• Zalo

Du lịch kết hợp hiến tinh trùng, người đàn ông 22 con gây tranh cãi

Chuyện bốn phươngThứ Hai, 18/07/2022 16:26:27 +07:00Google News

Chuyến du lịch kết hợp hiến tinh trùng của Adam Hopper gây các luồng ý kiến trái chiều trên mạng, người đàn ông này nói anh chỉ cho người khác cơ hội làm cha mẹ.

Adam Hooper (37 tuổi, đến từ thành phố Perth) là ông bố 2 con và từng hiến tinh trùng giúp hơn 20 đứa trẻ chào đời. Anh tới thành phố Brisbane và dự định hiến tặng tinh trùng trong khoảng 10 ngày.

Bên cạnh đó, trong “chuyến du lịch tạo em bé” này, Hooper sẽ tổ chức hội thảo vào cuối tuần tới và hy vọng một số phụ nữ trong độ tuổi cuối 30, đầu 40 tham dự, Courier Mail đưa tin.

Những người đủ điều kiện sẽ được miễn phí vì việc nhận tiền để cho tinh trùng là bất hợp pháp ở Australia.

“Món quà” của Hooper gây xôn xao trên mạng vì nhiều người lo ngại hành động của anh là phi đạo đức.

Một số khác cho rằng khi người nhận biết cá nhân hiến tinh trùng cho họ sẽ phát sinh nhiều vấn đề sau này, bao gồm tài chính và mối quan hệ với đứa trẻ. Trong khi đó, không ít người cũng đặt câu hỏi về tính hợp pháp đằng sau việc hiến tặng.

Bất chấp ý kiến trái chiều, Hooper cho biết anh không hề “ích kỷ” khi làm điều này. Anh thường xuyên đến gặp bác sĩ để kiểm tra sức khỏe và sẵn sàng hiện diện trong cuộc sống của những đứa trẻ.

Du lịch kết hợp hiến tinh trùng, người đàn ông 22 con gây tranh cãi  - 1

Nhiều người đặt câu hỏi về mặt pháp luật trong việc hiến tặng của Hopper. (Ảnh: @essencedonationworld)

Thông thường, trẻ em sinh ra nhờ việc hiến tặng tinh trùng không được phép gặp cha ruột cho đến năm 18 tuổi. Tuy nhiên, Hooper nói những “đứa con” có thể liên hệ với anh bất cứ lúc nào.

“Tôi không phải là ‘ông bố chung’ nhưng nếu muốn, đứa trẻ có thể xem ảnh hoặc gọi cho tôi khi cần. Tôi sẵn sàng giữ liên lạc. Tôi muốn chúng biết mình đến từ đâu vì có quá nhiều trẻ em phải mất hàng năm trời để tìm kiếm cha đẻ”, anh nói.

Hooper thành lập nhóm Facebook Sperm Donation Australia - nền tảng có hơn 1.500 thành viên. Qua đó, anh kết nối người hiến tặng với các cặp vợ chồng hiếm muộn hoặc độc thân mà muốn có con. Đến nay, hơn 900 đứa trẻ được sinh ra.

Đây là một trong nhiều diễn đàn trực tuyến thu hút người muốn tránh các phòng khám hiến tặng tinh trùng thông thường và tìm cá nhân hiến tặng phù hợp với mong muốn, nhu cầu của họ.

Với chi phí điều trị ngày càng tăng và số lượng người hiến tinh trùng giảm, một số tìm cách không chính thức.

Việc hiến tặng tinh trùng tự do ở Australia không phải là bất hợp pháp nhưng các bác sĩ và chuyên gia trong ngành không khuyến khích điều này. Lý do là rất khó để biết liệu người hiến tặng có tuân thủ các quy tắc hay không.

Ví dụ, có giới hạn về số lượng tinh trùng mà một người hiến tặng có thể cho. Ở Victoria và South Australia, họ chỉ có thể quyên góp cho tối đa 10 phụ nữ, trong khi con số này chỉ là 5 ở New South Wales.

Ngoài ra, những người hiến tặng không được phép ẩn danh và phải tiết lộ trung thực tiền sử bệnh tật cũng như gia đình của họ.

Kate Wilford, Giám đốc dịch vụ Hiến tặng và Mang thai hộ tại City Fertility, cho biết rất khó để người nhận xác định lịch sử của cá nhân hiến tặng nếu được quyên góp không chính thức ở một số bang.

“Việc đăng ký chính thức sẽ hữu ích cho các phòng khám để giảm thiểu người hiến tặng tinh trùng không trung thực, cả qua kênh được kiểm soát hay tự do”, bà nói với news.com.au.

Hiện tại, việc đăng ký hiến tặng tinh trùng chỉ có ở New South Wales và Victoria. Trong khi đó, chính quyền Queensland đang xem xét và sẽ đưa ra quyết định vào tháng tới.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn