• Zalo

Dự thảo tinh giản 100.000 công chức 'cắp ô' gây lo lắng

Thời sựThứ Bảy, 08/02/2014 08:19:00 +07:00Google News

(VTC News) - Nhiều độc giả bày tỏ sự lo lắng của mình trước dự thảo tinh giản 100.000 biên chế mà Bộ Nội vụ đưa ra.

Sau khi Bộ Nội vụ vừa công bố dự thảo nghị định của Chính phủ về việc tinh giản biên chế để lấy ý kiến người dân được đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều độc giả đã bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng.
Nhiều điểm mới, có khả thi?

Dự thảo này khẳng định việc tinh giản biên chế theo nghị định 132 (đã hết hiệu lực từ năm 2012) và các quy định pháp luật trong thời gian qua đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách tinh giản biên chế trước đây còn nhiều hạn chế, trong đó có việc chưa thật sự giảm được những người cần giảm; tình trạng người chưa đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa được khắc phục.

Trong số các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có việc không cương quyết, nể nang, né tránh, ngại va chạm, muốn giữ ổn định tổ chức, bộ máy và biên chế hiện tại. Cùng với đó là không thực hiện tốt việc rà soát, phân loại để có căn cứ đưa vào diện tinh giản biên chế.

Tranh biếm họa về việc tinh giản biên chế. Nguồn: Internet.

Kế thừa những quy định tại nghị định 132 trước đây, dự thảo nghị định bổ sung một số quy định về trường hợp tinh giản như sau:

Một là những người có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm nhưng không thể bố trí việc làm khác. Quy định này nhằm giúp việc sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đúng ngành, nghề đào tạo.

Hai là, những người có hai năm liên tiếp được phân loại, đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực, hoặc có hai năm liên tiếp, trong đó có một năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và một năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp.

Quy định này nhằm tạo điều kiện cho việc đưa ra khỏi bộ máy những trường hợp có năng lực yếu qua việc đánh giá, phân loại hằng năm để góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Ba là, người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước, nay doanh nghiệp đó không còn phần vốn nhà nước nhưng không bố trí được vào vị trí công tác mới.

Quy định này rất cần thiết nhằm giải quyết chế độ, chính sách cho một số cán bộ, công chức trước đây được cử sang làm đại diện quyền sở hữu phần vốn nhà nước trong doanh nghiệp đã cổ phần hóa, nay cổ phần của Nhà nước đã bán hết, những đối tượng này không thể bố trí công việc khác tại cơ quan cũ.

Dự kiến sau sáu năm (từ 2014-2020) thực hiện tinh giản biên chế khoảng 100.000 người với tổng kinh phí thực hiện là 8.000 tỷ đồng. Trong đó khoảng 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết thôi việc.
Lo 'giảm cứ giảm, tuyển cứ tuyển'

Là một công chức nhà nước, độc giả Trần Văn Nguyên (Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ những điểm lắng về những điểm mới trong dự thảo nghị định tinh giản biên chế này khi cho rằng, việc tinh giản biên chế đã được thực hiện khá lâu nhưng tinh giản vẫn cứ tinh giản, tuyển vẫn cứ tuyển.

“Các cơ quan nhà nước tiếp tục ‘phình to’, nhân sự tuyển vào tràn lan, nội dung thi cử sơ sài, thiếu chặt chẽ, thêm vào đó là nạn ‘chạy công chức’ khiến số lượng công chức được tuyển vào không đảm bảo về chất lượng càng tăng thêm… bây giờ nói giảm quả thực là điều không dễ” – anh Nguyên bày tỏ.

Theo anh Nguyên, nếu dự thảo không quy định rõ các tiêu chí cũng như không thực hiện đánh giá một cách khách quan chất lượng, hiệu quả của công chức thì chính những người làm được việc nhưng không có “quan hệ”, không biết “chạy chọt” lại bị tinh giản, trong khi số người “có quan hệ” nhưng yếu kém vẫn được ở lại.

Cùng quan điểm với anh Nguyên, độc giả Nguyễn Cao Tuấn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng, nói tinh giản 100.000 biên chế “nghe thì dễ, làm mới nảy sinh nhiều vấn đề”.

