Báo cáo tài chính quý I/2019 của Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc, mã chứng khoán DHB) cho thấy kết quả kinh doanh bết bát khi tiếp tục lỗ hơn 56,3 tỷ đồng.
Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong 3 tháng đầu năm của Đạm Hà Bắc là 734,6 tỷ đồng, tăng 7,24% so cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, do giá vốn bán hàng tăng 5,81% lên 604 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp chỉ còn 130,3 tỷ đồng.
Doanh thu từ hoạt động tài chính bất ngờ tăng vọt, lên 35,6 tỷ đồng, gấp 22,2 lần năm trước.
Chi phí tài chính trong kỳ là 184,8 tỷ đồng, tăng 8,8%. Chi phí bán hàng là 17 tỷ đồng, tăng 27,8%. Chi phí quản lý doanh nghiệp xấp xỉ cùng kỳ 2018, khoảng 20 tỷ đồng.
Theo báo cáo hợp nhất, Đạm Hà Bắc lỗ ròng 53 tỷ đồng, mặc dù doanh thu tăng 6,6%.
Đạm Hà Bắc cho biết, quý I năm nay dây chuyền chạy máy 87,5 ngày, có 1 lần ngừng máy nguyên nhân do tự ngừng máy nén Man tại xưởng Phân lý không khí, thời gian ngừng máy là 2,48 ngày.
Thị trường NH3 và Ure thế giới liên tục giảm từ đầu năm, kéo giá trong nước giảm theo. Trong nước, để cạnh tranh, các đơn vị đưa ra nhiều chính sách giá áp dụng cho nhiều đối tượng, dẫn tới diễn biến thị trường cạnh tranh quyết liệt và rất phức tạp.
Vẫn theo Đạm Hà Bắc, tình hình cung ứng than hết sức khó khăn, có thời điểm phải giảm tải lò hơi để duy trì sản xuất. Hiện giá than cám trong quý tăng 65.000 đồng/tấn, giá điện tăng 8.36% làm tăng chi phí của doanh nghiệp.
Tính đến hết tháng 3, lỗ lũy kế của Đạm Hà Bắc tăng lên 2.705 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ còn 56 tỷ đồng.
Đạm Hà Bắc hiện đạt tổng tài sản hơn 9.334 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang gánh khoản nợ hơn 9.334 tỷ đồng, trong đó nợ dài hạn 6.577 tỷ đồng.
Trên sàn chứng khoán, mã DHB giao dịch dưới sàn (6.500 đồng/cổ phiếu) nhưng luôn trong tình trạng không có thanh khoản.
Đạm Hà Bắc tiền thân là Nhà máy Phân đạm Hà Bắc, khởi công xây dựng từ đầu năm 1960. DHB vốn dược xem là “đứa con đầu lòng” của ngành sản xuất đạm Việt Nam, tuy nhiên bị rơi cảnh sa sút từ khi hoàn tất dự án mở rộng sản xuất vào năm 2015.
DHB hiện có 97,6% vốn của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và nằm trong danh sách 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành công thương.
Bình luận