Theo kiến nghị trên, NHNN nên xem xét việc thu hẹp đầu mối kinh doanh vàng miếng phải đảm bảo điều kiện thuận lợi cho việc mua, bán vàng của người dân, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa. Cụ thể là quy định mạng lưới chi nhánh phải linh hoạt hơn, nhất là đối với các doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh vàng miếng không nên đưa họ vào diện không được phép kinh doanh.
Kinh doanh vàng miếng sẽ bị thu hẹp. (Ảnh minh họa).
Những quy định quá khắt khe về điều kiện kinh doanh vàng miếng như có vốn điều lệ trên 100 tỉ đồng, doanh thu 2 năm liên tiếp mỗi năm trên 500 triệu đồng, và phải có chi nhánh tại 3 tỉnh thành khác nhau đang khiến cho số lượng cửa hàng bán vàng bị thu hẹp, gây khó cho người dân khi có nhu cầu mua, bán vàng.
Bên cạnh đó, bản kiến nghị cũng cho rằng hiện tại vàng miếng không còn được dùng để định giá và thanh toán, trong khi người dân vẫn có nhu cầu bảo toàn giá trị tài sản bằng vàng như bao đời nay; vì vậy, hiệp hội cho rằng khi thay đổi chính sách sản xuất và lưu thông vàng miếng nếu không phù hợp sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống người dân.
Việc thu hẹp đầu ra của vàng miếng cũng sẽ khiến người dân khi có nhu cầu tích trữ vàng dưới dạng nhẫn, vòng, kiềng, hay các sản phẩm mỹ nghệ bằng vàng. Điều này sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý, đồng thời làm thiệt thòi cho người dân do chất lượng sản phẩm khó kiểm soát.
Ông Bảng nói rằng nếu chỉ có 1 loại vàng miếng được sản xuất thì cơ hội lựa chọn thương hiệu vàng của người dân sẽ bị thu hẹp, vì hiện tại trên thị trường có đến 8 loại vàng miếng, với giá cả khác nhau. Đồng thời, điều này cũng dễ gây ra sự bất bình trong xã hội về chuyện độc quyền vàng miếng của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn.
“Việc đưa ra các quy định như trong dự thảo cũng nên có lộ trình cụ thể để hơn 10.000 doanh nghiệp đang kinh doanh vàng có thời gian chuyển đổi mô hình hoạt động, và người tiêu dùng có thời gian thích ứng”, ông Bảng nói.
Trong kiến nghị trên, hiệp hội cũng đề xuất Chính phủ thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia để tạo ra sân chơi minh bạch cho nhà đầu tư, đồng thời cũng làm giảm nhu cầu tích trữ vàng vật chất của người dân. Việc làm này cũng giúp thống nhất mức giá trên thị trường, tránh được hiện tượng đầu cơ làm giá.
Hiệp hội kiến nghị Sở giao dịch vàng sẽ trực thuộc NHNN và nhà đầu tư có nhu cầu thì đặt lệnh mua bán tại các thành viên là các công ty kinh doanh vàng và ngân hàng thương mại.
Trong hơn một tuần qua, Bảo Tín Minh Châu đã mua bán vàng Rồng Thăng Long với giá thấp hơn nhiều so với giá niêm yết vàng SJC của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn. Điều này rất khác với thực tế trong vài năm gần đây. Tuy vậy, ở các công ty vàng khác hoạt động mua bán vàng thương hiệu của họ vẫn diễn ra bình thường. Giá vàng của các thương hiệu khác so với SJC chênh lệch không đáng kể. Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, hiện tại công ty vẫn sản xuất và bán sản phẩm vàng miếng PNJ-DAB bình thường, không có hiện tượng người dân đổ xô đem bán vàng miếng thương hiệu này. “Chỉ khi nghị định quản lý vàng có hiệu lực thì hoạt động sản xuất vàng miếng mới ngưng lại và người tiêu dùng nếu đang giữ vàng thương hiệu này nên yên tâm vì công ty sẽ mua lại theo đúng giá thị trường”, bà Cúc nói. |
Thảo Nguyên/ Thời báo kinh tế Sài Gòn Online
Bình luận