“Tôi thấy rằng, nhiều địa phương trước đây thực hiện tinh giản biên chế nhưng vì nể nang, vì quan hệ cũng như các tiêu chí đánh giá chưa rõ ràng nên không xác định được người nào đáng bị loại bỏ. Và để thực hiện đủ chỉ tiêu, các địa phương lại tiếp tục ‘đẻ’ ra các cơ quan mới để điều chuyển nhân sự, hợp lý hóa công chức. Việc này không những không tin giản được biên chế mà càng làm cho biên chế càng tăng thêm, tiêu cực nảy sinh rồi đâu lại vào đấy” – độc giả Tuấn chia sẻ.
Từ phân tích trên, bạn Tuấn cho rằng, không nên đặt chỉ tiêu hay dự kiến con số biên chế sẽ bị tinh giản 100.000 hay con số nào khác mà trước hết, cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng và thực hiện một cách nghiêm túc đánh giá chất lượng công chức, ai yếu kém hoặc không đủ năng lực thực hiện công việc thì kiên quyết loại bỏ. Đặc biệt là thực hiện một cách khách quan thi tuyển để đảm bảo tuyển được người có năng lực thực sự, người yếu kém bị loại ngay từ đầu chứ không phải tuyển vào mà không làm được việc, phải mất tiền tinh giản. 

“Có một thực tế là ai tinh giản thì cứ tinh giản, ai ‘chạy công chức’ thì vẫn cứ chạy, giảm được một thì tuyển vào mười… nên tôi rất mong cùng với dự thảo lần này, Bộ Nội vụ sẽ có biện pháp chấn chỉnh, xóa bỏ được nạn ‘chạy chọt’ vào biên chế để đảm bảo hiệu quả” – độc giả Tuấn nói.

 

Trong khi đó, độc giả Nguyễn Hoài Trang (Thạch Hà, Hà Tĩnh) cho rằng, số tiền 8.000 tỷ đồng để chi cho việc tinh giản biên chế lần này nếu không có quy định chặt chẽ sẽ trở nên lãng phí bởi thực tế, dựa vào chính sách giảm biên chế, nhiều công chức có năng lực được doanh nghiệp, các cơ quan khác mời ra ngoài làm việc để rời cơ quan để vừa hưởng lương cao vừa được một số tiền về hưu sớm không hề nhỏ từ việc nghỉ hưu sớm.

Một số khác thì tranh thủ ‘chạy chọt’ để vào biên chế, những người này thì năng lực kém.

“Cái vòng luẩn quẩn tuyển dụng - giảm biên chế -tuyển dụng cứ xoay vòng, cuối cùng thì tốn tiền của dân mà thôi” – bạn Trang nói.

Cho rằng cùng với việc xác định số lượng biên chế bị tinh giản, bạn Phan Cao Thái (Bắc Ninh) đề xuất ý kiến về việc, cơ quan biên soạn cần xây dựng rõ các tiêu chí đánh giá và đối tượng bị tinh giản để đảm bảo công bằng, khách quan.

“Tôi thấy việc giảm biên chế còn phụ thuộc vào ý muốn hay thái độ của lãnh đạo đơn vị, nếu công chức nào được ưu ái sẽ được giao việc phù hợp, dễ dàng hoàn thành nhiệm vụ nhưng những người không được ưu ái, dù có năng lực sẽ bị giao nhiệm vụ không phù hợp hoặc không được giao việc… đến khi đánh giá sẽ không khách quan, làm mất đoàn kết nội bộ và lãng phí tài năng” – bạn Thái phân tích.

Đồng tình với chủ trương tinh giản biên chế của dự thảo Nghị định, độc giả Lê Ngọc Huy (Hưng Yên) cho rằng, với một bộ máy hành chính nhà nước đang cồng kềnh và thiếu hiệu quả như hiện nay, việc tinh giản viên chế là giải pháp cần thiết để loại bỏ đi những người kém chất lượng, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

“Tôi từng nghe đến con số 30% công chức ‘sáng cắp ô đi, tối cắp ô về’ mà nhà nước vẫn phải trả lương, nay Bộ Nội vụ đưa ra dự kiến tinh giản 100.000 biên chế tôi tin là đã có sự tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở thực tế và tính toán yêu cầu nhân sự của các cơ quan nên việc bỏ ra số tiền 8.000 tỷ hay bao nhiêu để ‘cắt đi những khối u trên cơ thể’ là việc làm cần thiết để đảm bảo sự “khỏe mạnh và hiệu quả” của nền hành chính nhà nước” – bạn Huy nêu ý kiến.

Cũng theo bạn Huy, mặc dù mang mục đích nâng cao chất lượng công chức nhưng trong quá trình xây dựng nghị định và thực hiện cần thực hiện đồng bộ và nghiêm túc, quyết liệt để tránh những hạn chế đã gặp phải trong những lần tinh giản trước đây.

Hiện dự thảo Nghị định vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến đóng góp của người dân trước khi được ban hành.

Bình luận
vtcnews.vn