Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Navi Pillay ngày 11/7 đã phản đối việc Israel tiến hành các chiến dịch quân sự làm nhiều dân thường Palestine tại Dải Gaza thiệt mạng.
Bà Pillay thúc giục tất cả các bên tuân thủ luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế, chấm dứt xung đột vì điều này chỉ dẫn đến sự hủy hoại, thương vong và kéo dài sự xung đột.
Trong khi đó, người phát ngôn của Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền (OHCHR) Ravina Shamdasani cho rằng Israel có thể đã vi phạm luật chiến tranh khi không kích các ngôi nhà tại Palestine ở Dải Gaza khiến khoảng 100 người thiệt mạng.
Hiện trường đổ nát sau vụ oanh tạc của máy bay Israel tại Rafah ngày 11/7. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Cùng ngày, Chính phủ Nam Phi đã bày tỏ quan ngại về sự leo thang bạo lực tại Dải Gaza sau các vụ tấn công của Israel. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul cũng kêu gọi Israel ngừng không kích tại Dải Gaza, cho rằng các bên cần nỗ lực nối lại các cuộc hòa đàm và nhấn mạnh sự cần thiết của việc hỗ trợ nhân đạo tại Dải Gaza.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Chính phủ và dư luận xã hội ở Indonesia cũng đã lên án mạnh mẽ việc Israel tiến hành các cuộc tấn công quân sự vào Dải Gaza làm nhiều dân thường vô tội, trong đó có cả người già và trẻ em, thiệt mạng. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Indonesia nêu rõ hành động quân sự hiện nay của Israel gây trở ngại mới cho nỗ lực nối lại các cuộc hòa đàm giữa Israel và Palestine.
Tờ Bild của Đức số ra ngày 11/7 cho biết trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Israel, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kịch liệt lên án hành động bắn tên lửa vào Israel. Giới chức Đức cho rằng các bên liên quan cần lập tức chấm dứt giao tranh và tiến tới một lệnh ngừng bắn.
Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Israel Dan Shapiro cho rằng dù "không muốn thực hiện một chiến dịch trên bộ," song Washington sẽ ủng hộ Tel Aviv trong mọi trường hợp. Phát biểu trên Đài Phát thanh của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), ông Shapiro khẳng định sự ủng hộ chắc chắn của Mỹ dành cho Israel nếu như nước này quyết định thực hiện một cuộc tấn công trên bộ nhằm vào các căn cứ của Phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza.
Đại sứ Shapiro đưa ra phát biểu trên một ngày sau khi cảnh báo khoảng 100.000 cư dân ở Gaza nên rời khỏi các khu vực gần với biên giới an ninh. Đây được xem là một dấu hiệu mở đường cho cuộc tấn công.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, đề xuất làm trung gian cho một thỏa thuận chấm dứt sự thù địch giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Israel đã bác bỏ ý định nhằm đi đến một thỏa thuận ngừng bắn với Hamas trong ngắn hạn, tuyên bố sẽ tiến hành thêm nhiều giai đoạn khác trong chiến dịch quân sự hiện nay. Lý do ông Netanyahu đưa ra là một thỏa thuận ngừng bắn sẽ giúp Hamas tranh thủ tiến hành các vòng xung đột tiếp theo.
Truyền thông Israel cho biết nước này đã thực hiện 800 cuộc không kích kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự lớn có tên "Bảo vệ Biên giới" từ ngày 8/7 vừa qua. Trong khi đó, các lực lượng vũ trang Palestine cũng đã bắn tổng cộng 809 quả rốckét và 61 quả đạn pháo sang lãnh thổ Israel.
Theo Vietnam+
Bình luận