng kết nối với Myanmar, Lào và Campuchia. Hai quốc gia cần điều chỉnh các kế hoạch phát triển kinh tế vĩ mô, tăng khả năng hỗ trợ lẫn nhau, đảm bảo các các kế hoạch được triển khai thực hiện hiệu quả.
Thái Lan và Việt Nam là hai quốc gia đóng vai trò then chốt trong việc quyết định cục diện khu vực. Mối quan hệ nhiều năm giữa Việt Nam và Thái Lan với hai quốc gia lớn là Trung Quốc và Mỹ đã tạo ra một động lực mới trong khu vực giúp hai nước khẳng định tầm ảnh hưởng chiến lược chưa từng có tại khu vực. Chừng nào mà mối quan hệ Thái Lan – Việt Nam còn được duy trì ổn định, hòa bình và thịnh vượng sẽ tiếp tục là xu thế chung tại khu vực Đông Nam Á lục địa.
Bình luận