Thầy N.Q.T, hiệu trưởng một trường tiểu học (Hà Nội) đề xuất, Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ nên nghiên cứu, điều chỉnh quy định về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp dành cho giáo viên. Liên Bộ có thể đưa nội dung bồi dưỡng chứng chỉ nghề nghiệp tích hợp trong đào tạo tại các trường sư phạm, thậm chí có thể xây dựng thành một môn học. Điều này mang đến nhiều lợi ích dành cho giáo viên, giảm bớt gánh nặng về thời gian, công sức, tiền bạc.
Theo thầy T. phương án bồi dưỡng chứng chỉ nghề nghiệp ngay từ trong trường sư phạm sẽ mang đến nhiều ưu điểm.
Thứ nhất, giáo viên sẽ được học một mạch về chuyên môn, không phải mất công theo học lớp bồi dưỡng chứng chỉ sau khi đã ra trường. Hiện có những thầy cô giảng dạy 20, 30 năm vẫn phải học các lớp bồi dưỡng. Điều này phần nào tạo áp lực cho những giáo viên cao tuổi trong khi thời gian dành cho công việc của họ bận rộn. Ở độ tuổi sinh viên sẽ có thời gian và tâm sức để dành trọn cho các nội dung này.
Thứ hai, nhiều nội dung trong 11 chuyên đề bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đang trùng với một số môn học tại các trường sư phạm. Vì thế việc tích hợp giảng dạy chương trình bồi dưỡng chứng chỉ nghề nghiệp rất hợp lý và giảm bớt gánh nặng cho giáo viên.
Thứ ba, bồi dưỡng chứng chỉ nghề nghiệp tại trường sư phạm sẽ giảm bớt thủ tục hành chính làm khổ giáo viên. Khi sinh viên ra trường sẽ có bằng cử nhân sư phạm, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Đương nhiên Bộ GD&ĐT sẽ phải tính toán việc sinh viên sử dụng chứng chỉ này thế nào? Nhưng có thể coi đây là tờ giấy thông hành cho sinh viên sư phạm bước vào nghề. Bởi cử nhân sư phạm sau khi tốt nghiệp đương nhiên đã đủ điều kiện để có thể đứng trên bục giảng.
Thứ tư, bồi dưỡng chứng chỉ nghề nghiệp tại trường sư phạm sẽ giải tỏa gánh nặng chi phí cho giáo viên so với việc phải bỏ ra từ 2,5-3 triệu đồng cho vài buổi học tại các lớp bồi dưỡng.
“Ý tưởng tích hợp nội dung bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp trong đào tạo tại trường sư phạm là ý kiến đáng được lưu tâm. Chúng ta có thể coi đây như nội dung môn học và chứng chỉ này sẽ là tấm vé thông hành cho sinh viên sư phạm bước vào đời. Điều này có thể so sánh với những quy định về chuẩn đầu ra của sinh viên tại một số trường đại học. Nếu làm được như vậy ngành giáo dục sẽ tiết kiệm được một số tiền tương đối lớn”, thầy T nói.
Cô giáo T.T.H (Nghệ An) không phản đối yêu cầu chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, nhưng cô cho rằng nên có những điều chỉnh để hợp lý hơn và giáo viên không có bức xúc.
Cô đề xuất, các địa phương nên thống kê, sau đó tổ chức bồi dưỡng chứng chỉ cho giáo viên trong khoảng thời gian cố định. Chẳng hạn, Sở GD&ĐT sẽ ấn định cuối tháng 3, giáo viên toàn tỉnh sẽ tập trung bồi dưỡng chứng chỉ nghề nghiệp. Như vậy sẽ tránh được tình trạng đào tạo manh mún, gây phiền hà cho giáo viên. Đồng thời, các địa phương nên thống nhất hợp tác với một đơn vị đào tạo và phối hợp xây dựng mức học phí sao cho phù hợp. Đối với mức học phí từ 2,5-3 triệu đồng cho từ 5 đến 8 buổi học trực tuyến, nhiều giáo viên cho rằng quá cao, tạo gánh nặng cho thầy cô.
Theo GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch thường trực Hội khuyến học Việt Nam, lo lắng lớn nhất là giáo viên đi học các lớp bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp không phải vì mục đích nghiệp vụ, nâng cao chuyên môn mà lo bị xếp là giáo viên hạng II,III. Điều này sẽ ảnh hưởng đến thu nhập trong khi đồng lương của họ vốn đã thấp. Đây có thể coi là một bất cập trong lộ trình trả lương theo vị trí việc làm.
Bản chất giáo viên trước khi giảng dạy đã được đào tạo và công nhận nghề nghiệp sư phạm. Do đó không cần thiết phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Vì thế, việc giáo viên phải bỏ 2,5 đến 3 triệu đồng cho vài buổi học không mang đến hiệu quả mà sẽ gây lãng phí.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa đặt người lao động vào vị trí phải học tập suốt đời thì nên chuyển từ quản lý theo quy định cứng bằng chứng chỉ, bằng cấp sang quản lý theo năng lực. Chẳng hạn mỗi năm, các đơn vị sẽ đặt hàng các trường sư phạm về bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên đang làm việc. Giáo viên thiếu và yếu chỗ nào sẽ tập trung bồi dưỡng nội dung đó. Cách làm này sẽ mang đến hiệu quả thay vì chỉ đi học để lấy chứng chỉ lại tốn kém thời gian, tiền bạc.
“Bộ GD&ĐT nên thúc đẩy đội ngũ giáo viên tự học, tự nâng cao năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu cần thiết của giáo viên đứng trên bục giảng chứ không phải học để đạt mục đích trang bị chứng chỉ chức danh nghề nghiệp”, giáo sư Dong nói.
Bình luận