• Zalo

Dự thảo sinh viên bán dâm 4 lần bị đuổi học: Đại biểu Quốc hội tranh luận trái chiều ngay trên hội trường

Thời sựThứ Tư, 31/10/2018 14:31:00 +07:00Google News

Các đại biểu Quốc hội đã có những ý kiến trái ngược nhau xung quanh dự thảo sinh viên bán dâm 4 lần mới bị đuổi học và các vấn đề của ngành Giáo dục.

Trong phiên chất vấn chiều 30/10, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ: "Dự thảo thông tư ban hành Quy chế công tác học sinh sinh viên mà bộ đang cho lấy ý kiến rộng rãi có quy định xử lý học sinh sinh viên bán dâm. Dù là dự thảo nhưng có nội dung gây phản cảm, thiếu cơ sở và đi ngược lại mục tiêu giáo dục là truyền thụ nhân cách. Nhiều cử tri đã bày tỏ sự lo lắng, nghi ngờ về năng lực, uy lực, tâm lực bộ máy quản lý giáo dục hiện nay.

Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình về vấn đề này, nêu vai trò nêu gương của người đứng đầu ngành khi Bộ trưởng thường xuyên đưa ra quan điểm 'sai - sửa sai', 'xử lý nghiêm - kiên quyết xử lý nghiêm', 'rút kinh nghiệm' rồi lại tiếp tục sai? Giải pháp nào để giữ vững sự tôn nghiêm của quản lý giáo dục hiện nay?".

pham thi minh hien

 Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên).

Trả lời đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết quy định trong các văn bản, thông tư của Bộ GD-ĐT rất nhiều. Bộ đã rà soát các văn bản trong nhiều năm gần đây thì có vấn đề này.

"Quy định về bán dâm đối với học sinh, sinh viên có từ năm 2007 và sau đó đầu năm 2016, có thông tư. Thực tế, quy định này đã có. Tôi đề nghị, khi rà soát, những nội dung không phù hợp phải bỏ, trong đó có chủ trương này. Nhưng vấn đề đặt ra là các cá nhân phụ trách việc này năng lực hạn chế, ý thức trách nhiệm kém, dẫn đến phản ứng của xã hội.

Khi nhận được thông tin, tôi đã chỉ đạo xử lý ngay, yêu cầu không đưa vấn đề này vào thông tư nữa".

Video: Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Tranh luận lại với Bộ trưởng Nhạ, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền tỏ ý thất vọng khi Bộ trưởng thay vì nhận trách nhiệm về mình lại đổ cho cấp dưới.

"Tôi có hỏi một câu về vai trò của người đứng đầu trong việc nhận trách nhiệm khi đưa ra dự thảo thông tư kia nhưng tôi không thấy Bộ trưởng nhận trách nhiệm mà lại chuyển cho người khác. Chỉ khi nào Bộ trưởng nhận ra năng lực quản trị của bộ máy giúp việc, của bộ máy quản lý Nhà nước về giáo dục có vấn đề, hạn chế thì mới có giải pháp lấy lại sự tôn nghiêm của quản lý giáo dục. Tôi rất mong Bộ trưởng nhìn thẳng vào sự thật này, không tránh né, không tác động để có giải pháp tích cực hơn cho giáo dục sắp tới".

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Bộ GD-ĐT khắc phục ngay, không để những dự thảo như thế lấy ý kiến rộng rãi. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ rút kinh nghiệm, trả lời hết các vấn đề trong câu hỏi của đại biểu.

Video Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói: 'Quy định phạt sinh viên bán dâm do cán bộ ý thức kém đưa lên'

Tuy nhiên, trưa 31/10, vấn đề của Bộ GD-ĐT vẫn chưa hết "nóng" và tiếp tục nhận được tranh luận của các đại biểu Quốc hội.

Tranh luận với ý kiến của đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên), đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Đắk Lắk) có những ý kiến trái ngược.

"Chúng ta, những người có mặt ở đây đều là sản phẩm của nền giáo dục Việt Nam. Tôi cho rằng, cần có những đánh giá tích cực về ngành Giáo dục, bên cạnh hạn chế để có cái nhìn khách quan, toàn diện.

Không thể phủ nhận, cùng với xu thế phát triển chung của đất nước, chất lượng giáo dục mũi nhọn và đại trà của nước ta không ngừng nâng cao. Mặt bằng, trình độ dân trí tăng lên, năng suất lao động được cải thiện và Việt Nam có khả năng hội nhập tốt với thế giới.

Mặt khác, hiện nay, ngành Giáo dục đang thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Đã là đổi mới thì có tìm tòi, thử nghiệm nên đương nhiên có thiếu sót", đại biểu Lê Thị Thanh Xuân nói.

le-thi-thanh-xuan

 Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Đắk Lắk).

Đại biểu Xuân cho rằng mong đại biểu có những ý kiến góp ý mang tính xây dựng, hiến kế cho ngành Giáo dục.

"Với quan điểm như trên của đại biểu tại hội trường có thể tác động đến dư luận xã hội, có cái nhìn bi quan, thiếu tích cực về ngành Giáo dục. Hơn nữa, có thể làm tổn thương hàng triệu nhà giáo, tạo ra hoài nghi của phụ huynh, học sinh đối với ngành giáo dục nước nhà. Tôi rất mong đại biểu lưu ý và chia sẻ với khó khăn của ngành Giáo dục", đại biểu Xuân tiếp tục nêu ý kiến.

Kết thúc vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, không nên lấy sự việc cụ thể để phủ nhận kết quả, nỗ lực của ngành, của đơn vị, địa phương.

"Chúng ta cần có đánh giá khách quan, tạo dư luận đúng đắn, tốt hơn cho xã hội", Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn