Những kết quả đáng kể
Báo cáo khái quát tình hình phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh cho thấy, năm 2017, du lịch Thái Nguyên đã đạt kết quả tăng trưởng khá cao.
Theo đó, tổng số du khách đạt trên 2,2 triệu lượt, tăng gần 10% so với năm 2016, trong đó khách quốc tế đạt hơn 66.000 lượt, tăng 3,5%. Tổng doanh thu từ các doanh nghiệp du lịch đạt 310 tỷ đồng...
Phát huy các tiềm năng, thế mạnh, ngành du lịch tỉnh phấn đấu đến năm 2020 đạt tổng lượng khách 3,6 triệu lượt, trong đó có 150.000 lượt khách quốc tế; 1,8 triệu lượt khách có lưu trú. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đạt 460 tỷ đồng...
Kết quả đạt được này là nhờ vào sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp.... tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, du lịch Thái Nguyên vẫn còn tồn tại một số hạn chế như sản phẩm du lịch còn đơn điệu, hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ du lịch còn hạn chế; nguồn nhân lực còn thiếu, tính chuyên nghiệp chưa cao…
Do vậy, tại Hội nghị đánh giá tình hình phát triển du lịch; triển khai kế hoạch tổ chức khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2018 được UBND tỉnh tổ chức chiều 13/3, đồng chí Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh trong thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh đó là cần xác định rõ tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch; lựa chọn xây dựng các điểm, tuyến du lịch trọng tâm để thu hút du khách trong nước, quốc tế.
Bên canh đó, việc phân tích thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế cùng các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, nghỉ dưỡng hồ Núi Cốc, văn hóa trà, thể thao… cũng được chú trọng, nằm trong mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Định hướng phát triển du lịch tỉnh trong thời gian tới
Phát biểu tại Hội nghị tham vấn về định hướng phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đồng chí Ngô Hoài Chung, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch cho rằng, Thái Nguyên cần có thêm chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược về du lịch, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch và dịch vụ, trong đó tập trung đầu tư một số khách sạn 5 sao để cải thiện môi trường đầu tư.
Về thị trường khách du lịch, Thái Nguyên nên xác định, khách nội địa mới là đối tượng tiềm năng để thu hút du lịch. Một số sản phẩm du lịch cần tập trung đầu tư đó là Khu du lịch hồ Núi Cốc, khu di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK (Định Hóa), văn hóa trà...
Nhấn vào thế mạnh sản phẩm du lịch của địa phương, đồng chí Ngô Hoài Chung lưu ý tỉnh trong việc định hình thương hiệu cho các sản phẩm bằng cách tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng chuỗi du lịch gắn kết khép kín để tạo nên sự khác biệt, hấp dẫn riêng của du lịch Thái Nguyên, qua đó xem xét những chỉ tiêu về số lượt khách đến, doanh thu, thu hút lao động, tăng trưởng GRDP của tỉnh để đề ra giải pháp thực hiện cho phù hợp với từng giai đoạn của tỉnh…
Tiếp thu ý kiến của lãnh đạo Tổng cục Du lịch, đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng đây đều là những góp ý quý báu, thẳng thắn và phù hợp với xu hướng chung trong phát triển du lịch hiện nay.
Cùng với đó, UBND tỉnh Vũ Hồng Bắc mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt, trong đó có khâu nối với các nhà đầu tư có năng lực kinh nghiệm về đầu tư chiến lược về du lịch đến với Thái Nguyên từ phía Tổng Cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch và các bộ, ban ngành Trung ương; cam kết tạo điều kiện cho doanh nghiệp, doanh nhân có một môi trường đầu tư tốt nhất, từ đó góp phần đưa du lịch Thái Nguyên phát triển mạnh, xứng tầm với tiềm năng, lợi thế vốn có của địa phương.
Bình luận