(VTC News) - “Chưa xem phim mà kết luận về phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long là sai lịch sử, là hồn cốt Trung Quốc,... như thế hóa ra dư luận hiện nay không còn tin vào sự thẩm định Hội đồng duyệt phim Quốc gia cũng như Ban tư tưởng văn hóa Trung Ương, những đơn vị đã duyệt và cấp phép phổ biến phim?!”.
Ở trên là phát biểu bức xúc của đạo diễn Tạ Huy Cường, đồng đạo diễn bộ phim gây nhiều sóng gió: Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long, bộ phim mới tung trailer và một số hình ảnh đã bị nghi ngờ là "phim Trung Quốc nói tiếng Việt".
Tiếp tục loạt bài về số phận các phim tiền tỷ mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội, phóng viên VTC News có cuộc trò chuyện kỹ hơn với ông Cường.
- Vướng mắc lớn nhất mà ê kíp làm phim gặp phải hiện nay là gì?
- Chúng tôi đã trải qua ba lần duyệt phim của Hội đồng duyệt phim quốc gia. Cục Điện ảnh Bộ VHTT&DL đã có công văn cấp phép phổ biến phim, chứ phim không bị cấm đoán hay xem xét gì nữa. Nhưng rất buồn lòng là dư luận hiện nay tỏ ra nghi ngờ về bộ phim này của chúng tôi.
Chúng tôi xin nói rõ là ngay từ khâu kịch bản chúng tôi đã phải gửi lên và báo cáo tất cả các cơ quan chức năng như: Cục Điện ảnh, Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam. Nếu có gì sơ xuất thì ngay từ khâu kịch bản, phim đã không được làm chứ đừng nói chuyện đã được cấp phép phổ biến như hiện nay.
Đúng là trong quá trình làm phim ra, không thể nói chuyện không phải chỉnh sửa cái này cái kia. Nhưng cho đến giờ chúng tôi đã hoàn thành tất cả những yêu cầu chỉnh sửa từ Hội đồng duyệt phim quốc gia. Đảm bảo những chỉnh sửa này sẽ không làm ảnh hưởng đến nội dung phim cũng như những hiệu ứng kỹ xảo của phim.
Hình ảnh trong phim. |
- Nhưng sở dĩ dư luận lên tiếng vì cho rằng phim giống Trung Quốc, sai một số chi tiết lịch sử cụ thể như lời nhà nghiên cứu lịch sử Lê Văn Lan nói, cũng như phim được đồng đạo diễn bởi ông Cận Mậu Đức, một người Trung Quốc,... Một bộ phim như thế dễ gây cảm giác là do Trung Quốc làm?
- Hồn cốt của một bộ phim được quyết định từ khâu kịch bản. Không một đạo diễn nào làm được chuyện thay đổi kịch bản. Hơn nữa họ chỉ là người làm thuê cho chúng tôi. Không có chuyện tự ý thay đổi kịch bản.
Về chi tiết lịch sử này thì nhà sử học Lê Văn Lan đã nhầm cơ bản. Một ví dụ, theo những tư liệu lịch sử cũng như nội dung phản ánh trong bộ phim thì Hạng Lang là nhân vật thời nhà Đinh (con trai của vua Đinh Bộ Lĩnh) còn Lê Long Đĩnh thì là vị vua nhà Tiền Lê, hai nhân vật lịch sử này thuộc hai triều đại lịch sử khác nhau, không thể là anh em ruột với nhau và họ cũng không hề sống cùng thời, làm sao lại chém giết nhau được. Chắc nhà sử học Lê Văn Lan đã lẫn lộn điều này với thông tin lịch sử nào khác chăng?
Tôi không hiểu tại sao dư luận lại chỉ dựa vào lời của ông Lê Văn Lan mà quy kết ngay cho chúng tôi là làm biến đổi lịch sử? Còn chuyện về ông Lê Văn Lan, tôi cũng xin nói thêm là ông ấy không xuất hiện trong lần duyệt phim thứ ba của Hội đồng duyệt phim quốc gia. Sau khi ông ấy đã nói những điều sai cơ bản như thế về lịch sử, hẳn cũng chẳng còn dám đến ngồi Hội đồng duyệt?!
Ông Lê Văn Lan lúc đầu được chúng tôi mời vào ghế cố vấn lịch sử cho phim. Chúng tôi vẫn còn hợp đồng với ông ấy trong tay. Nhưng thật khó hiểu tại sao ông ấy lại lên tiếng nói về phim của chúng tôi như thế? Có chuyện gì ở trong này hay không chúng tôi không thể rõ được.
Đạo diễn Tạ Huy Cường (trái) đang chỉ đạo diễn xuất cho diễn viên Phan Hòa, vai Thái Hậu Dương Vân Nga, tại Trường quay Hoành Điếm Trung Quốc. |
- Anh đã nghe những lời lên án phim của mình rồi chứ? Anh nói gì về những dư luận đó?
- Tôi mong dư luận hãy công bằng với phim của chúng tôi. Hãy cứ để phim lên sóng rồi hẵng đánh giá.
Hiện nay tôi rất buồn là mọi người mới chỉ xem phim trên báo và qua lời của một vài người ngoài cuộc. Tôi xin khẳng định, sau ba lần duyệt, Hội đồng duyệt phim quốc gia đã dành cho chúng tôi những lời khen ngợi khiến phía sản xuất chúng tôi rất ấm lòng.
Mọi người hãy nghĩ rằng để có được nền phim lịch sử như hiên nay, Trung Quốc phải mất 50 năm xây dựng. Thử hỏi nếu chúng ta cứ nhìn nhận như hiện nay thì có phải là kéo tụt nền phim ảnh lại 50 năm?! Mọi người hãy thử nghĩ nếu 50 năm trước mà một đạo diễn Hollywood làm một phim lịch sử của Trung Quốc thì sẽ bị chửi thế nào? Nhưng giờ thì Hollywood làm rất nhiều phim về lịch sử Trung Quốc. Nó vẫn được người ta đón nhận là bom tấn đấy.
Tại sao chúng ta không thấy rằng, chúng ta đang phải đi học nước ngoài về cách làm phim. Sao không tận dụng những kinh nghiệm họ làm trong 50 năm để học nó rồi sau đó tự chủ được.
Mọi người hãy nhìn chuyện phim ảnh là chuyện giải trí thôi. Phim ảnh, kể cả phim cổ trang, không phải là gương mặt của nền văn hóa của một nước. Một nền văn hóa có gương mặt thế nào phụ thuộc vào rất nhiều thứ khác. Đừng nghĩ là chỉ xem phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long là sẽ gây ảnh hưởng gì tới nền văn hóa.
Mọi người hãy có một cái nhìn khách quan hơn về bộ phim. Đợi nó lên sóng hãy phán xét. Đừng phán xét một cách thiếu cơ sở. Chúng tôi sẵn sàng nghe những lời chê, thậm chí là chỉ trích gay gắt từ dư luận, nhưng đó là sau khi đã xem phim.
Tại sao dư luận lại có thể nghi ngờ về phim khi chính Hội đồng duyệt phim Quốc gia, cơ quan chủ quản cấp phép cho việc phổ biến phim, cũng là cơ quan chịu trách nhiệm chính về việc phổ biến các bộ phim, đã cấp phép cho chúng tôi?
Chưa xem phim mà kết luận là sai lịch sử, là hồn cốt Trung Quốc,... như thế hóa ra dư luận hiện nay không tin vào sự thẩm định của Hội đồng duyệt phim Quốc gia cũng như Ban tư tưởng văn hóa Trung ương, những đơn vị đã duyệt và cấp phép phổ biến phim?!
- Là đạo diễn phim, anh có biết số phận của phim, nhất là chuyện bao giờ nó sẽ được lên sóng?
- Chúng tôi vẫn đang chờ và đã có kế hoạch lên sóng vào thời gian sớm nhất. Tôi không muốn nói ra thời điểm cụ thể bởi nó cũng chẳng biết thế nào. Như đợt trước đã có kế hoạch lên sóng vào ngày 30/6 nhưng cuối cùng lại đâu có như dự định.
- Anh có biết uẩn khúc trong việc tại sao phim đã có kế hoạch lên sóng rồi lại phải dừng không?
- Tôi không được biết những chuyện phía sau. Tôi chỉ biết chờ phía Đài Truyền hình khi nào cho lên sóng thì sẽ lên.
- Dòng phim lịch sử mới manh nha nhưng đã gặp rất nhiều khó khăn từ phía dư luận cũng như từ phía các cơ quan quản lý. Là đơn vị sản xuất dòng phim này, anh có đề đạt gì để cho đơn vị mình cũng như các đơn vị khác có thể tiếp tục theo đuổi dòng phim này?
- Đúng là hiện nay làm phim lịch sử gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tư lớn nhưng thu lại chẳng được bao nhiêu. Mọi người cũng thấy ngay rằng chúng tôi đầu tư vào lĩnh vực này khó lòng thu lợi nhuận ngay được. Do đó để tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất phim lịch sử tôi nghĩ các cơ quan quản lý nên có tư duy mở hơn cho dòng phim này, để có thể kiểm duyệt ngay từ khâu kịch bản thật kỹ lưỡng.
Chuyện mong hỗ trợ tài chính từ các cơ quan quản lý nhà nước thì ai cũng mong. Nhưng chúng tôi không dám nghĩ tới chuyện này. Chúng tôi là nhà đầu tư thì sẽ phải tự lo tài chính để làm phim.
Chỉ cần các cơ quan quản lý tạo điều kiện cho chúng tôi để phim làm ra có thể được lên sóng. Có lên sóng thì mới thu hồi được vốn. Từ đó còn có vốn tiếp tục theo đuổi các dự án phim lịch sử khác.
Việt Anh
Bình luận