Sáng 29/8, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã tổ chức lễ tiếp nhận đất thiêng từ Trường Sa vào đàn Xã Tắc.
Ông Phan Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, đây là một trong những hoạt động mang ý nghĩa như một sự khẳng định chủ quyền non sông liền một dải từ đất liền ra biển đảo.
Điều đó khẳng định khát vọng về một vùng biển hòa bình, đồng thời tiếp thêm sức mạnh cho chiến sỹ, đồng bào đang ngày đêm bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Trước đó vào ngày 22/5, những hộp đất từ các địa danh linh thiêng của Tổ quốc đã được các đại biểu tiếp nhận, đưa lên con tàu HQ966, bắt đầu hành trình hồn quê đất nhà gửi Trường Sa.
Đất thiêng này được các đơn vị tiếp nhận từ những nơi linh thiêng của Tổ quốc như: cột cờ Lũng Cú (Hà Giang); Cố đô Huế; Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đền Hùng; Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn và đồi A1 Điện Biên Phủ.
Video: Đội tàu vỏ thép giương cao khẩu hiệu 'Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam' xuất quân ngày đầu năm
Những nắm đất thiêng gửi ra biển đảo đã giúp các cán bộ, chiến sỹ và người dân ở quần đảo Trường Sa như cảm thấy hồn quê, có đất mẹ dưới chân mình, cảm nhận được hồn cốt dân tộc, cảm nhận được sức mạnh và ý chí trong từng tấc đất có xương máu của cha anh.
Sau khi trao những nắm đất thiêng từ khắp mọi miền của Tổ quốc, đoàn cũng tiếp nhận những khuôn đất từ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa mang về để hòa vào đàn Xã Tắc với ý nghĩa xã tắc non sông vẹn toàn.
Điều đó thể hiện Trường Sa luôn ở trong lòng những người dân Việt Nam và thể hiện ý chí, sức mạnh trường tồn, sự nối liền không thể chia cắt của non sông Việt Nam.
Trong mỗi nắm đất Trường Sa có thấm máu, mồ hôi, công sức, của bao thế hệ đã quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Bình luận