Ngày 24/3/2015, trang Huffingtonpost đưa tin “Cherry Blossom Tourism Makes Japan’s Economy Bloom”- (Kinh tế Nhật bùng nổ nhờ du lịch ngắm hoa anh đào). Theo thống kê từ bài viết, trong thời gian lễ hội Hanami từ giữa tháng 3 đến 10/5, khách Hàn Quốc đến Nhật tăng 70%, có trên 1,3 triệu khách Trung Quốc, tăng gấp đôi so với năm 2014. Trong hơn 556 khách sạn ở Tokyo, chỉ có 5 khách sạn chưa kín phòng thời điểm từ 1-28/4/2015.
Còn với Thái Lan, mỗi năm đến Lễ hội té nước - Songkran Festival, ngành du lịch thu về nhiều triệu bath. Đơn cử như tại Songkran Festival 2016, ngành du lịch Thái Lan đặt kỳ vọng thu về 15 triệu baht và thu hút 1 triệu du khách trong 5 ngày lễ hội.
Du lịch lễ hội là một mảnh đất vàng. Những năm gần đây, du lịch sự kiện và lễ hội thậm chí đang là một xu thế được ưa chuộng trên toàn thế giới. Và ngành du lịch tại nhiều quốc gia như Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc… đã và đang “làm giàu” mỗi năm nhờ những lễ hội đã làm nên thương hiệu cho đất nước họ. Riêng với du lịch Malaysia, năm 2015 được chọn là năm của lễ hội - “MyFest 2015” với khoảng 50 sự kiện và lễ hội văn hóa đã được tổ chức, đem về cho Malaysia 25,70 triệu khách du lịch.
Doanh thu/lượng khách tăng đột biến từ du lịch lễ hội hiển nhiên là những con số mà ngành du lịch nhiều quốc gia mơ ước. Đơn cử như Festival pháo hoa quốc tế Montreal tại công viên giải trí La Ronde ở Quebec, Canada, được coi là cuộc thi bắn pháo hoa lớn nhất trên thế giới kể từ năm 1985. Năm đầu tiên diễn ra lễ hội, Quebec thu hút một lượng khách kỷ lục 5,7 triệu người. Các năm sau đó, mỗi năm Festival này thu hút hơn khoảng 3 triệu du khách đến Montreal.
Không thể phủ nhận sức hấp dẫn và khả năng hút khách của loại hình du lịch lễ hội, nhưng nhiều năm qua, loại hình du lịch này ở Việt Nam vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi nhiều nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… đều có một lễ hội truyền thống để gọi tên thì khó có thể nhắc đến một lễ hội điển hình, tiêu biểu của mảnh đất hình chữ S. Không phải Việt Nam thiếu lễ hội truyền thống mà thực tế, những lễ hội đó đang diễn ra rất cục bộ, địa phương và chưa được đầu tư bài bản để xứng tầm quốc tế, tạo nên thương hiệu cho du lịch Việt. Cũng chưa địa phương nào đủ sức đầu tư để có một sự kiện, một lễ hội đủ tầm để du khách mỗi năm phải mong ngóng, đón chờ như Hanami của Nhật Bản hay Songkran của Thái Lan.
Đà Nẵng - Việt Nam và cú lội ngược dòng của DIFF 2017
Những năm trước, Đà Nẵng đã từng là điểm hẹn của du khách mỗi khi cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế DIFC diễn ra. Nhưng như ông Huỳnh Văn Hùng – Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao thành phố Đà Nẵng nói: “Vì mang tính chất cuộc thi nên DIFC chỉ đơn thuần là bắn pháo hoa mà không có hoạt động bên lề nào để giữ chân và thu hút thêm nhiều hơn nữa du khách đến Đà Nẵng vào dịp này.” Đó là chưa kể, DIFC chỉ diễn ra trong 2 ngày, và chỉ được tổ chức 2 năm một lần. Vậy mà theo như ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết: “Năm 2015, chúng tôi có khảo sát cơ bản ở chợ Hàn thì sau một cuộc thi pháo hoa, ban quản lý chợ Hàn báo cáo doanh số tăng gấp đôi so với trước đây”. Sức hút và những cái được từ du lịch sự kiện và lễ hội rõ ràng không thể phủ nhận.
Năm nay, Đà Nẵng quyết định đột phá, biến cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế DIFC thành Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng DIFF 2017 kéo dài 2 tháng (từ 29/04 đến 24/06). Theo tiết lộ của Tổng đạo diễn Lễ hội, ông Lê Quý Dương thì đây sẽ là một lễ hội chưa từng có tại Việt Nam: “Lần đầu tiên, Việt Nam có một lễ hội kéo dài suốt một mùa hè. Lần đầu tiên các lễ hội đường phố sôi động và hoành tráng đến thế ở Đà Nẵng. Lần đầu tiên, lễ hội ẩm thực không diễn ra theo cách thông thường”. Còn xét trên bình diện khu vực Đông Nam Á, đây cũng là lễ hội pháo hoa lớn nhất khu vực cho tới thời điểm hiện tại.
Nội dung chương trình lễ hội phong phú, ngoài 8 đêm trình diễn pháo hoa là nhiều hoạt động bên lề hấp dẫn như Lễ hội “Chân trần trên cát” và “Thắp lửa tri ân”, Lễ hội văn hóa Chăm, Lễ hội điêu khắc, Lễ hội ẩm thực quốc tế “Ngũ hành”, Lễ hội bia và các lễ hội carnival đường phố… “Điểm mới nhất chính là các yếu tố tương tác giữa các chương trình lễ hội với cộng đồng du khách và người dân bản địa”, đạo diễn Lê Quý Dương nói. Điều này có nghĩa là người dân, du khách tham dự không chỉ được ngắm pháo hoa, mà còn được trực tiếp tham gia vào các hoạt động, làm nên tinh thần cho lễ hội.
Ông Huỳnh Văn Hùng - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao thành phố Đà Nẵng cho biết: “Đà Nẵng kỳ vọng đây sẽ là một lễ hội làm nên thương hiệu cho du lịch của thành phố”. Còn ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng thì đưa ra con số đầy hy vọng Đà Nẵng sẽ đón 2 triệu lượt khách trong thời gian lễ hội pháo hoa diễn ra.
Những kỳ vọng, những mong ước đối với DIFF 2017 là rất lớn, nhưng hoàn toàn có cơ sở, bởi với những gì mà Đà Nẵng và Ban tổ chức lễ hội đang làm, không thể phủ nhận sự mới mẻ và sức hấp dẫn mà DIFF 2017 sẽ đem tới. Và chúng ta hoàn toàn có quyền tin rằng, đây cũng sẽ là sự kiện mở màn cho du lịch lễ hội Việt Nam phát triển trong tương lai.
Bình luận