• Zalo

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp: Có sự đổi mới về tài chính

Thời sựThứ Tư, 20/03/2013 07:00:00 +07:00Google News

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã họp phiên toàn thể lần thứ 7, lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

 Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã họp phiên toàn thể lần thứ 7, lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.


Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Phó Trưởng Ban Biên tập Dự thảo cho biết, nội dung kinh tế và các nội dung khác có liên quan đến kinh tế được qui định trong Chương III về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường của bản Dự thảo Hiến pháp.

 Lời nói đầu, Chương II về Quyền con người, Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; Chương IV về Bảo vệ Tổ quốc và các chương về tổ chức Bộ máy Nhà nước cũng có đề cập đến nội dung kinh tế và các nội dung khác có liên quan.


Góp ý cho dự thảo, Đại biểu Trần Văn Túy (Lạng Sơn) quan tâm đến mô hình Kiểm toán Nhà nước. Bản Dự thảo quy định: Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Tổng kiểm toán Nhà nước là người đứng đầu Kiểm toán Nhà nước, do Quốc hội bầu. Nhiệm kỳ của Tổng kiểm toán Nhà nước do Luật định. Ông Túy phát biểu: “Nếu chức danh Tổng kiểm toán là do Quốc hội phê chuẩn thì nên theo nhiệm kỳ của Quốc hội”.


Theo tiến sĩ Trần Du Lịch, Ngân sách quốc gia gồm 2 phần là ngân sách trung ương và ngân sách trung ương trợ cấp cho địa phương. Hai cái cộng lại là ngân sách quốc gia, do Quốc hội quyết định. Còn cái gì là ngân sách địa phương thì do chính quyền địa phương quyết định, Quốc hội không can thiệp. Ảnh: Một góc TPHCM. Ảnh: Trần Thanh 

Ông Túy cũng hiến kế phát triển kinh tế vùng, theo đó Dự thảo nên qui định theo hướng: nước chia thành tỉnh và các đơn vị hành chính ngang cấp; huyện chia thành xã và đơn vị hành chính ngang cấp. “Như vậy thì phát huy được thế mạnh kinh tế vùng”, đại biểu bình luận.


Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia đồng tình với việc Quốc hội quyết định chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nhưng đề nghị khoanh rõ phạm vi: “Hiện nay Quốc hội mới chỉ quyết định chỉ tiêu lạm phát.

Bên cạnh đó, còn có hàng loạt chính sách khác liên quan như tỷ giá, tiền tệ, lãi suất… mà Quốc hội không thể can thiệp. Nếu xác định rõ và nhìn vào tính thực tiễn thì nên quy định rõ, Quốc hội quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách phát triển kinh tế xã hội lớn và quyết định vấn đề phân bổ, quyết toán ngân sách”.


Tiến sĩ Trần Du Lịch 
Trong khi đó, ông Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, lần sửa đổi này có sự đổi mới về vấn đề tài chính. Chúng ta đã tách bạch được 2 loại là ngân sách quốc gia và địa phương. Phần địa phương phải đi cùng tự quản địa phương, đó là cái chúng ta phải làm.

Ngân sách quốc gia gồm 2 phần: ngân sách trung ương và ngân sách trung ương trợ cấp cho địa phương. Hai cái cộng lại là ngân sách quốc gia, do Quốc hội quyết định. Còn cái gì là ngân sách địa phương thì do chính quyền địa phương quyết định, Quốc hội không can thiệp”, đại biểu phân tích.


Theo ông Trần Du Lịch, trên cơ sở nguyên tắc đó thì chính quyền trung ương không bao cấp địa phương thông qua tiền mà “bao cấp nhiệm vụ”. Tỉnh nào nghèo thì Trung ương lo, “anh” nào khá hơn một chút thì tự lo một phần…Dù là một đồng do trung ương trợ cấp là quốc gia phải quyết, còn cái gì thuộc địa phương thì địa phương tự quyết.

Chính phủ có nhiệm vụ quản lý chính quyền địa phương, thanh tra, kiểm tra địa phương. “Nếu không sửa điểm này trong Hiến pháp thì không giải quyết được chuyện xin - cho” – ông Lịch khẳng định.






Theo Anh Phương/SGGP
Bình luận
vtcnews.vn