• Zalo

Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi: Bên yếu thế, thiện chí sẽ được bảo vệ

Thời sựThứ Năm, 29/01/2015 11:22:00 +07:00Google News

Dự thảo Bộ luật dân sự đề cập đến việc bảo về quyền và lợi ích hợp pháp cho bên yếu thế và thiện chí.

(VTC News) - Dự thảo Bộ luật dân sự đề cập đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bên yếu thế và thiện chí.

"Việc bảo vệ quyền và lợi ích cho người yếu thế và bên thiện chí trong quan hệ dân sự cũng được đề cập trong dự thảo Bộ luật dân sự", ông Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự, kinh tế, Bộ tư pháp cho biết trong buổi tọa đàm “Sửa đổi Bộ luật Dân sự đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước”.

Theo ông Huệ, trên đây là điểm mới trong dự thảo Bộ luật dân sự. Cũng theo ông Huệ, Bộ luật dân sự là luật tư, điều chỉnh các mối quan hệ bình đẳng. Tuy nhiên, trong thực tiễn vẫn còn có bên mạnh thế và yếu thế trong quan hệ dân sự. 

"Trong khoản 2 Điều 138 quy định “Trường hợp bên mạnh thế đưa vào giao dịch dân sự nội dung bất lợi cho bên yếu thế hoặc nội dung điều khoản không rõ ràng thì khi giải thích giao dịch dân sự phải theo hướng có lợi cho bên yếu thế”, ông Dương Đăng Huệ nhấn mạnh.

Ông Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự, kinh tế, Bộ tư pháp 

Vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự, kinh tế cho rằng, đây là một trong rất nhiều quy định của dự thảo Bộ luật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích cho bên yếu thế và bên thiện chí trong quan hệ dân sự. 

Ông Huệ nêu ví dụ về hợp đồng cho vay: "Người đi vay là người yếu thế, còn người cho vay là người mạnh thế hơn và dễ dàng áp đặt lợi ích với người đi vay. Do vậy, trong trường hợp hợp đồng không nói rõ ràng về mức lãi suất, mặc dù hợp đồng có nói rõ là cho vay có lãi cũng sẽ được giải thích theo hướng người vay không phải chịu lãi suất. 

Để bảo vệ quyền lợi của bên yếu thế trong trường hợp này, luật sẽ quy định giới hạn mức trần lãi suất mà bên cho vay có thể áp dụng đối với bên đi vay, tránh trường hợp bên cho vay ép bên đi vay phải chịu mức lãi suất vay quá cao".

Ngoài ra, Dự thảo Bộ luật Dân sự lần này đã cụ thể hóa quyền tự do kinh doanh của công dân mà Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định. Về vấn đề này, ông Dương Đăng Huệ cho rằng, Dự thảo Bộ luật Dân sự quy định, năng lực pháp luật của công dân không bị hạn chế, nghĩa là công dân có thể làm bất cứ việc gì. 

"Nguyên tắc cá nhân, pháp nhân có quyền tự do thỏa thuận cũng là một phần của việc người dân được quyền tự do kinh doanh. Nghĩa là, công dân có thể tự do mua bán, trao đổi bất cứ thứ gì mà luật không cấm", ông Huệ nói.

Trình bày quan điểm của mình về vấn đề nêu trên, luật sư Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết, việc quy định theo cách mới chỉ khoanh những vùng cấm, phần còn lại là “không gian” để người dân, doanh nghiệp được tự do phát huy hết khả năng sáng tạo, phát huy hết nguồn lực để phát triển.

Ông Huỳnh đánh giá đó là một bước tiến mà ông rất ấn tượng của Dự thảo Bộ luật dân sự. 

Ông Dương Đăng Huệ khẳng định, việc sửa đổi Bộ luật dân sự lần này xuất phát từ nhu cầu phải có văn bản mới đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong lĩnh vực phát triển kinh tế cũng như bảo vệ quyền con người và xây dựng Nhà nước pháp quyền. 

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã khẳng định: Mục tiêu của việc xây dựng Bộ luật Dân sự (sửa đổi) là nhằm làm cho Bộ luật Dân sự thực sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật, điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành trên nguyên tắc tự do, tự nguyện bình đẳng và chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia; ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, pháp nhân trong giao lưu dân sự; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội sau khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực thi hành.

Minh Chiến
Bình luận
vtcnews.vn